Quảng cáo việc nhẹ lương cao, cơ quan chức năng khuyến cáo gì để người dân không sập bẫy lừa đảo?
Lợi dụng nhu cầu tìm việc ngày càng cao, các nhóm đối tượng đã đưa ra thông tin tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, việc nhẹ lương cao để thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP HCM, hiện nay, nhu cầu tìm việc của người lao động ngày một tăng cao, nhất là lao động trẻ, sinh viên mới ra trường với mong muốn tìm được việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống và phụ giúp gia đình.
Lợi dụng nhu cầu đó, các nhóm đối tượng đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn, việc nhẹ lương cao để thu hút sự quan tâm của nhiều người; sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng hoặc thông tin các nội dung gây sự hiểu nhầm khi ra nước ngoài làm việc thông qua hình thức du lịch, đầu tư, du học.
Để ngăn chặn các doanh nghiệp không có giấy phép lừa đảo, môi giới việc làm không đúng quy định, bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, Sở LĐTB&XH yêu cầu Phòng LĐTB&XH thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho người lao động trên địa bàn đang có nhu cầu tìm việc làm nêu cao tinh thần cảnh giác với các hành vi lừa đảo, môi giới việc làm của các cá nhân, tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn không có trong danh sách được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động và thông tin về Sở LĐTB&XH (thông qua Phòng Việc làm – An toàn lao động, đồng thời gửi vào hộp thư điện tử vlatld.sldtbxh@tphcm.gov.vn).
Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn TP HCM thông tin, khuyến cáo đến học sinh, sinh viên cảnh giác trước những quảng cáo, lời mời chào việc nhẹ lương cao, đặc biệt các công việc ở nước ngoài thông qua hình thức du học, du lịch, đầu tư hoặc công việc trực tuyến (online).
Nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì liên hệ các cơ quan chức năng tại địa phương, tổ chức, doanh nghiệp uy tín có chức năng đưa người lao động làm việc ở nước ngoài để được tư vấn hoặc truy cập trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (https://www.dolab.molisa.gov.vn) để kiểm tra thông tin trước khi ký kết hợp đồng.
Cảnh giác trước các thông tin đăng tải trên mạng xã hội; tìm hiểu kỹ thông tin về nhu cầu tuyển dụng và cảnh giác đối với các yêu cầu nộp tiền phục vụ cho việc tuyển dụng (mua đồng phục, phí giữ chỗ…). Danh sách các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở LĐTB&XH TP HCM (https://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn/).
Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, khi phát hiện thông tin các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, đưa người lao động đi nước ngoài làm việc có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo cần thông báo ngay cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.
Suýt chết vì sập bẫy "việc nhẹ lương cao"
Tháng 10/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, những kẻ lừa đảo đã tiếp cận, dụ dỗ hai cháu T.V.V. (17 tuổi), H.N.G.N. (15 tuổi) cùng trú tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) xuống TP HCM, sau đó xuất cảnh sang Campuchia sẽ có người lo công việc với mức lương 18 triệu đồng/tháng. Sự thật, tại Campuchia hai cháu phải làm việc lừa đảo trên máy tính từ 8 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Nếu muốn về nhà thì phải trả cho "công ty" hơn 17 triệu đồng.
Qua ứng dụng Messenger, hai anh N.T.G và H.V.B cùng trú tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc được giới thiệu làm nhân viên bốc xếp hàng hóa tại Campuchia với mức lương 20 triệu đồng trở lên. Được “công ty” đưa đón từ Bến xe An Sương (TP HCM) qua nhiều chặng dừng nghỉ, thay đổi nhiều phương tiện (ô tô, xe gắn máy, xuồng máy..).
Khi được đưa tới một dãy nhà tại Campuchia (gần khu vực các Casino), lúc này mới biết bị lừa bán sang Campuchia để làm việc với nhiệm vụ là sử dụng tài khoản Facebook ảo để tìm kiếm đối tượng, lừa đảo qua mạng Internet.
Trở về từ Campuchia (tháng 11/2023) sau khi được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn, anh N.T.G và H.V.B may mắn gặp lại gia đình. Tuy vậy, số tiền gia đình bỏ ra cho các đối tượng bên kia biên giới là 150 triệu đồng cùng những tháng ngày ám ảnh bị bóc lột về sức khỏe và tinh thần.
Ngày 24/7/2024, Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) tiếp nhận 7 công dân Việt Nam bị phía Campuchia trục xuất, trao trả do vi phạm quy định về lao động tại Campuchia. Khẩn trương phối hợp đấu tranh, lực lượng chức năng đã làm rõ và khởi tố 2 đối tượng là T.V.T (32 tuổi) và N.V.V (37 tuổi) cùng trú tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk về hành vi mua bán người.
Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đa phần khi người lao động sang Campuchia làm việc nếu không thực hiện đủ theo yêu cầu của các đối tượng thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, tra tấn, bỏ đói và yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền “chuộc” từ 3.000 - 20.000 USD cho các đối tượng thông qua các tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp (phần lớn là các tài khoản ảo) mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi hoặc bị bán cho các công ty khác.