Tiếp Thị Gia Đình

Thứ hai, 15/05/2023, 11:30 (GMT+7)

Chùa Ngọa Vân - chốn thiêng liêng hùng vĩ trên đất Phật

Chùa Ngọa Vân là một di tích rất quan trọng, thuộc vùng lãnh địa tâm linh Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đây là ngôi chùa gìn giữ những giá trị Phật giáo từ lâu đời.

Trong cuộc đời tu hành của mình, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lựa chọn đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng. Nếu bạn còn đang thắc mắc không biết chùa Ngọa Vân nằm ở đâu và có những gì, hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé.

Chùa Ngọa Vân nằm ở đâu?

Chùa Ngọa Vân nằm ở núi Bảo Đài thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với diện tích khoảng chừng 196 ha. Chùa Ngọa Vân còn có tên gọi khác là chùa am Ngọa Vân với ngụ ý là ngôi chùa trên mây (Ngọa Vân có nghĩa là mây nằm).  Ngôi chùa này đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.

Nằm ở vị trí cao 500m so với mực nước biển, chùa Ngọa Vân có một vị trí tọa lạc rất đặc biệt. Chùa nằm tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây bao phủ. Mặt trước có Ngọn Bút là tiền án. Hai bên là hai dãy núi ôm vòng làm tay ngai. Phóng tầm mắt ra xa hơn một xíu về phía Nam là thung lũng lớn với là con sông Cầu uốn lượn quanh co. Cây mọc chênh vênh trên vách đá, suối chảy róc rách bên tai. 

chua-ngoa-van-01
Chùa Ngọa Vân nằm ở đâu?

Chùa Ngọa Vân có những gì?

Hãy cùng tìm hiểu lịch sử và vẻ đẹp của chùa Ngọa Vân trong nội dung dưới đây để hiểu hơn về ngôi chùa trên vùng đất Quảng Ninh này. 

Lịch sử hình thành chùa Ngọa Vân

Chùa được xây dựng vào thời Trần và tôn tạo vào thời Hậu Lê. Theo lịch sử ghi chép, vào tháng 8 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông quyết định xuất xa, tu hành tại núi Yên Tử.  Tháng 5 năm 1307, ông đã lên tu tại một am trên đỉnh Ngọa Vân, thuộc núi Bảo Đài, dãy Yên Tử. Tháng 11 năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông an nhiên nhập niết bàn tại am Ngọa Vân.

 Phật hoàng Trần Nhân Tông là người kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn và sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Phật hoàng qua đời đã được hỏa thiêu ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lị và ngọc cốt. Am Ngọa Vân đã được xây dựng lại để thờ cúng Ngài. Đồng thời, dưới sự giúp đỡ của vua Trần Anh Tông thánh địa Ngọa Vân cũng được xây dựng thành một quần thể chùa tháp lớn. Từ đó mở rộng thành trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. 

chua-ngoa-van-02
Lịch sử hình thành chùa Ngọa Vân

Cấu trúc chùa Ngọa Vân

Ngày nay, sau khi được trùng tu, xây dựng, chùa Ngọa Vân là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp. Lớp thấp nhất là 15 di tích dưới chân núi kết nối với nhau bằng một con đường uốn lượn lên dần đỉnh núi như: khu rừng già Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đá Chồng, Ba Bậc Đô Kiệu…

Lớp thứ 2 là chùa Ngọa Vân Trung khang trang nằm ở sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Nó bao gồm Tiền đường và Hậu đường. Đây là khu vực trung tâm lễ hội xuân Ngọa Vân với những nghi lễ quan trong như khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an…. 

chua-ngoa-van-05
chùa Ngọa Vân là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp

Lớp thứ 3 là lớp cao nhất chùa Ngọa Vân - đỉnh núi quanh năm mây phủ. Những dấu tích thiêng liêng  về những ngày tháng cuối cùng của Phật hoàng Trần Nhân Tông đều được lưu giữ tại đây. Am Ngọa Vân, chùa Ngọa Vân Thượng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập cõi niết bàn. Vì thế nơi đây đã đặt tượng đồng thờ để thờ cúng Ngài. Ngoài ra còn có Phật hoàng Tháp - đây chính là nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi hỏa thiêu. 

chua-ngoa-van-04
Cấu trúc chùa Ngọa Vân

Đến chùa Ngọa Vân ngắm nhìn tuyệt tác thiên nhiên

 Ngọa Vân được thiên nhiên ưu ái với vị trí địa lý đặc biệt và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Rừng núi nơi đây chứa rất nhiều các loài động vật quý hiếm như soóc bay lớn, khướu đầu đen…Ngoài ra, còn có có Táu mật, lim xanh, kim giao, la hán rừng…

Để đi lên chùa Ngọa Vân, bạn sẽ đi dọc suối phủ Am Trà, lên dốc Đô Kiệu rồi qua khu Thông Đàn. Du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng rừng thông trăm tuổi vi vu trong gió như một bản hòa tấu. Đây cũng chính là nơi mà các thiền sư đã lựa chọn an táng sau khi viên tịch. Bước lên đỉnh Ngọa Vân, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với Phật hoàng Trần Nhân Tông rồi bước ra tiền đường ngắm thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. 

Với vị trí đắc địa “ tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thủy”, Ngọa Vân hiện lên trước mắt như một bức tranh thủy mặc. Chùa được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi cao trùng trùng điệp điệp. Núi ôm mây, mây vờn núi, suối chảy quanh. Tâm hồn bỗng trở nên nhẹ nhàng, an yên đến lạ. Chính vì lẽ đó, chùa Ngọa Vân luôn là một điểm đến nao nức lòng du khách. 

chua-ngoa-van-03
Đến chùa Ngọa Vân ngắm nhìn tuyệt tác thiên nhiên

Những kinh nghiệm khi đến chùa Ngọa Vân

Để đến chùa Ngọa Vân bạn có thể đi cap treo hoặc đi bộ nhé. Lối đi bộ là hai lối mòn lên núi. Nếu sử dụng hệ thống cap treo, bạn sẽ đỡ được khoảng chừng 2km nhưng sau đó vẫn phải đi bộ thêm một đoạn nhé. Để có một chuyến đi trọn vẹn đến chùa Ngọa Vân, bạn cần bỏ túi một số lưu ý nhỏ sau nhé:

  • Chùa là chốn phật pháp linh thiêng, do đó bạn cần chú ý về phong cách ăn mặc nhé. Đặc biệt nếu lựa chọn đi bộ bậc thang lên chùa, bạn nên mang giày thể thao cho tiện nhé.

  • Đi nhẹ, nói khẽ, không cười đùa quá lớn tiếng trong khu vực linh thiêng của chùa. 

  • Khi cúng lễ tại chùa, bạn không nên mua vàng mã, đồng thời nên chọn lễ vật chay nhé.

  • Hãy là khách du lịch có ý thích, đến để lại lòng thành, về mang theo tâm hồn an nhiên thanh tịnh. Hãy giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tuyệt đối không tùy tiện vứt rác bừa bãi.

chua-ngoa-van-06
Những kinh nghiệm khi đến chùa Ngọa Vân

Trên đây là những thông tin chia sẻ về chùa Ngọa Vân. Ngọa Vân là sự tổng hòa của ba giá trị cốt lõi tâm linh, thiên nhiên,văn hóa – lịch sử, tạo thành một sức mạnh linh thiêng, huyền bí. Nếu có dịp đến Quảng Ninh, bạn hãy ghé thăm thị xã Đông Triều để đến với chùa Ngọa Vân nhé. Tin chắc rằng, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và không gian yên bình nơi đây, bạn sẽ có một chuyến hành hương khó quên đấy.

Bài viết này thuộc series Du lịch

Xem thêm
Từ khóa:
Cùng chuyên mục