Thứ sáu, 18/10/2024, 16:20 (GMT+7)

Dấu hiệu nào để nhận biết chiêu trò mạo danh công an hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo?

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang giả mạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, quảng cáo về việc hỗ trợ người dân lấy lại tiền mà họ bị lừa đảo.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang giả mạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Các trang này đăng tải nhiều video và bài viết với nội dung quảng cáo về các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo với cam kết chỉ thu tiền sau khi nạn nhân đã lấy lại được số tiền đã mất, theo Luật sư Việt Nam.

Nhiều nạn nhân vì quá tin tưởng vào các trang này, đã liên hệ để nhờ hỗ trợ, dẫn đến việc bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền để “được hỗ trợ”. Hệ quả là không chỉ số tiền bị lừa trước đó không được lấy lại, mà họ còn tiếp tục mất thêm tiền cho những đối tượng lừa đảo này.

Để dẫn dụ nạn nhân, một số trang giả mạo còn có tích xanh, tạo dựng uy tín giả để đánh lừa người dân. Đặc biệt là những người từng bị lừa và khao khát lấy lại số tiền của mình. Các đối tượng mạo danh hứa hẹn sẽ hỗ trợ thu hồi tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nhiều nạn nhân vì quá tin tưởng vào các trang này, nên đã liên hệ nhờ hỗ trợ. Dẫn đến việc nạn nhân bị các đối tượng dẫn dụ nộp thêm tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP.

quảng cáo
Các trang mạng xã hội mạo danh cơ quan công an để quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho nhân dân, thời gian qua Công an các địa phương đã tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong đó có việc giả danh các website, facebook mạo danh các cục nghiệp vụ của Bộ Công an.

Ngoài việc tích cực đấu tranh, triệt xoá các nhóm đối tượng lừa đảo, lực lượng Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các website lạ, các cuộc gọi, tin nhắn lạ. Đồng thời đề nghị người dân cần thực hiện khẩu hiệu "04 không, 02 phải". Đó là "không sợ", "không tham", "không kết bạn với người lạ", "không chuyển khoản" và "phải thường xuyên cảnh giác", cũng như "phải tố giác ngay với cơ quan chức năng khi có nghi ngờ" hành vi vừa lừa đảo qua mạng xã hội.

Với đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng lừa đảo thường che giấu địa chỉ IP thật, sử dụng nhiều, tài khoản mạng xã hội ảo, website giả móc ngoặc với các đối tượng nước ngoài. Theo khuyến cáo của Bộ Công an, các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an trên không gian mạng đều sử dụng tên miền có đuôi “.vn”.

Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của các cơ quan Công an tại phần "Liên kết website" trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an tại địa chỉ mps.gov.vn hoặc bocongan.gov.vn. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tránh để rơi vào “cái bẫy” của đối tượng xấu trên không gian mạng.

Tuyệt đối không thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của các đối tượng không rõ danh tính, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân như số CCCD, mã OTP, tài khoản ngân hàng hay mật khẩu, tài khoản dưới bất kì hình thức nào.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng, hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cùng chuyên mục