TP HCM: Tạm giữ gần 4,6 tấn vải Canvas không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cục Quản lý thị trường TP HCM vừa tiến hành kiểm tra và tạm giữ gần 4,6 tấn vải Canvas (vải bố) không hóa đơn chứng từ, không ghi nhãn hàng hóa, không có tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM, Đội QLTT số 8 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại kho hàng trên đường Nguyễn Phúc Chu, Phường 15, quận Tân Bình, TP HCM.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 8 phát hiện gần 4600kg vải Canvas có giá niêm yết 12.000 đồng/kg không hóa đơn chứng từ, không ghi nhãn hàng hóa, không có tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, trên sản phẩm có niêm yết giá, chưa qua sử dụng với tổng giá trị gần 55 triệu đồng.
Qua xác minh toàn bộ hàng hóa là vải Canvas nêu trên được chủ kinh doanh thu gom, mua trôi nổi trên thị trường trong nước, từ nhiều nguồn khác nhau về để kinh doanh nên không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hành vi vi phạm hành chính đã được Cục QLTT TP HCM ban hành quyết định xử phạt theo quy định.
Hàng hóa không có hóa đơn xuất xứ thường được bán với giá rẻ hơn do không phải chịu thuế và các chi phí hợp pháp khác, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính; việc không nộp thuế từ hoạt động buôn bán này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, làm giảm nguồn lực dành cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cục QLTT TP HCM tăng cường công tác kiểm tra, đẩy mạnh công tác phòng, chống hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.
Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
- Thu giữ hơn 11 tấn mỡ bò các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Phát hiện và tạm giữ số lượng lớn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
- Ngăn chặn gần 2,5 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị lên bàn nhậu