Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 04/04/2024, 10:12 (GMT+7)

Tiết Thanh minh năm 2024 vào ngày nào?

Thanh minh là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người dân Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.

Tiết Thanh minh có phải rơi vào tháng 3 không?

Ai đã từng học và đọc qua tác phẩm “Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du chắc hẳn đều biết câu: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...”. Cũng bởi vậy, không ít người nghĩ rằng Tiết Thanh minh diễn ra vào tháng 3.

thanh minh
Tiết Thanh minh với cảnh sắc, tiết trời đẹp của ngày xuân

Thực tế, các chuyên gia cho biết, Tiết Thanh minh được tính theo tiết khí của lịch dương. Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh minh.

Tiết Thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5/4 khi kết thúc tiết Xuân Phân. Tiết Thanh minh 2024 diễn ra từ ngày 4/4 đến 19/4 dương lịch, tức 26/2 đến 11/3 âm lịch. Còn vào thời điểm sáng tác câu thơ “Truyện Kiều”, đang ở tháng 3 âm lịch.

Người Việt làm gì trong Tiết Thanh minh?

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, Thanh minh là dịp để mọi người tri ân, nhớ về cội nguồn. Do đó, dịp này gắn với nghi lễ tảo mộ để sửa sang lại mộ phần gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn và tưởng nhớ người thân đã mất.

thanh minh
Con cháu thu xếp thời gian để sửa sang mộ phần gia tiên

Trong Tiết Thanh minh, thời tiết thường chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. Các gia đình thường thu xếp một ngày để nghĩa trang, mang theo dụng cụ để chăm sóc mộ phần. Với những ngôi mộ còn chưa xây, mọi người dùng xẻng, cuốc để đắp lại cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, tránh để trâu bò đến quấy hoặc ngăn rắn, chuột đào hang làm tổ, mà theo quấy rối sự yên nghỉ của người đã khuất. Những ngôi mộ đã xây thì được quét tước, dọn dẹp.

Sau đó, những người tảo mộ bày hương hoa lễ vật, thắp hương làm lễ thể hiện tấm lòng chân kính và nguyện cầu những điều tốt đẹp cho gia đình, đốt vàng mã. Ngoài ra, người Việt còn thắp hương cho cả những ngôi mộ xung quanh mộ tổ tiên mình và cả những ngôi mộ vô chủ, không có ai thăm viếng như một sự “an ủi” vong linh người đã khuất.

Tuy không có ngày cố định, nhưng Thanh minh vẫn chiếm vị trí quan trọng trong các ngày lễ tết của năm, thể hiện tấm lòng của cháu, con dành cho những người đã rời xa cõi trần. Có gia đình còn cho trẻ đi theo để nhận biết phần mộ và học hỏi lòng kính ngưỡng tổ tiên cũng như thực hành các nghi lễ truyền thống. Nhiều người sống xa quê cũng thường thu xếp về tảo mộ, quay quần với gia đình trong dịp này.

Cùng chuyên mục