Thứ tư, 14/08/2024, 19:20 (GMT+7)

Phát hiện và tạm giữ số lượng lớn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội vừa thực hiện nhiều đợt kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn bánh Trung thu nhập khẩu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo Cổng thông tin Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, theo kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung Thu 2024, Đội Quản lý Thị trường số 3, đã tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại số 115, Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Tại đây, đội đã phát hiện 321 sản phẩm bánh kẹo, bao gồm 175 chiếc bánh nướng, đều do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Tiếp theo, ngày 7/8/2024, Đội Quản lý Thị trường số 3 tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 quận Ba Đình kiểm tra một cơ sở kinh doanh khác tại số 4 Đặng Dung, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 400 chiếc bánh nướng loại 50g/chiếc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chất lượng.

hà nội bánh
Cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Gần đây nhất, vào ngày 13/8/2024, Đội Quản lý Thị trường số 24 đã kiểm tra một hộ kinh doanh tại địa chỉ số 161, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đội đã phát hiện 240 chiếc bánh Trung thu loại 500g/chiếc và 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói, đều có nhãn bằng chữ nước ngoài và không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong mùa Tết Trung thu năm nay.

Trước thực trạng trên, Cục ATTP đề nghị phối hợp triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được yêu cầu thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Người tiêu dùng được khuyến cáo lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Cùng chuyên mục