Số ca mắc tay chân miệng gia tăng nhanh, làm thế nào để phòng bệnh?
Số ca mắc tay chân miệng của Hà Nội tăng lên đáng kể trong 2 tuần gần đây với khoảng 60-70 ca/tuần.
Đã có ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 22- 29/3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 77 ca mắc tay chân miệng, tăng 15 ca so với tuần trước đó; và ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non. Riêng 2 tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội bắt đầu có xu hướng gia tăng.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 300 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023; đã ghi nhận 5 ổ dịch. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có khoảng 6,7 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng lên, lây lan rộng, đại diện CDC Hà Nội khuyến cáo các trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Đồng thời, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn...
Các cơ sở giáo dục không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng. Các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
Phòng tránh bệnh tay chân miệng thế nào?
Các bác sĩ cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra, phổ biến là nhóm Coxackievirus A16 và Enterovirus 71. Bệnh có biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối…
Bệnh chân tay miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch. Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính vẫn là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, đồng thời theo dõi và điều trị các biến chứng, kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp có bội nhiễm.
Trẻ bị mắc tay chân miệng có thể hồi phục dần sau 7-10 ngày, giống như các sốt virus khác; nhưng cũng có một số ca gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như: Viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp….
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh vẫn là áp dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lây theo đường tiêu hóa để ngăn chặn nguồn lây, giữ vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng.
Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm
- Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
- Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...