Thứ hai, 25/12/2023, 14:10 (GMT+7)

“Săn sale online” cuối năm sao cho an toàn, hiệu quả?

Thanh Hoa (Theo Tiếp thị & Gia đình)

“Săn sale online” không còn là cụm từ xa lạ vào mỗi dịp cuối năm. Đa dạng ưu đãi, mức giá hấp dẫn, song đây cũng là lúc mà bạn cần cảnh giác với các mánh khóe lừa đảo.

Mua sắm hàng hóa cuối năm tăng cao

Cuối năm là thời điểm nhiều thương hiệu, nhãn hàng tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. “Săn sale online” trong dịp Giáng sinh, Tết ​​Dương lịch và Tết Nguyên đán tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động. 

mua-sam

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023 từ Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử sẽ là một trong số các nhân tố đóng góp lớn trong nền kinh tế số của Việt Nam trong năm 2023. Con số này chiếm khoảng 16 tỷ USD tổng khối lượng hàng hóa (GMV), tương đương 53% tổng GDP cả nước. So sánh với năm trước, mức tăng trưởng lên tới 11% và điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã luôn nỗ lực đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng.

“Đi chợ online” đã là hành vi quen thuộc của người tiêu dùng trong những năm gần đây. Đặc biệt là trong và sau thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Trên các sàn thương mại điện tử có đa dạng các ngành hàng với nhiều sản phẩm khác nhau từ mẫu mã, công dụng, thiết kế đến giá thành…

Ưu đãi dịp lễ, cẩn trọng lừa đảo tinh vi

Nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao dễ kéo theo nhiều hành vi lừa đảo, tấn công mạng từ các đối tượng xấu. 

Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho biết, có nhiều hình thức, thủ đoạn lừa đảo “online” khác nhau như lừa đảo qua email (Phishing); trang web giả mạo (Spoofed Websites); mạng xã hội (Social Engineering); quảng cáo (Online Advertising Scams); ứng dụng di động (Mobile App Scams); mua bán trực tuyến (Online Shopping Scams); dịch vụ tài chính trực tuyến (Online Financial Scams); tin nhắn điện thoại di động (SMS Phishing)...

Trong đó, đối với lừa đảo qua mạng mua bán trực tuyến, người tiêu dùng có thể mua hàng từ các trang web giả mạo hoặc không đáng tin cậy và sau đó không nhận được hàng hoặc sản phẩm không đúng như mô tả. 

mua-sam 3
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu

Theo Thượng tá, người dùng có thể cảnh giác với các dấu hiệu lừa đảo như:

  • Yêu cầu thông tin cá nhân quá mức: Các trang web hoặc email yêu cầu cung cấp nhiều thông tin như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng…

  • Liên kết đáng ngờ: Liên kết trong email hoặc trang web lạ hoặc không chính xác. Ngôn ngữ và chính tả kém.

  • Các thông điệp chứa lỗi ngôn ngữ, chính tả kém hoặc có ngôn ngữ quá mức cầu kỳ.

  • Áp đặt thời hạn: Cảnh báo nếu thông điệp yêu cầu hành động ngay lập tức và tạo áp lực thông qua việc đặt thời hạn ngắn. 

  • Không thể xác nhận thông tin: Các trang web hoặc thông điệp không cung cấp thông tin liên hệ xác nhận hoặc không có thông tin liên hệ nào. 

  • Yêu cầu thanh toán với hình thức không an toàn: Yêu cầu thanh toán thông qua phương thức không an toàn hoặc không thông dụng như chuyển khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc. 

  • Sản phẩm có mức giá quá rẻ hoặc ưu đãi “không tưởng”: Giá cả sản phẩm hoặc ưu đãi quá hấp dẫn và khác xa so với thị trường. 

  • Thiếu chứng chỉ an toàn (SSL): Kiểm tra xem trang web có sử dụng SSL không. Một trang web an toàn thường có đầu link bắt đầu từ "https://" cùng biểu tượng khóa trong thanh địa chỉ. 

  • Phản hồi tiêu cực từ người dùng khác: Những chia sẻ, đánh giá mang tính tiêu cực của người dùng khác đối với dịch vụ, sản phẩm trên trang web hoặc từ nguồn khác trên mạng. 

  • Thông điệp không chính xác về địa chỉ email hoặc tên doanh nghiệp: Kiểm tra xem địa chỉ email hoặc tên doanh nghiệp có giống với thông tin chính thức không.

Đặc biệt, trong thời đại số hiện nay, lừa đảo bằng trí tuệ nhân tạo AI là một trong những thách thức lớn đối với người dùng cũng như cơ quan quản lý. Đây có thể là công cụ dễ dàng bị lạm dụng và gây ra các cuộc lừa đảo nghiêm trọng thông qua việc giả mạo thông tin (bao gồm hình ảnh, video và văn bản); Chatbots và giao tiếp tự động…

Làm thế nào để "săn sale online" an toàn, hiệu quả?

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, để “săn sale online” an toàn và hiệu quả trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể áp dụng những cách dưới đây.

Kiểm tra chất lượng, thông tin sản phẩm 

Trước khi mua sắm, hãy kiểm tra độ uy tín và chất lượng sản phẩm bằng cách đọc đánh giá và phản hồi từ những khách hàng trước đó. Nếu có quá nhiều đánh giá tiêu cực hoặc phản hồi không tốt, hãy cân nhắc lại quyết định mua hàng.  

Bên cạnh đó, hãy tham khảo kỹ thông tin sản phẩm, giá cả và chính sách đổi/trả hàng trước khi mua hàng. 

Kiểm tra thông tin người bán

Đối với các sàn thương mại điện tử, người dùng nên chọn mua hàng ở những người bán có thông tin được xác thực. Đồng thời, kiểm tra kỹ các thông tin bao gồm: địa chỉ, số điện thoại và thông tin liên hệ khác.

Sử dụng phương thức thanh toán an toàn

Việc mua hàng online thường diễn ra dưới nhiều hình thức thanh toán khác nhau và nếu được, bạn nên chọn “thanh toán khi nhận hàng”. Trường hợp không có mục trên hoặc không tiện, hãy ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán an toàn khác như thẻ tín dụng hay các dịch vụ, mô hình thanh toán trực tuyến uy tín. 

mua-sam 2

Người dùng cần tránh thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng trực tiếp nếu có thể. 

Kiểm tra chính sách bảo mật và điều khoản dịch vụ

Để tránh các rủi ro không mong muốn, hãy đảm bảo việc đọc kỹ chính sách bảo mật và điều khoản dịch vụ của ứng dụng, nền tảng hoặc cửa hàng mua sắm để hiểu rõ về cách họ xử lý thông tin cá nhân và cam kết bảo mật. 

Kiểm tra SSL và kết nối an toàn

Trước khi cung cấp thông tin thanh toán, người mua cần kiểm tra trang web có sử dụng SSL hay không (được biểu thị bằng "https://" trong thanh địa chỉ). Kết nối an toàn giữa máy tính của bạn và trang web sẽ giúp bảo vệ thông tin cá nhân. 

Hạn chế cung cấp thông tin cá nhân

Người mua nên hạn chế chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân không cần thiết mà chỉ cần cung cấp thông tin cần thiết để hoàn thành giao dịch. 

Theo dõi cập nhật an toàn

Ngoài các cách thức trên, cần lưu ý đảm bảo rằng phần mềm an toàn và các ứng dụng di động được cập nhật thường xuyên để bảo vệ khỏi các rủi ro bảo mật. 

Bằng cách áp dụng những bước trên, người tiêu dùng có thể giảm thiểu những rủi ro bị lừa đảo, chiếm đoạt thông tin và tài sản cá nhân.

"Giá rẻ" là mấu chốt của nhiều chương trình mua sắm cuối năm, song cũng có thể là "miếng mồi câu béo bở" của nhiều đối tượng xấu. Do vậy, người tiêu dùng cần luôn cẩn trọng, tỉnh táo để có được những trải nghiệm mua sắm trực tuyến an toàn, hiệu quả.

Cùng chuyên mục