Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 20/11/2023, 19:34 (GMT+7)

Cách trồng rau thủy canh tại nhà đơn giản, dễ dàng thực hiện

Cách trồng rau thủy canh tại nhà bạn đã biết chưa. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch đang được các hộ gia đình chú trọng. Nhiều hộ gia đình đã tự cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình mình, trong đó có trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Cách trồng này hầu hết được sử dụng ở các khu đô thị, các hộ gia đình thường tận dụng ban công, sân thượng để trồng.

Trồng rau thủy canh là gì?

Trước khi tìm hiểu cách trồng rau thủy canh tại nhà, bạn cần biết trồng rau thủy canh là gì. Trồng rau thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp trong môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể mà không phải là đất. Kỹ thuật thủy canh là một trong những nghề làm vườn hiện đại.

Bí quyết của kỹ thuật này là cung cấp đủ và đúng cho cây các nguyên tố khoáng cần thiết. Cung cấp đầy đủ thức ăn, đảm bảo đủ ánh sáng, CO2 để quang hợp, O2 cho quá trình hô hấp thì cây mới phát triển khỏe mạnh được.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-1
Trồng rau thủy canh

Không tính phần nước “uống” thì cây chỉ cần lấy khoảng 5% chất dinh dưỡng từ đất. 95% chất dinh dưỡng còn lại được tạo ra bởi "nhà máy cây" tự sản xuất (quang hợp) và tự tiêu thụ. Đất đơn giản đóng vai trò như một kho chứa chất dinh dưỡng để cây dùng từ từ. Trồng rau thủy canh là biến các chất dinh dưỡng thành dung dịch lỏng để cây trực tiếp hấp thụ mà không cần đất.

Cách trồng rau thủy canh tại nhà đơn giản

Dưới đây là một số cách trồng rau thủy canh tại nhà, cụ thể:

Nguyên liệu cần chuẩn bị để trồng rau thủy canh

Dưới đây là một số nguyên liệu để trồng rau thủy canh tại nhà:

  • Các loại giống rau có thể trồng thủy canh: Phương pháp trồng rau thủy canh không phải loại rau nào cũng phù hợp nên bạn cần nắm rõ đặc tính của từng loại rau để áp dụng cho phù hợp. Một số giống rau có thể trồng thủy canh cho năng suất cao và dễ chăm sóc như rau muống, dền, cải xoăn, cải cúc, mồng tơi, xà lách…

  • Giá thể: Giá thể trồng rau thủy canh phải thoáng khí, có khả năng giữ ẩm tốt. Bạn nên chọn một số loại như: Mút, xơ dừa hoặc trấu hun.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-2
Nguyên liệu để trồng rau thủy canh
  • Rọ thủy canh: Rọ trồng rau thủy canh là loại rọ nhựa có kích thước vừa phải.

  • Thùng xốp, chậu không lỗ thoát nước: Bạn sẽ cần một thùng xốp hoặc chậu không có lỗ thoát nước, dung tích khoảng 30 lít, để đựng dung dịch dinh dưỡng. Thùng xốp có thể mua ở chợ hoặc cửa hàng hoa quả.

  • Dinh dưỡng: Để pha chế dung dịch dinh dưỡng, cần có nước sạch và dung dịch thủy sinh ở dạng bột hoặc nước. Ví dụ, nếu trồng thủy canh rau ăn lá, bạn có thể sử dụng dung dịch Hydro Umat V, ngoài ra bạn sẽ cần máy đo nồng độ PPM (để đo nồng độ dinh dưỡng của dung dịch thủy canh sau khi pha) và máy đo pH.

Cách trồng rau thủy canh tại nhà

Bước 1: Lót nilon vào chậu

Đầu tiên, bạn lót một lớp nilon đen vào bên trong thùng xốp rồi đổ nước vào. Lớp nilon có chức năng giữ dung dịch dinh dưỡng ở trạng thái tối ưu, giúp cây trồng phát triển ổn định.

Bước 2: Đục lỗ

Sau đó, tiến hành đục lỗ trên nắp thùng xốp. Các lỗ có kích thước vừa phải, phù hợp với đường kính của rọ thủy canh. Số lỗ tùy thuộc vào loại rau và mật độ trồng. Lưu ý khoảng cách tối thiểu giữa các lỗ khoảng 5-6 cm.

Bước 3: Ươm giống

Ngâm giá thể là mút xốp hoặc xơ dừa vào nước khoảng 5-10 phút để tạo ẩm, lấp đầy 2/3 rọ thủy canh, cho hạt giống rau vào. Mỗi rọ thủy canh chỉ nên gieo 2-3 hạt, chú ý gieo nông hạt để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm, độ sâu thường là 0,5-1cm.

Bước 4: Pha dung dịch thủy canh

Pha chế dung dịch dinh dưỡng là một bước quan trọng và không thể thiếu trong quá trình trồng cây thủy canh. Khi pha cần đảm bảo đúng và đủ nồng độ dinh dưỡng cho từng loại rau bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi pha. Bạn có thể mua dung dịch thủy canh tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp uy tín, pha theo khối lượng và hướng dẫn của nhân viên hoặc theo hướng dẫn sử dụng. Sau khi pha, đổ dung dịch dinh dưỡng vào thùng xốp sao cho mực nước cách nắp thùng ít nhất 2 cm.

Bước 5: Cho rọ ươm vào khay thủy canh

Cuối cùng, đặt rọ thủy canh đã gieo hạt vào các lỗ trên nắp thùng xốp. Đến đây là hoàn thành các bước trồng rau thủy canh trong thùng xốp tại nhà.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-3
Hướng dẫn cách trồng rau thủy canh

Ưu điểm và nhược điểm của trồng rau thủy canh

Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của phương pháp trồng rau thủy canh, cụ thể:

Ưu điểm của trồng rau thủy canh

Rau thủy canh là phương pháp trồng rau trong đó cây được trồng hoàn toàn trong nước mà không sử dụng đất. Dung dịch nước dùng để trồng rau thủy canh được gọi là dung dịch dinh dưỡng, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây, giống như đất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rau thủy canh hấp thụ chất dinh dưỡng nhanh hơn nhiều so với rau trồng trong đất.

Trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm như không cần đất, nhất là ở chung cư, nhà phố lại giúp tiết kiệm diện tích. Các loại cây trồng cũng hiệu quả hơn khi chúng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn và giảm tỷ lệ sâu bệnh.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-4
Trồng rau thủy canh giúp hạn chế sâu bệnh hại cây

Phương pháp này không tốn nhiều thời gian và công sức chăm sóc, không phát sinh cỏ dại và giảm khả năng mang mầm bệnh. Ngoài ra, phương pháp canh tác này tiết kiệm nước, Do dung dịch dinh dưỡng được giữ trong bể chứa hạn chế sự thoát hơi nước. Cây rau cũng ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, do mái che bảo đảm chất lượng dung dịch dinh dưỡng. Không bị ảnh hưởng bởi đất ô nhiễm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau thủy canh thực sự xanh, ngon và sạch.

Nhược điểm của trồng rau thủy canh

Sự đa dạng của các loại cây trồng bị hạn chế vì không phải tất cả các loại cây hoặc rau đều phù hợp với thủy canh. Vấn đề về sâu bệnh: Một khi đã xuất hiện, sâu bệnh có xu hướng lây lan nhanh chóng trong các hệ thống thủy canh, đặc biệt là trong các bể chứa dinh dưỡng.

Sử dụng thùng xốp làm từ nhựa EPS khó phân hủy có thể gây hại cho môi trường. Ánh nắng mặt trời làm nóng thùng xốp, ống nhựa, thùng nhựa dẫn đến nhiệt độ bên trong thùng cao hơn làm thối gốc, thối rễ.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-5
Trồng rau thủy canh dễ làm cây bị thối gốc

Các mô hình trồng rau thủy canh

Dưới đây là một số mô hình trồng rau thủy canh phổ biến, cụ thể:

Mô hình thủy canh dạng bấc

Hiện nay, có rất nhiều loại mô hình thủy canh đang được sử dụng. Mô hình đầu tiên là mô hình thủy canh dạng bấc, một mô hình đơn giản được sử dụng ở một số nơi để trồng vài loại cây dài ngày. Mô hình hoạt động giống như một chiếc đèn dầu, sử dụng sợi bấc để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Cây được trồng trong giá thể, đặt trong bể chứa dung dịch dinh dưỡng. Một sợi đầu bấc có nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng và nước để nuôi cây con. Chất liệu làm bấc thường là vải hoặc cotton.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-6
Mô hình trồng rau thủy canh

Mô hình thủy canh tĩnh

Mô hình thủy canh tĩnh phù hợp với một số loại cây ngắn ngày. Các chậu, khay, hộp, thùng bên dưới đã được đổ đầy dung dịch trồng cây. Các phần hỗ trợ cây được làm bằng vật liệu nhẹ, thường là nhựa nhẹ hoặc xốp được gọi là bệ nổi. Trong các thùng chứa dung dịch thường có hệ thống sục khí oxy, mục đích giúp tạo độ thông thoáng, giúp cây phát triển tốt hơn.

Mô hình thủy canh nhỏ giọt

Mô hình thủy canh nhỏ giọt có hệ thống máy bơm tự động bơm dung dịch dinh dưỡng trực tiếp vào gốc cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt chậm và tuần hoàn, vì vậy các chất dinh dưỡng dư thừa được lọc và tái sử dụng trong các bể chứa.

trong-rau-thuy-canh-tai-nha-7
Mô hình trồng rau thủy canh

Mô hình thủy canh hồi lưu

Mô hình thủy canh hồi lưu khác với mô hình thủy canh tĩnh, mô hình thủy canh hồi lưu sử dụng máy bơm để đưa trực tiếp dung dịch dinh dưỡng vào rễ cây trồng theo thời gian nhất định. Điều này giúp cho rễ cây luôn được thông thoáng, tránh ngập úng và kiểm soát mức độ dinh dưỡng tốt hơn.

Trên đây là những chia sẻ của Tiếp Thị & Gia Đình về trồng rau thủy canh tại nhà. Đây là cách trồng rau hiệu quả cho ra rau sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phương pháp nhỏ gọn, dễ chăm sóc được sử dụng rộng rãi ở các thành phố lớn. Hy vọng với những mẹo vặt gia đình được chia sẻ trên bạn sẽ thực hiện thành công!

Cùng chuyên mục