Tiếp Thị Gia Đình

Thứ bảy, 24/02/2024, 06:45 (GMT+7)

Vì sao có câu “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?

Sau dịp Tết cổ truyền, bên cạnh việc đi lễ chùa, làm lễ cầu an… Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng người Việt.

Rằm tháng Giêng là ngày 15/1 Âm lịch, năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7 ngày 24/2/2024. Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới âm lịch. Theo Phật giáo, Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Thượng Nguyên, nằm cùng hệ thống với Tết tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười).

Lễ cúng Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt. Từ xưa, ông bà ta có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Cho nên, các gia đình thường cúng lễ rất cẩn thận trong ngày Rằm tháng Giêng. Tại sao lại như vậy?

ram thang gieng
“Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”

Nguyên nhân đến từ nguồn gốc của ngày này. Theo các chuyên gia, có nhiều thuyết về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng.

GS. Lương Ngọc Huỳnh cho biết, có 3 thích về ngày Rằm tháng Giêng. Thứ nhất, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Vía Phật. Đây là ngày Rằm đầu tiên trong năm mới. Tất cả những may mắn nhất của năm mới đều ở ngày này. Vậy nên, với những người theo đạo Phật, bên cạnh ngày mùng 1 Tết thì đây là ngày lễ đầu tiên trong năm. Các Phật tử lên chùa thắp nén nhang, cầu xin một sự may mắn sau đó tụ tập ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ. Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Thứ hai, ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu. Thời xưa có một vị vua cứ đến ngày Rằm tháng Giêng là cho mời các trạng nguyên vào hầu triều và để nói chuyện đầu năm. Sau khi các quân vào hầu triều, buổi trưa họ được vua thiết đãi yến tiệc. Buổi tối, vua và các trạng vào vườn Thượng Uyển để ngắm trăng và vịnh thơ. Các trạng sẽ thi nhau đọc thơ để cho vua nghe. Từ đó, người ta coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên tiêu, là ngày Tết của các vị vua và trạng.

Thứ ba, ngày Tết Nguyên tiêu là ngày Rằm đầu tiên của tổ tiên, dòng họ trong năm mới. Người Việt thường đi lễ chùa và làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và mong một năm mới an lành, may mắn.

ram thang gieng
Có nhiều giải thích về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng

Bên cạnh đó, cũng có thuyết cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Sau ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trước đây, Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn. Những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày Rằm tháng Giêng mới lên đường. Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Trong tâm thức người Việt, ngày Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng không kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, và ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm tháng Giêng đã trở thành một “liệu pháp tinh thần” giúp người Việt vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Cùng chuyên mục