Chủ nhật, 04/06/2023, 07:26 (GMT+7)

Thực hư về thông tin: "Ăn thực phẩm để qua đêm gây ung thư" ?

T.H (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Có thông tin cho rằng "ăn thực phẩm để qua đêm sẽ gây bệnh ung thư" khiến nhiều người hoang mang.

Có đúng ăn thực phẩm để qua đêm gây ung thư?

Ẩm thực Việt Nam vốn ưa chuộng những gì đầy đặn, đậm đà. Mâm cơm thường phải có đủ món canh, món mặn, món rau... chính vì thế đôi khi dẫn đến tình trạng dư thừa thực phẩm trong mâm cơm. 

nhiều gia đình có thói quen ăn lại đồ thừa từ tối hôm trước. Tuy nhiên có thông tin cho rằng "ăn thực phẩm để qua đêm sẽ gây bệnh ung thư" khiến nhiều người hoang mang. Thực hư điều này ra sao?

Theo ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trên Dân Trí: "Từ trước đến nay đã có nhiều lời đồn như vậy. Thực tế sau một đêm, thực phẩm sẽ bị vi khuẩn tấn công, lên men, có mùi lạ, hoặc là xuất hiện nấm mốc... Do đó vấn đề thường gặp nhất là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…".

Ăn thực phẩm để qua đêm gây ung thư: Bác sĩ ung bướu nói gì? - 1

Để tiết kiệm, nhiều gia đình có thói quen ăn lại đồ thừa từ tối hôm trước (Ảnh minh họa: Getty)

Theo BS Tuấn, không thể có chuyện chỉ ăn thực phẩm ôi thiu 1-2 lần là có thể hình thành bệnh ung thư. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào thực sự rõ ràng nói những thành phần trong thực phẩm để qua đêm có thể gây bệnh ung thư.

"Ung thư là bệnh lý hết sức phức tạp, xuất hiện vì nhiều yếu tố hợp lại chứ không phải từ một yếu tố cụ thể như ăn đồ để qua đêm hay ăn đồ mốc...", BS Tuấn nói.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tự xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, hoa quả, thực phẩm tươi ngon. Cần hạn chế ăn thực phẩm để lâu nhằm tránh những rủi ro liên quan đến bệnh đường tiêu hóa. 

Đồng thời cần duy trì một lối sống tốt, tăng cường vận động thể thao, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của việc tầm soát sức khỏe định kỳ, góp phần kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư nếu có.

Những thực phẩm có thể biến thành "chất độc" khi hâm nóng

Dưới đây là danh sách những thực phẩm không an toàn để hâm nóng nhiều lần do chuyên gia dinh dưỡng Lokendra Tomar (làm việc tại Delhi, Ấn Độ) chia sẻ:

Khoai tây

Khoai tây là nguồn lương thực tốt và dễ dàng bảo quản. Khoai tây cũng là một nguồn giàu vitamin B6, kali và vitamin C. Tuy nhiên, nếu khoai tây được hâm đi hâm lại nhiều lần rất có thể chúng sẽ sản sinh ra vi khuẩn Clostridium Botulinum (vi khuẩn gây ngộ độc). 

Nếu bạn để khoai tây đã nấu chín ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ sinh sôi rất nhanh. Do đó, tốt nhất bạn nên bảo quản chúng trong tủ lạnh hoặc vứt đi nếu không dùng hết trong vòng 1-2 ngày.

Ăn thực phẩm để qua đêm gây ung thư: Bác sĩ ung bướu nói gì? - 2

Nếu bạn để khoai tây đã nấu chín ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ sinh sôi rất nhanh (Ảnh: Getty)

Cơm nguội

Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA), mọi người có thể bị ngộ độc thực phẩm khi ăn cơm nguội hâm nóng. Lý do là vì trong cơm nguội thường có sự hiện diện của Bacillus Cereus.

Nhiệt độ có thể tiêu diệt loại vi khuẩn này, tuy nhiên nó có thể tạo ra các bào tử độc hại trong tự nhiên. Sau khi cơm nguội được hâm nóng và để ở nhiệt độ phòng, số Bacillus Cereus đó sẽ sinh sôi và có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Trứng gà

Trứng gà là một nguồn thực phẩm giàu protein, tuy nhiên trứng có thể gây hại nếu như không được ăn ngay sau khi nấu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xếp trứng vào nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc bậc nhất. 

Trứng gà có thể chứa Salmonella, loại vi khuẩn gây ngộ độc. Để tránh nguy cơ này, CDC khuyến cáo các gia đình nên ăn trứng ngay sau khi nấu. Ngoài ra, không giữ trứng hoặc thực phẩm làm bằng trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ phòng là 32 độ hoặc nóng hơn.

Ăn thực phẩm để qua đêm gây ung thư: Bác sĩ ung bướu nói gì? - 3

Để tránh nguy cơ này, CDC khuyến cáo các gia đình nên ăn trứng ngay sau khi nấu (Ảnh minh họa: Getty).

Thịt gà

Thịt gà rất giàu protein, do đó việc hâm nóng trở lại có thể gây phá vỡ loại khoáng chất này và gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Nếu thực sự muốn hâm nóng gà đã nấu chín, bạn có thể nấu gà ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài hơn. 

Rau có lượng nitrat cao

Các loại rau lá xanh đậm như rau bina, rau cần tây... đều giàu nitrat. Chất này khi được hâm nóng nhiều lần có thể trở nên độc hại. Các loại rau này cũng chứa lượng sắt cao, do đó hâm nóng chúng có thể làm oxy hóa chất sắt, tạo ra các gốc tự do nguy hiểm.

Nấm

Nấm sẽ ngon và bổ dưỡng nhất khi được ăn ngay sau khi chế biến. Trong nấm có chứa nhiều protein, việc hâm nóng chúng có thể gây phá vỡ các protein này và tàn phá hệ tiêu hóa của bạn. 

Dầu ép lạnh

Một trong những nguồn axit béo omega-3 tốt nhất là dầu ép lạnh như dầu hạt lanh, dầu ô liu và dầu hạt cải.... Chất béo omega-3 rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, bởi sau khi sử dụng trên 40 độ C nó đã bị phá vỡ và trở nên ôi thiu. 

Chuyên gia dinh dưỡng Lokendra Tomar cảnh báo các gia đình không bao giờ nên hâm nóng hoặc tái sử dụng dầu ép lạnh.

Cùng chuyên mục