Trước thông tin tuyến buýt nhanh sắp bị khai tử, Sở GTVT Hà Nội nói gì?
Sở GTVT Hà Nội bác bỏ thông tin tuyến buýt nhanh sắp bị khai tử, đồng thời cho biết việc dỡ bỏ biển báo làn đường BRT là nằm trong kế hoạch duy tu, sửa chữa.
Những ngày qua, người dân qua lại các tuyến phố Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Giảng Võ… (Hà Nội) có thể nhìn thấy hình ảnh công nhân đang tháo dỡ biển báo "làn đường dành riêng BRT" thuộc tuyến buýt nhanh số 01.
Trên nhiều diễn đàn về giao thông cũng tỏ ra xôn xao trước nghi vấn cơ quan chức năng dừng hoạt động tuyến xe buýt này.
Tuy nhiên, ngay sau đó Sở GTVT Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho biết tuyến buýt nhanh BRT 01 vẫn hoạt động bình thường. Việc làm trên nằm trong kế hoạch duy tu, sửa chữa các hạng mục về vạch kẻ, biển báo... trên tuyến buýt nhanh.
Thông tin từ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội), hiện nay đơn vị đang tiến hành dự án với tổng mức đầu tư hơn 8 tỉ đồng nhằm mục đích bổ sung, điều chỉnh biển báo phân làn đường trên tuyến buýt nhanh BRT; thay thế đinh phản quang hư hỏng trên tuyến đường; bố trí biển báo, cột cần vươn, thay thế biển báo không phù hợp theo quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT và một số hạng mục khác… nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc.
Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hạng mục được thay thế, sửa chữa sẽ hoàn thành trong năm 2023, đặc biệt là hạng mục thay thế biển báo sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Xe buýt nhanh BRT 01 được vận hành từ cuối tháng 12/2016, với tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD. Xe chạy dọc các tuyến đường từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với tổng quãng đường 14,7km.
Dọc tuyến này có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt dành cho người đi bộ để sang đường bắt xe và một làn đường riêng được thiết kế cho BRT vận hành.