Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 21/08/2024, 14:41 (GMT+7)

Xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cần làm gì để không mua nhầm hàng giả?

Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên vừa kiểm tra, phát hiện số lượng lớn xe đạp điện không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Theo Cổng thông tin điện tử Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Yên, Đội QLTT số 4 vừa phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát số: 89C-122.XX lưu hành hướng Bắc - Nam, do ông B. V. C sinh năm 1988, địa chỉ: Tổ 14, Phường Dân Chủ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là người trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa.

Kết quả khám phương tiện, Đội QLTT số 4 phát hiện hàng hoá gồm: 108 chiếc xe đạp điện các loại (không có bình ắc quy) (trong đó có 3 chiếc xe điện đã qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra lái xe đồng thời là người quản lý số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo theo quy định.

XE
Hàng hóa vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện.

Đội QLTT số 4 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 10/7 Đội QLTT số 4 - Cục QLTT Phú Yên phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát số: 89H-004.XX lưu hành hướng Bắc - Nam, do ông N. P. L sinh năm 1992, trú tại tỉnh Yên Bái là người trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là người quản lý hàng hóa đang vận chuyển 83 chiếc xe đạp điện các loại (không bình điện) và 40 bình ắc quy hiệu OSAKA PLUSS, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem CR.

Tại thời điểm kiểm tra lái xe (cũng là người quản lý hàng hóa) không xuất trình được hoá đơn, chứng từ kèm theo theo quy định pháp luật. Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhằm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tốt hơn, thời gian tới Đội QLTT số 4 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng xe đạp điện lưu thông trên thị trường, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác được giao, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.

Tiềm ẩn rủi ro từ xe đạp điện, xe máy điện giả kém chất lượng

Tình trạng tự lắp ráp, độ xe là nguyên nhân của không ít vụ cháy, nổ xe đạp điện, xe máy điện thời gian qua. Ông Lê Yên Thanh - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS, người có tên trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022 - cho biết, xe đạp điện gắn bình điện hay pin đều có nguy cơ cháy, nổ như nhau. Theo ông Lê Yên Thanh, pin sử dụng trong xe đạp điện là pin lithium - loại pin dùng cho điện thoại và laptop. Các hãng sản xuất xe dùng loại pin tốt, xấu khác nhau. Pin tốt bảo đảm quy chuẩn về an toàn, còn pin kém chất lượng sẽ có mạch điện tử bảo vệ pin kém, thiếu hụt cực âm dương. Khi gặp các yếu tố như sạc quá mức, bị nguồn nhiệt từ bên ngoài ảnh hưởng hoặc bị tác động cơ học như va đập, pin sẽ bị phù, nóng lên và phát cháy.

Pin có chất lượng tốt nhưng nếu dùng quá lâu ngày, được cắm sạc qua đêm nhiều lần cũng bị quá tải, ảnh hưởng đến công suất và dễ cháy, nổ khi bị va đập. Nguy cơ cháy, nổ cũng xảy ra với xe dùng bình điện, nếu bình kém chất lượng, mối nối trên bình không được cách điện tốt, chì và a-xít trong bình bị tràn ra ngoài hoặc dùng lâu ngày nhưng không bảo dưỡng, sạc bình quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định. “Mỗi sản phẩm pin/ắc quy, mô tơ trên xe đều có công suất nhất định. Việc các chủ cửa hàng tự thay đổi kết cấu, độ thêm nhiều phụ kiện dễ dẫn tới quá tải nguồn điện, hoặc khiến thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện làm xe phát nổ” - ông Lê Yên Thanh khuyến cáo.

Theo ý kiến của chuyên gia Viện kỹ thuật Chống hàng giả khuyên dùng, ngoài lựa chọn xe có thương hiệu uy tín. Việc sạc pin/ bình ắc quy đúng cách sẽ giúp bảo vệ xe an toàn. Chỉ nên sạc khi pin gần hết và không được sạc qua đêm, nên dùng nguồn điện phù hợp để sạc cho xe. Mỗi cục pin/bình ắc quy đều có hạn sử dụng, vì vậy không nên sử dụng quá lâu vì không đảm bảo công xuất và độ an toàn. Nên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống pin/bình ắc quy ba tháng/lần .

Nếu thấy pin/bình ắc quy bị phồng lên, khi sạc ngửi thấy mùi khét thì cần thay mới và chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Nên dùng dụng cụ sạc chính hãng (cùng hãng với pin/bình ắc quy) để đảm bảo dòng điện đi vào chuẩn và ổn định. Không tác động mạnh vào pin/bình ắc quy, không để xe nơi có nhiệt độ cao, không nên thay đổi kết cấu xe.

Cùng chuyên mục