Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 23/10/2024, 13:59 (GMT+7)

Nhận diện chiêu trò lừa đảo qua xem phim online bình chọn được trả phí

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí.

Theo đó, Công an thành phố Hà Nội vừa phát cảnh báo về một chiêu trò lừa đảo mới liên quan đến việc mời gọi xem phim online và bình chọn có trả phí. Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo đang lợi dụng mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức này.

Theo Cổng thông tin chính phủ, thủ đoạn của chúng bắt đầu bằng cách kết bạn với nạn nhân trên Facebook, sau đó dụ dỗ họ tải ứng dụng Telegram để tham gia vào các hoạt động xem phim online và bình chọn trả phí. Sau khi nạn nhân kết bạn với một tài khoản Telegram khác, họ được hướng dẫn chi tiết về quy trình kiếm tiền qua các bước bình chọn trên một trang web.

Ban đầu, các đối tượng thực hiện vài bước nhỏ để tạo lòng tin, bằng cách gửi một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của nạn nhân sau hai lần bình chọn. Thấy có lợi nhuận nhanh chóng, nạn nhân tiếp tục nạp thêm tiền vào hệ thống để tích lũy.

Tuy nhiên, sau khi nạp tiền và hoàn thành các yêu cầu, nạn nhân bất ngờ nhận thông báo về việc nhập sai dữ liệu, yêu cầu nạp thêm 36 triệu đồng để "bù trừ dữ liệu" trước khi có thể rút tiền. Các lý do này chỉ là cái bẫy để khiến nạn nhân tin tưởng và nạp thêm tiền, từ đó mất trắng vào tay kẻ lừa đảo.

Screenshot 2024-10-23 12.
Screenshot 2024-10-23 12.

Trước tình hình này, Cục An toàn thông tin đã đưa ra khuyến cáo người dân cần cảnh giác cao độ với các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Người dân nên xác minh danh tính đối tác trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hoặc bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào.

Đặc biệt, cần tránh truy cập vào các liên kết hoặc ứng dụng không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện hoạt động đáng ngờ, người dân nên nhanh chóng báo cáo cho cơ quan công an để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Mới đây, diễn viên Khôi Trần đã lên tiếng cảnh báo về việc bị đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh, giọng nói và lừa đảo người hâm mộ thông qua các cuộc gọi video call. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại tài chính cho nạn nhân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của nghệ sĩ.

Theo lời chia sẻ của nam diễn viên, một đối tượng tên N.V.S đã sử dụng hình ảnh của anh để lập tài khoản Facebook giả mạo với mục đích lừa đảo. Điều đáng nói là đối tượng này còn dùng công nghệ AI để giả mạo giọng nói và gọi video call, khiến nạn nhân tin tưởng rằng họ đang nói chuyện trực tiếp với Khôi Trần. Sau khi tạo dựng được niềm tin, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền và sau khi nhận được tiền, hắn lập tức chặn tài khoản của các nạn nhân trên mạng xã hội.

Một số nạn nhân vì hiểu lầm đã có những lời lẽ xúc phạm nặng nề với nam diễn viên, khiến tình hình thêm phức tạp. Khôi Trần không phải là trường hợp duy nhất bị mạo danh. Tình trạng các nghệ sĩ nổi tiếng bị giả mạo tài khoản trên mạng xã hội nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo đã trở thành một vấn nạn trong thời gian gần đây.

Những tài khoản giả mạo thường có thêm chữ “official” hoặc “FC” trong tên tài khoản để gây nhầm lẫn cho người dùng. Một số thậm chí sử dụng dấu tích xanh giả nhằm tăng độ tin cậy, khiến nạn nhân dễ mắc bẫy hơn.

Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Để tránh rơi vào bẫy lừa, người dùng nên kiểm tra tính xác thực của tài khoản nghệ sĩ, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho bất kỳ ai qua mạng xã hội nếu chưa được xác minh. Đồng thời, không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hoặc bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào.

Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời những hành vi lừa đảo tiếp theo.

Theo Cục An toàn thông tin, trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh và tăng tốc, các đối tượng xấu đã tận dụng sự bùng nổ của công nghệ để thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị. Lợi dụng những tiện ích mà công nghệ mang lại, các đối tượng không ngừng tìm cách khai thác điểm yếu của con người thông qua các thủ đoạn tinh vi, sử dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để tạo lòng tin và thao túng theo kịch bản đã định.

Thống kê từ Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, hơn 22.200 phản ánh về lừa đảo trực tuyến đã được người dùng Internet gửi đến Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản đến nâng cao cho người dân là giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu tác động của các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Khi người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương, được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống lừa đảo, họ sẽ có thể bảo vệ bản thân tốt hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn này trong xã hội.

Phòng chống lừa đảo trực tuyến không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ trên không gian mạng đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng mạng thông minh và an toàn.

Nhằm tăng cường nhận thức và giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng," dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin. Chiến dịch này tập trung vào 5 nhóm kỹ năng chính: nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh, và bảo vệ, nhằm trang bị cho người dân khả năng tự vệ trước các chiêu trò lừa đảo.

Chiến dịch được triển khai từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, với sự phối hợp từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và nền tảng truyền thông trên cả nước để đảm bảo tính hiệu quả và lan tỏa rộng rãi.

Cùng chuyên mục