Thứ hai, 22/04/2024, 15:10 (GMT+7)

Sản phẩm OCOP Hà Nam: Niềm tin với người tiêu dùng

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Nhờ bảo đảm chất lượng và thay đổi hình thức, các sản phẩm OCOP của Hà Nam trở thành mặt hàng quen thuộc, tạo được niềm tin với người tiêu dùng và ngày càng khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Đa dạng các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sau 5 năm triển khai, từ 2019 đến nay, tỉnh Hà Nam có 122 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 105 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao). Cụ thể: Thị xã Duy Tiên: 42 sản phầm (12 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao); Thành phố Phủ Lý: 27 sản phẩm 3 sao; Huyện Lý Nhân: 16 sản phẩm 3 sao; Bình Lục: 15 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao); Thanh Liêm: 14 sản phẩm 3 sao; Kim Bảng: 8 sản phẩm (3 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao).

Trong số 122 sản phẩm OCOP đã được công nhận, có một số sản phẩm là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Chuối ngự Đại Hoàng, Cá kho Nhân Hậu và 25 sản phẩm thuộc 8 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa, Làng nghề truyền thống Mây giang đan Ngọc Động, Làng nghề truyền thống Dệt lụa Nha Xá, Làng nghề truyền thống Trống Đọi Tam, Làng nghề truyền thống rượu bèo thôn Thượng, Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành, Làng nghề truyền thống Bánh đa nem làng Chều, Làng nghề truyền thống rượu Vọc.

1
Trứng gà thảo dược Saschi và Bánh đa nem Làng Chều

Được người tiêu dùng đánh giá cao

Các sản phẩm OCOP được phân hạng đều đảm bảo về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, nhiều sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao chất lượng, tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các thị trường có tiềm năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Ông Tạ Đức Võ, Phó Giám đốc KTSX - HTX sản xuất Bún Phở khô Khánh Linh (xã Công Lý - huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Sau khi sản phẩm Phở khô đạt 3 sao, có tem, nhãn mác đầy đủ thì được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng nhiều hơn. HTX tập trung vào phát triển sản phẩm phở rau, củ, quả tốt cho sức khỏe, đặt chất lượng và vệ sinh ATTP lên hàng đầu, phấn đấu nâng hạng sản phẩm lên 4 sao”.

2
Phở khô Khánh Linh và Bún Chùm ngây Morice

Các sản phẩm OCOP của Hà Nam hiện đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm hiện đang được bày bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị Winmart, siêu thị Thành Đô như các loại rau sạch của HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân; sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; Bánh đa nem làng Chều; sản phẩm của Chi nhánh Công ty Cổ phần thực phẩm Mai Chi; phở khô Khánh Linh; bún, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam, sản phẩm Trứng gà thảo dược Saschi, Gà mía thảo dược thịt tươi nhãn hiệu Saschi của Công ty Cổ phần Go Fresh Việt Nam, kẹo lạc Cham Cham…

Bà Lưu Thị Lan, người dân sống ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam cho biết, trước đây, gia đình bà hay mua các sản phẩm, thực phẩm tại chợ. Từ khi biết đến các sản phẩm nông sản OCOP bán tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị thì gia đình bà đã thay đổi và lựa chọn sản phẩm OCOP để sử dụng vì rất yên tâm về chất lượng.

3
Cá kho Nhân Hậu và Kẹo lạc Cham Cham

Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm

Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên; phấn đấu mỗi năm có từ 20 - 25 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên.

Theo Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nam, để đạt được mục tiêu đó cần tập trung vào các giải pháp: Quan tâm đến việc phát triển cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm; đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên, cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là khâu bảo quản chế biến, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu sản phẩm; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dựng các tiến bộ khoa học - công nghệ để chế biến, chế biến sâu sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong sản xuất..,Từ đó, không chỉ sản phẩm được nâng sức cạnh tranh mà còn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu cũng như tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Cùng chuyên mục