Thứ bảy, 18/11/2023, 06:26 (GMT+7)

Sóng wifi có gây bệnh ung thư không?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Sóng wifi không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại wifi tác động không tốt đến sức khỏe, thậm chí còn gây ung thư. Điều này có đúng không?

Healthline cho biết, wifi là một công nghệ không dây, được sử dụng để kết nối máy tính xách tay, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác với Internet. Wifi gửi dữ liệu qua bức xạ điện từ, một loại năng lượng. Bức xạ tạo ra các vùng gọi là trường điện từ (EMF).

Không ít người dùng cho rằng bức xạ từ wifi gây ra các vấn đề không tốt cho sức khỏe như hại cho thần kinh hay gây ra ung thư… Vấn đề này lần đầu được bàn luận vào năm 2011, khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng EMF “có thể gây ung thư cho con người”. Cơ quan này được thành lập bởi 30 nhà khoa học đã đánh giá các nghiên cứu về EMF và ung thư.

wifi Tiepthigiadinh H1
Nhiều nghiên cứu về tác động của sóng wifi đến sức khỏe

Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến EMF và ung thư vẫn đang mâu thuẫn nhau. Một đánh giá nghiên cứu năm 2017 cho thấy, EMF từ các thiết bị không dây làm tăng nguy cơ mắc một loại u não là bệnh u thần kinh đệm. Nhưng một nghiên cứu năm 2018 nói rằng không có mối liên hệ rõ ràng giữa EMF và khối u não.

Trong một nghiên cứu trên động vật năm 2015, việc tiếp xúc lâu dài với wifi gây ra căng thẳng oxy hóa, góp phần vào sự phát triển của bệnh ung thư trong tử cung của chuột. Một nghiên cứu khác trên động vật năm 2018 lại cho thấy wifi làm giảm hoạt động của các enzyme chống oxy hóa, giúp chống lại stress oxy hóa.

Có thể thấy, hầu hết các nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa wifi và ung thư đều liên quan đến động vật, nên những kết quả trên chưa thực sự thuyết phục. Cơ chế đằng sau những tác động này vẫn chưa cụ thể và không thể xác nhận rằng wifi gây ung thư ở người. Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem bức xạ từ wifi có thể dẫn đến ung thư hay không.

Nếu bạn vẫn còn những nghi ngại khi sử dụng wifi hoặc muốn hạn chế tiếp xúc với nó, hãy chủ động thực hiện một số cách sau:

Giảm mức sử dụng wifi

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm mức độ tiếp xúc với bức xạ wifi là hạn chế sử dụng thiết bị của bạn. Hãy cố gắng chỉ dùng wifi vào những thời điểm bạn thực sự cần sử dụng cho công việc hoặc liên lạc. Vào thời gian khác, hãy lựa chọn hoạt động giải trí, thư giãn ngoài trời.

Giữ khoảng cách

Mức bức xạ RF phát ra từ wifi và các thiết bị không dây khác nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức được biết là gây ra tác động có hại. Để giữ an toàn, bạn nên đặt cục phát wifi ở nơi ít có người đến, không nên đặt trong phòng bếp hoặc phòng ngủ và tránh xa trẻ em. Hãy tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tham khảo nhân viên lắp đặt.

wifi Tiepthigiadinh H2
Không nên đặt cục wifi gần nơi hay sinh hoạt

Sử dụng kết nối có dây

Bạn có thể thay thế wifi bầng kết nối có dây với máy tính để bàn hoặc thiết bị khác với modem bằng cáp thông thường.

Tắt wifi khi không sử dụng

Khi bạn không sử dụng bộ định tuyến wifi hoặc các thiết bị không dây khác, hãy tắt hoặc ngắt kết nối chúng khỏi mạng. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp xúc tổng thể của bạn với bức xạ wifi. Bạn cũng nên ngắt wifi vào ban đêm.

Bảo vệ thiết bị

Bạn có thể mua tấm chắn hoặc vỏ được thiết kế để giảm khả năng tiếp xúc với bức xạ wifi. Các sản phẩm này thường hoạt động bằng cách phản xạ hoặc hấp thụ bức xạ phát ra từ thiết bị của bạn.

Cùng chuyên mục