Phòng, chống sử dụng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Những năm qua, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi.
Tập trung chỉ đạo công tác tổ chức Kỳ thi; chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; Sớm xây dựng phương án cụ thể để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho những học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng chưa tốt nghiệp trong Kỳ thi năm 2024 bảo đảm hiệu quả, tiết giảm ngân sách nhà nước.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Vật dụng cấm mang vào phòng thi
Tại Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, điểm mới đáng chú ý nhất mà thí sinh cần ghi nhớ là danh mục các vật dụng được mang vào phòng thi, gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Đồng thời, quy chế thi quy định rõ các vật dụng cấm mang vào phòng thi, gồm: Giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Nếu vi phạm quy định này, mang một trong số các vật dụng cấm thì sẽ bị đình chỉ thi, đồng nghĩa với việc được điểm 0 bài thi đó và không được dự thi các môn tiếp theo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc học sinh không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, mất luôn cơ hội tham gia xét tuyển đại học năm nay.
Nhận diện, phòng, chống các loại thiết bị công nghệ cao
Theo Gia đình và Xã hội, năm nào cũng vậy, trước mỗi kỳ thi, vấn đề gian lận trong thi cử được coi là đáng báo động đối với ngành giáo dục. Chuyên gia an ninh đã điểm mặt một số thiết bị công nghệ siêu tinh vi sử dụng trong gian lận thi cử và cách nhận biết, phát hiện, xử lý.
Thượng Tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng phòng PA03 công an TP. Hà Nội cho biết, với thiết bị ghi hình ngụy trang, đặc điểm là thí sinh dễ dàng cất giấu trong người hoặc ngụy trang tại nơi thí sinh ngồi thông qua những vật dụng được phép mang vào. Các loại thiết bị này là có sim, tai nghe nhỏ và camera siêu nhỏ để bên ngoài có thể gọi điện vào tương tác với thí sinh trong phòng thi. Từ camera này ngụy trang để chụp đề thi chuyển ra ngoài.
Một số thiết bị có camera ngụy trang (hỗ trợ kết nối qua wifi), thiết bị phát wifi (sử dụng sim thẻ điện thoại), phần mềm cài đặt trên điện thoại (để có thể xem, nghe trực tiếp hình ảnh, âm thanh trên thiết bị từ xa). Thiết bị ngụy trang này được một số phần mềm hỗ trợ trong cài đặt và sử dụng.
Các loại thiết bị ghi hình ngụy trang, camera có thể dưới dạng mắt kính nhỏ gọn, bút viết, có loại bút viết có cả màn hình, bàn phím ẩn dưới nắp bút; camera dưới dạng thắt lưng; camera dưới dạng khuy áo. Trước đây, camera dưới dạng khuy áo thường có dây cắm vào tai nghe. Vì vậy, thí sinh phải dùng tóc dài để che dây nhưng bây giờ với micro siêu nhỏ, tai nghe siêu nhỏ dễ dàng sử dụng nên camera dạng khuy áo trở nên phổ biến. Ngoài ra còn có các loại camera ngụy trang dưới dạng trang sức đeo cổ, camera ngụy trang đồng hồ.
Với tai nghe siêu nhỏ và một thiết bị lắp thẻ sim có thể nhận cuộc gọi từ bên ngoài. Thiết bị này được ngụy trang dưới nhiều đồ vật, như giấu trong trang phục của thí sinh quấn quanh cổ áo, khâu chìm bên trong lớp áo... Sim điện thoại lắp đặt trong thiết bị. Thí sinh gắn tai nghe hạt đậu vào lỗ tai sát màng nhĩ trước khi vào phòng thi.