Thứ hai, 17/07/2023, 15:17 (GMT+7)

Tìm hiểu về trẻ tự kỷ thông minh (Hội chứng Asperger)

Thu Trang (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Trẻ tự kỷ thông minh thường có các đặc điểm như suy giảm khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, trí thông minh dừng ở mức trung bình, đôi khi có thể rất thông minh cũng như có kỹ năng nói tốt hơn so với mức trung bình.

Bài viết này thuộc series Trẻ tự kỷ

Xem thêm

Trẻ tự kỷ thông minh là gì?

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển khởi phát sớm từ những năm đầu đời. Do rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh nên dẫn đến việc trẻ bị khiếm khuyết về ngôn ngữ, tư duy, cảm xúc bất thường và khó hòa nhập.

Hội chứng tự kỷ được chia làm 3 loại: 

  • Nhóm trẻ tự kỷ bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ 

  • Nhóm trẻ tự kỷ ở mức độ trung bình 

  • Nhóm tự kỷ chức năng cao hay còn được gọi là tự kỷ thông minh 

Trong đó, hội chứng Asperger (tự kỷ thông minh) là một căn bệnh vô cùng đặc biệt. Theo các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ mắc hội chứng Asperger thường có khả năng tư duy cao và có vốn từ vựng vô cùng phong phú.

Tuy nhiên, khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ vẫn còn nhiều hạn chế do cách diễn đạt ngôn từ khá lan man, không hiểu ý của người đối diện và chỉ quan tâm đến lĩnh vực mình yêu thích. Đồng thời, khả năng tự lập cũng tương đối kém.

Trẻ mắc hội chứng này thường được mọi người xung quanh nhầm lẫn là những đứa trẻ thông minh vì bên cạnh những khiếm khuyết, chúng thường có một năng khiếu vượt bậc trong một lĩnh vực nào đó. Chính vì vậy, trong những giai đoạn đầu, phụ huynh thường rất khó để phát hiện ra bé có đang bị mắc hội chứng tự kỷ thông minh hay không. Hầu hết chỉ được phát hiện và chẩn đoán khi bé đến tuổi đi học.

Theo các chuyên gia, những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ thông minh đều có IQ cao vượt khỏi mức trung bình. Một số giả thuyết khác được đưa ra là bán cầu trái của chúng có xu hướng nhỏ lại và bán cầu não phải phát triển vượt trội.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-1
Những đứa trẻ mắc hội chứng Asperger thường có khả năng tư duy cao và có vốn từ vựng vô cùng phong phú. Ảnh: sưu tầm

Nguyên nhân của hội chứng tự kỷ thông minh ở trẻ là gì?

Dù chưa có công bố cụ thể nào nhưng theo một số nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của tự kỷ thông minh bắt nguồn từ các yếu tố di truyền và môi trường, tạo ra những sự thay đổi trong sự phát triển của não. 

  • Di truyền

Thực tế cho thấy, phần lớn những trẻ em mắc chứng tự kỷ thông minh thường xuất phát từ những gia đình có người mắc hội chứng này. Nếu trong gia đình có ba mẹ, người thân mắc bệnh, đứa trẻ sinh ra có khả năng mang gen di truyền là rất cao.

  • Môi trường 

Trong quá trình mang thai, người mẹ làm việc hoặc sống trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với các chất độc hại, lâu dần độc tố tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của thai nhi, tạo ra những khiếm khuyết di truyền.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-2
Nguyên nhân chủ yếu của tự kỷ thông minh bắt nguồn từ các yếu tố di truyền và môi trường, tạo ra những sự thay đổi trong sự phát triển của não. Ảnh: sưu tầm

Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ thông minh

Biểu hiện sớm của trẻ tự kỷ thông minh thường thấy là trẻ không nhìn vào mắt khi nói chuyện, không thể giao tiếp với bố mẹ, người thân bằng mắt. Trẻ gặp phải lúng túng trong các tình huống giao tiếp xã hội, không biết trả lời hay làm gì khi người khác tiếp cận, nói chuyện với bé.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-3
Biểu hiện sớm của trẻ tự kỷ thông minh thường thấy là trẻ không nhìn vào mắt khi nói chuyện, không thể giao tiếp với bố mẹ, người thân bằng mắt. Ảnh: sưu tầm

Trẻ bị hạn chế về ngôn ngữ, biểu cảm trên khuôn mặt, ít thể hiện cảm xúc, ít khi cười khi vui vẻ hay khi đùa với người khác. Mới đầu, các triệu chứng thường diễn tiến nhẹ nhàng, có thể bị bỏ qua. Dấu hiệu trở nên rõ ràng, đáng chú ý khi bé được khoảng 3 tuổi, bắt đầu hòa nhập với những đứa trẻ đồng trang lứa. Một số biểu hiện đặc trưng thường thấy của trẻ tự kỷ thông minh như:

  • Trẻ ít tương tác, bị hạn chế về các tương tác hoặc có những tương tác không phù hợp.

  • Trẻ gặp khó khăn trong biểu cảm nét mặt, tư thế hay cử chỉ, khó khăn khi sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ kết hợp với giao tiếp từ mức trung bình trở lên.

  • Trẻ thích giao tiếp một mình, hội thoại một chiều, sống trong thế giới riêng biệt, không thích giao tiếp với người khác, tương tác hay chia sẻ cảm xúc.

  • Bé bị ám ảnh bởi một số chủ đề cụ thể, chỉ nói chuyện xoay quanh một chủ đề, lặp đi lặp lại nhiều lần. Cuộc nói chuyện có thể trôi chảy nhưng thường chỉ giới hạn ở một số chủ đề nhất định.

  • Trẻ có phản ứng bất thường đối với cách cảm nhận mọi thứ như nếm, nhìn hay ngửi.

  • Thường có những chuyển động kỳ lạ hoặc lặp đi lặp lại như vỗ tay, xoay bằng tay hoặc xoay ngón tay,…

  • Thường không biết hoặc gặp khó khăn trong việc bắt chước hành động của người khác.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-4
Trẻ thích giao tiếp một mình, hội thoại một chiều, sống trong thế giới riêng biệt, không thích giao tiếp với người khác, tương tác hay chia sẻ cảm xúc. Ảnh: sưu tầm

Một số khả năng vượt trội của trẻ tự kỷ thông minh

Trẻ tự kỷ thông minh có thể sở hữu một số khả năng vượt trội so với những trường hợp bị tự kỷ khác. Cụ thể như:

Khả năng toán học

Một số trẻ tự kỷ thông minh có thể sở hữu kỹ năng toán học vượt trội, chẳng hạn như trẻ có thể đọc chữ, đọc số, tính toán cộng trừ nhân chia từ sớm, có thể ghi nhớ được hàng số hoặc bất cứ thứ gì có liên quan đến con số. Trong thực tế, tại các lớp giáo dục dành riêng cho trẻ bị tự kỷ, giáo viên cũng nhận thấy rằng có một số em có khả năng tính nhẩm cực tốt và nhanh.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-5
Một số trẻ tự kỷ thông minh có thể sở hữu kỹ năng toán học vượt trội. Ảnh: sưu tầm

Năng khiếu hội họa

Không chỉ sở hữu tài năng về toán học, nhiều trẻ tự kỷ thông minh còn có sức sáng tạo và khả năng tưởng tượng rất phong phú. Không chỉ thế, có những trẻ chỉ cần nghe một bài thơ, một câu nói hoặc nội dung một bài hát nào đó cũng có thể hình dung rõ về hiện tượng, sự vật một cách sống động để thể hiện chúng lại bằng từng nét vẽ. Những đứa trẻ này còn có khả năng sao chép lại các tác phẩm hội họa nổi tiếng mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải tấm tắc dành nhiều lời khen hoa mỹ.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-6
Nhiều trẻ tự kỷ thông minh còn có sức sáng tạo và khả năng tưởng tượng rất phong phú. Ảnh: sưu tầm

Kỹ năng máy tính

Tuy còn khá nhỏ nhưng những đứa trẻ tự kỷ thông minh có khả năng sử dụng máy tính một cách thành thạo. Trẻ có thể tự tìm kiếm những trang mạng mà mình yêu thích, tự cài đặt các ứng dụng hoặc lưu lại các đoạn nhạc, đoạn phim mà trẻ muốn. Ngay cả khi không được người lớn hướng dẫn, trẻ nhỏ vẫn có thể dùng máy tính, các thiết bị điện tử một cách thuần thục, thực hiện các thao tác linh hoạt và nhạy bén.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-7
Tuy còn khá nhỏ nhưng những đứa trẻ tự kỷ thông minh có khả năng sử dụng máy tính một cách thành thạo. Ảnh: sưu tầm

Một số khả năng khác

  • Khả năng về âm nhạc

  • Năng lực về nghệ thuật

  • Khả năng sáng tạo

  • Khả năng tập trung cao độ

  • Khả năng giải mã ngôn ngữ viết từ khi còn rất nhỏ

  • Khả năng suy nghĩ trực quan

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-8
Trẻ tự kỷ thông minh còn có khả năng tập trung cao độ. Ảnh: sưu tầm

Trẻ tự kỷ thông minh có bất lợi gì không?

Những trẻ tự kỷ thông minh sở hữu khả năng đặc biệt nào đó sẽ có sự phát triển mạnh về một vùng não bộ nhất định. Tuy nhiên, chúng lại bị suy yếu về sự liên kết giữa các vùng khác, liên kết giữa những vùng bán cầu não phải và não trái sẽ trở nên lỏng lẻo, thiếu sự chặt chẽ, thống nhất. Chính vì thế, những đứa trẻ này rất khó để có thể phát triển một cách toàn diện. Nhất là ở vùng ngôn ngữ, trẻ tự kỷ sẽ gặp nhiều cản trở trong việc sử dụng ngôn ngữ, hầu hết sẽ chậm nói, không biết cách diễn tả bằng lời nói, ngại ngùng trong giao tiếp hoặc thậm chí có nhiều trường hợp không nói được.

Việc có thể ghi nhớ và đọc lại những nội dung đã được nhìn thấy đôi khi chỉ là sự ghi nhớ theo máy móc, về bản chất thì trẻ hoàn toàn không thể hiểu được những điều đó. Lúc này, bộ não của trẻ sẽ hoạt động giống như robot, trẻ có thể nói hoặc độc tất cả những gì đã được dạy, nhìn thấy dù chỉ tiếp xúc duy nhất lần đầu. Còn có một số trường hợp, trẻ có thể đọc nhanh chóng ngay địa chỉ nhà hoặc số điện thoại của người thân. Tuy nhiên, khi hỏi trẻ về những thông tin cơ bản khác thì trẻ không thể hiểu và trả lời được, chẳng hạn như mấy tuổi, tên gì, học lớp mấy,… Điều này chứng tỏ về sự phát triển bất thường và thiếu tính đồng bộ của một vùng não bộ ở trẻ tự kỷ thông minh.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-9
Trẻ tự kỷ sẽ gặp nhiều cản trở trong việc sử dụng ngôn ngữ, hầu hết sẽ chậm nói, không biết cách diễn tả bằng lời nói, ngại ngùng trong giao tiếp hoặc thậm chí có nhiều trường hợp không nói được. Ảnh: sưu tầm

Cha mẹ nên làm gì khi có trẻ tự kỷ thông minh?

Để có thể phát triển tài năng của trẻ bị tự kỷ không phải là điều dễ dàng. Các bậc phụ huynh cần phải dành cho con nhiều thời gian hơn, vì đây không đơn thuần là việc chăm sóc một đứa trẻ bình thường mà vừa phải kết hợp giữa việc điều trị chứng tự kỷ, nâng cao các kỹ năng bị khiếm khuyết và bồi bổ tài năng vốn có của trẻ. Khi dành thời gian ở bên cạnh con, cha mẹ cũng sẽ dễ dàng phát hiện ra những tài năng tiềm ẩn của trẻ và có định hướng phát triển nó tốt hơn.

Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phải có được kiến thức về chứng rối loạn phổ tự kỷ và tự kỷ thông minh để biết cách giao tiếp, tiếp cận và chơi với con. Tốt nhất là không nên để con tự kỷ chơi một mình, đồng thời cũng cần giảm bớt thời lượng để con tiếp xúc quá nhiều đến các thiết bị điện tự như máy tính, tivi, điện thoại, máy chơi game.

Cách tốt nhất là khi trẻ có tài năng gì thì nên tập trung phát triển tốt tài năng đó để tránh tình trạng bị lãng quên. Chẳng hạn như nếu trẻ có có năng khiếu về âm nhạc, hội họa thì cha mẹ cũng nên hướng cho con theo và tiếp xúc nhiều với môi trường nghệ thuật. Đồng thời cũng cần giúp trẻ hòa nhập tốt với cuộc sống bình thường chứ không nên để trẻ tự cô lập, tách biệt với xã hội.

tre-tu-ky-thong-minh-tiep-thi-gia-dinh-10
Gia đình cần phải có được kiến thức về chứng rối loạn phổ tự kỷ và tự kỷ thông minh để biết cách giao tiếp, tiếp cận và chơi với con. Ảnh: sưu tầm

Hy vọng với những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về tình trạng tự kỷ thông minh ở nhiều trẻ em. Cha mẹ cần phải theo dõi và trao đổi kỹ lưỡng với chuyên gia, bác sĩ để có thể thực hiện theo đúng hướng dẫn trị liệu, từ đó giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Cùng chuyên mục