Siết hoạt động bán hàng đa cấp: Quảng cáo và công bố sản phẩm bị kiểm tra toàn diện
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh đa cấp và hoạt động quảng cáo sản phẩm…
Việt Nam chỉ còn 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp
Vì sao Công ty Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam bị phạt nặng, chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp?
Liên tục tái diễn vi phạm kinh doanh đa cấp bị tuýt còi, Herbalife Việt Nam có “phớt lờ” pháp luật?
Nhiều vi phạm biến tướng trong bán hàng đa cấp
Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương), đến nay, cả nước chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công thương đánh giá, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng cho biết, năm 2024, trong lĩnh vực quản lý bán hàng đa cấp, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 985 triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 610 triệu đồng.

Mới nhất, đầu tháng 4/2025, qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh đa cấp đối với Công ty TNHH Elken International Việt Nam (số 290/15 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM ), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm và xử phạt doanh nghiệp 185 triệu đồng.
Công ty này không thực hiện và thực hiện không đúng trách nhiệm sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định, không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký…
Trước đó, cơ quan quản lý cũng tiến hành thanh tra hoạt động bán hàng đa cấp của nhiều công ty đa cấp lớn và phát hiện nhiều vi phạm. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (trụ sở chính tại số 26 đường Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) bị phạt 205 triệu đồng; Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam - Vinalink Group (trụ sở chính tại lô C16/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị xử phạt 95 triệu đồng; Công ty TNHH Perfect Global (trụ sở chính tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) bị phạt 215 triệu đồng…
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định về bán hàng đa cấp
Liên quan đến quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công thương đã có chỉ đạo yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cùng đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Công an để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cơ quan này cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp; tiếp tục thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật trong quản lý hoạt động kinh doanh này đối với các Sở Công thương; tham mưu lãnh đạo Bộ chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương…

Ở diễn biến liên quan, mới đây, nhằm cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh đa cấp, đảm bảo các sản phẩm đã được công bố đúng quy định, lưu hành đúng với nội dung đã công bố và có thông tin rõ ràng, chính xác về thành phần, công dụng, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các doanh nghiệp không được cung cấp thông tin về thực phẩm dưới hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP và Nghị định số 18/2023/NĐ-CP.
Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng người có ảnh hưởng (KOLs/Influencer…) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cả doanh nghiệp và người có ảnh hưởng phải đảm bảo minh bạch thông tin, không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, và tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật liên quan.