Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 04/04/2024, 16:04 (GMT+7)

Thực hư thông tin ăn cay gây loét dạ dày

Ăn thức ăn cay nóng khiến nhiều người gặp phải tình trạng đau bụng và cho là ăn cay gây loét dạ dày. Kết luận như vậy có đúng không?

Ăn cay có thực sự gây loét dạ dày?

Chia sẻ trên kênh TikTok @doctorsethimd, TS. Saurabh Sethi, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa được đào tạo tại Đại học Harvard và Đại học Stanford (Mỹ) nhận định thông tin ăn cay gây loét dạ dày hoàn toàn không đúng. Thực chất ăn cay không gây loét dạ dày. Thói quen ăn đồ cay nóng chỉ có thể làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược axit dạ dày. Tuy nhiên, trào ngược axit dạ dày và loét dạ dày hoàn toàn khác nhau.

an cay
Ăn cay làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược axit dạ dày

Chuyên gia giải thích rằng, nguyên nhân chính gây loét dạ dày thường là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) hoặc việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen.

Theo đó, nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Sau khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn này sẽ chui vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó hình thành các vết loét dạ dày. Ngoài ra, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, việc sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen… trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày bị tổn thương. Các loại thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị viêm loét.

Thức ăn cay không gây ra loét dạ dày nhưng nếu bạn đã bị loét dạ dày thì ăn thức ăn cay sẽ làm trầm trọng tình trạng này bởi có thể làm gây kích ứng vết loét dạ dày vốn có.

Dấu hiệu nhận biết loét dạ dày

Các chuyên gia chia sẻ những dấu hiệu nhận biết tình trạng loét dạ dày bao gồm:

- Đau rát dạ dày, cơn đau thường tiến triển nặng khi đói bụng hoặc vào ban đêm

- Đầy bụng, chướng bụng hoặc ợ hơi

- Buồn nôn, nôn ra máu

- Đi ngoài phân đen hoặc phân có máu

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

an cay
Sớm điều trị viêm loét dạ dày để không gây hại đến sức khỏe

Loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng chẳng hạn như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường kể trên, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).

Người bệnh loét dạ dày nên ăn gì?

Thực phẩm chứa lợi khuẩn như: sữa chua, miso, kombucha… là những thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic), hỗ trợ đầy lùi Helicobacter pylori, giúp quá trình điều trị lành vết loét thuận lợi hơn.

Thực phẩm giàu chất xơ như: táo, lê, yến mạch, rau xanh… có thể làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, khiến các triệu chứng đau và chướng nhẹ đi.

Thực phẩm giàu vitamin A như: khoai lang, rau chân vịt, cà rốt, dưa vàng và gan bò… giúp hỗ trợ làm lành vết loét dạ dày cũng như đóng vai trò nhất định đối với việc phòng ngừa xuất hiện các vết loét.

Thực phẩm giàu vitamin C như: bông cải xanh, ớt chuông, kiwi… đóng vai trò quan trọng trong quá trình liền vết thương. Những người thiếu vitamin C dễ xuất hiện các vết loét hơn những người khác.

Cùng chuyên mục