Thứ sáu, 07/04/2023, 13:06 (GMT+7)

TikTok Shop vượt mặt Sendo, Tiki nhờ "vũ khí” mô hình Shoppertainment

Hoàng Ngân (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng TikTok Shop đang đứng trong top 3 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Vượt mặt Sendo, Tiki, đây chính là “sân chơi” mua bán mới được các doanh nghiệp tin tưởng.

TikTok Shop và mô hình thương mại kết hợp giải trí

Bằng cách sử dụng Shoppertainment - mô hình thương mại kết hợp giải trí, TikTok shop được đà tăng tốc để đuổi kịp hai ông hoàng lớn là Shopee và Lazada.

Shoppertainment là gì?

Theo chia sẻ của ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương TikTok Shop, Shoppertainment là sự kết hợp giữa nội dung, văn hóa và thương mại một cách trau chuốt. Mô hình này cho phép các doanh nghiệp, thương hiệu tương tác với khách hàng trong suốt quá trình trải nghiệm, bao gồm nhìn ngắm sản phẩm, mua hàng, phản hồi - nhận xét. Những yếu tố này giúp cho doanh nghiệp đáp ứng được cả nhu cầu lẫn cảm xúc của khách hàng, nhờ đó xây dựng mối quan hệ bền vững với người tiêu dùng.

Tiktok shop

Mô hình thương mại kết hợp giải trí đã giúp TikTok Shop tăng trưởng

TikTok Shop đến sau nhưng đi nhanh

Thị trường thương mại là một miếng bánh béo bở bị ngấu nghiến bởi “bộ tứ” Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Đây là bức tranh trước năm 2022, giờ đây đã xuất hiện tân binh “đáng gờm” là TikTok Shop với “vũ khí” vô cùng nhạy bén.

Theo báo cáo cuối năm 2022 của Metric, dù chưa tròn một năm ra mắt nhưng sàn thương mại này đã vượt qua Sendo và Tiki, lọt vào top ba của thị trường thương mại điện tử. Mức doanh thu trong một tháng của TikTok Shop tương đương với 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Mỗi ngày, TikTok shop đạt doanh thu 56,6 tỷ đồng với 434.000 sản phẩm được bán ra. Đây là con số mà rất nhiều sàn điện tử phải ao ước và phấn đấu trong nhiều năm liền mới đạt được.

Bằng cách sử dụng mô hình Shopping (mua sắm) kết hợp với Entertainment (Giải trí), TikTok Shop đem tới cho người mua hàng trải nghiệm mới mẻ, thú vị khi mua sắm online. Thông qua mô hình Shoppertainment, sàn điện tử sẽ giải quyết cả hai vấn đề của khách hàng là giải trí và tìm kiếm thông tin sản phẩm mà người mua quan tâm.

Vì sao TikTok Shop sử dụng thuần thục “vũ khí” Entertainment?

Để có được thành công này, TikTok Shop đã có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về thị trường, các ông lớn của sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Tiktok shop

Trải nghiệm mua sắm của người dùng trở nên mới lạ hơn 

Việt Nam là thị trường mua sắm ấn tượng tại Đông Nam Á

Theo báo cáo "Shoppertainment: APAC's Trillion-Dollar Opportunity” được công bố bởi TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group - BCG) đã khẳng định: Mô hình Shoppertainment được dự đoán là kỷ nguyên tiếp theo của sàn thương mại điện tử.

Năm 2022, giá trị thị trường của Shoppertainment đạt 500 tỷ USD (chỉ xét ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là một trong những thị trường phát triển ấn tượng nhất của xu hướng thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á.

TikTok Shop tăng trưởng mạnh nhờ Shoppertainment

Theo nghiên cứu do TikTok và BCG thực hiện, nhận thấy thị trường Việt Nam có phản ứng rất mạnh mẽ đối với mô hình Shoppertainment. Có ba yếu tố dưới đây đã được TikTok Shop làm sáng tỏ khi vận dụng vào mô hình kinh doanh:

Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam có khả năng thích ứng cao với thương mại điện tử thông qua các nền tảng mạng xã hội nhờ cơ sở hạ tầng và kết nối vững chắc.

Thứ hai, hệ sinh thái sáng tạo với nội dung hoàn thiện, nền văn hóa vững chắc quanh các KOL có sức ảnh hưởng lớn tới quyết định của người mua hàng.

Thứ ba, sự thích ứng của các thương hiệu tăng lên khi họ trở nên lạc quan hơn và sẵn sàng đầu tư vào các kênh, nền tảng mới nổi.

Trong khi trải nghiệm quảng cáo trực tuyến đã đạt tới đỉnh điểm và gây bão hòa, khiến cho quá trình mua sắm của người tiêu dùng bị trì hoãn do hoài nghi. Giờ đây, TikTok Shop đã đem tới cho khách hàng trải nghiệm mới, tập trung vào yếu tố giải trí, “mua chuộc” cảm xúc trước khi đưa ra các thông tin về sản phẩm. Nhờ vậy, người tiêu dùng được dẫn dắt từ giai đoạn nhận thức tới hành động một cách liền mạch hơn.

Cùng chuyên mục