Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mua sắm trực tuyến cao nhất Đông Nam Á
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) mới đây cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, thuộc top cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2018 chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Những tín hiệu tích cực của thương mại điện tử trong nền kinh tế số cũng được Google, Temasek, Bain & Company ghi nhận. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo doanh thu và sản lượng hàng hóa giao dịch trên các sàn thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, có thể đạt 650.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng trưởng 35% so với năm 2023.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá vào top đầu khu vực song theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thì những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khách hàng; hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến… vẫn là bài toán cần thêm phương án của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo cần sự chung tay của các bộ ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Hiện Trung tâm Tin học và Công nghệ (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu điện tử và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử cùng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng Số, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua Thương mại Điện tử xuyên biên giới-Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng Thương mại Điện tử lớn trên thế giới…
“Thương mại Điện tử những năm qua đã đang khẳng định vai trò quan trọng trong nền Kinh tế Số tại Việt Nam. Bằng những giải pháp, chiến lược phù hợp của các cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp để tận dụng cơ hội, vượt qua những thử thách của thị trường, Thương mại điện tử hứa hẹn không chỉ tiếp tục phát triển nhanh chóng mà còn hướng tới phát triển bền vững trong tương lai,” đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay.
- Bùng nổ thương mại điện tử, cơ hội nào cho O2O?
- 12 xu hướng thương mại điện tử sẽ “vượt bậc” vào năm 2024
- Tham vọng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của TikTok vấp trở ngại lớn
- Giá vàng SJC giảm nhẹ, vàng nhẫn tiếp tục tăng
- Tại sao sinh vào tháng 10 ít có nguy cơ bị cúm?
- Khi nào giá căn hộ chung cư sẽ hạ nhiệt?
- Chớ nên uống nước vào 4 thời điểm “lợi bất cập hại”
- VinFast gây sốt với chính sách mua xe trả góp chỉ từ 176.000 đồng/ngày
- Gợi ý các loại hoa nên tặng trong ngày 8/3