Sau vụ thuốc giả, Bộ Y tế sắp có quy định mới về kinh doanh thuốc online
Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc online trái phép.
Kinh doanh thuốc qua mạng xã hội là vi phạm pháp luật
Bát nháo tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành, quản lý, ngăn chặn thế nào?
Những ngày gần đây, vụ việc Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, đã gây rúng động dư luận. Đáng chú ý, trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion; các sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.
Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương đẩy mạnh kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Triển khai Công điện, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc kinh doanh thuốc online; rà soát, xây dựng cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong kiểm soát sản xuất, lưu hành thuốc, đặc biệt là quảng cáo, kinh doanh thuốc online.
Cùng đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường truyền thông đến người dân về cách nhận diện thuốc giả để cung cấp thông tin về thuốc giả, khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc tại cơ sở y tế được cấp phép; không tự ý mua thuốc điều trị qua mạng, đặc biệt là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bộ Y tế cũng tăng cường thanh, kiểm tra, đặc biệt là lập các đoàn liên ngành trong phòng, chống hàng giả.
Trong bối cảnh nhiều địa phương báo cáo tình trạng xuất hiện thuốc giả, mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, một biện pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu về ngành dược; công bố thông tin đầy đủ về thuốc được cấp phép lưu hành (cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc và nhãn thuốc), để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc kinh doanh thuốc online của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.
Theo luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý rất nghiêm ngặt. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt được quy định tại Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật Dược (Điều 6) và phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ 2 năm tù, thậm chí cao nhất là tử hình.