Trước khi tạm ngừng lưu hành sản phẩm, Obagi Việt Nam từng dính 'lùm xùm' gì?
Trước khi dính “lùm xùm” tạm ngừng lưu hành sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream do sử dụng chất cấm trong sản phẩm thẩm mỹ, Obagi Việt Nam từng bị phạt 70 triệu đồng vì hành vi vi phạm luật quảng cáo.
Phát hiện chất cấm trong Obagi Elastiderm Eye Cream
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định tạm ngừng lưu hành trên toàn quốc đối với lô sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream có thông tin trên nhãn sản phẩm: Số lô: Lot 0599; NSX: 01/03/2023; HSD: 28/02/2026; Công ty sản xuất: Denison Pharmaceuticals, LLC (Địa chỉ: One Powder Hill Road Lincoln, RI 02865, USA; Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Địa chỉ: 12-12A Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP.HCM) nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, theo Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý Dược...
Công bố của Cục Quản lý Dược cho biết, liên quan đến việc phát hiện mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream có chứa chất Isobutylparaben (bị cấm sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm), Cục Quản lý Dược nhận được Công văn số 803 kèm theo phiếu phân tích của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội về việc báo cáo mẫu gửi sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream, hộp 1 lọ 15g, mẫu sản phẩm chứa Isobutylparaben.
Theo dữ liệu tra cứu trên Hệ thống cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream, công thức sản phẩm kê khai trên Phiếu công bố trước đó không có thành phần Isobutylparaben.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn việc ngừng kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm nêu trên; Trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu trên địa bàn quản lý đối với sản phẩm (ưu tiên số lô: Lot 0599) và gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM; tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dung, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của lô sản phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream, hộp 15g.
Bên cạnh đó, Cục quản lý Dược đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kiểm tra chất Isobutylparaben và các chất bảo quản nhóm Paraben bị cấm sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm trên, gửi kết quả phân tích về Sở Y tế TP.HCM.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM phải phối hợp Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream – Hộp 15g; ưu tiên số lô: Lot 0599, Nhà sản xuất: Denison Pharmaceuticals, LLC (Địa chỉ: One Powder Hill Road Lincoln, RI 02865, USA) để kiểm tra chất Isobutylparaben và các chất bảo quản nhóm Paraben bị cấm sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm tại: Công ty TNHH Onpoint (Mã số thuế: 0314709816; địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà AB, 27B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM và Chi nhánh trung tâm - Bán hàng HiBeauty (số điện thoại 0989539489), địa chỉ: 220/27 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 08, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Đồng thời, tiếp nhận kết quả kiểm nghiệm kiểm tra chất Isobutylparaben và các chất bảo quản nhóm Paraben bị cấm sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm nêu trên của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM; Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có) theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về Cục Quản lý Dược.
Về phía Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam, Công ty TNHH Onpoint và Chi nhánh trung tâm - Bán hàng HiBeauty, Cục quản lý Dược yêu cầu phải có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu sản phẩm mỹ phẩm Obagi Elastiderm Eye Cream - Hộp 15g nêu trên để kiểm tra chất Isobutylparaben và các nhóm Paraben bị cấm sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm.
Obagi Việt Nam dính lùm xùm về quảng cáo
Trước đó, tháng 2/2024, Công ty TNHH một thành viên thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Địa chỉ: 12-12A Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TP.HCM) từng bị xử phạt vì hành vi "Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế".
Theo đó, đơn vị này đã bị xử phạt 70 triệu đồng và buộc thu hồi và buộc cải chính thông tin; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo. Trường hợp không có yếu tố vi phạm, sản phẩm buộc tiêu hủy theo quy định Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Liên quan đến sản phẩm có tên Obagi, ngày 27/8/2022, Đội QLTT số 2 phối hợp Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q. Phong tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Qua kiểm tra, Đội QLTT phát hiện 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi là mỹ phẩm nhập lậu. Với hành vi vi phạm nêu trên của ông H.Đ.Q. Phong, UBND TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt hơn 98 triệu đồng và buộc tiêu hủy 13.050 đơn vị sản phẩm là mỹ phẩm nhập lậu nhãn hiệu Obagi nêu trên.
Theo quy định tại Việt Nam, nếu sản phẩm mỹ phẩm phát hiện có chứa chất Isobutylparenben thì thuộc trường hợp đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm theo khoản 1 Điều 45 Thông tư 06/2011/TT-BYT.
Theo quy định chung của ASEAN (áp dụng chính thức từ ngày 31/7/2015), các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa các dẫn chất paraben bao gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben không được tiếp tục lưu hành trên thị trường.
Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân nào vi phạm khi tiếp tục kinh doanh, sản xuất sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa năm dẫn chất paraben trên cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trước đó, Cục Quản lý Dược đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm rà soát thành phần công thức của các sản phẩm đã công bố để tự thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm có chứa 5 dẫn chất này khỏi thị trường.
- Trước vi phạm thu hồi mỹ phẩm, Công ty Dược mỹ phẩm Đào Tiến từng dính 'lùm xùm' gì?
- Quảng cáo mỹ phẩm không phép, công ty phân phối sữa rửa mặt Innisfree bị phạt nặng
- Kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chế tài quản lý, xử phạt sao?
- TS. Đặng Việt Dũng: 'Người dân lạnh nhạt với nhà tái định cư do công tác tổ chức thực hiện dự án chưa tốt'
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 6/6: Ngân hàng mạnh tay tăng lãi, nên gửi tiền ở đâu?
- ‘Lãi mẹ đẻ lãi con’ với chiến thuật xây dựng cộng đồng thương hiệu mạnh mẽ
- Bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc: Luật quy định như thế nào?
- Kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em, cứu người bị đuối nước, thoát nạn khỏi vùng nước xoáy
- Cách viết content hấp dẫn đảm bảo thu hút khách hàng, đột phá doanh thu