Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 29/09/2024, 21:25 (GMT+7)

Nhận diện các thủ đoạn 'giả danh shipper' để lừa đảo

Công an TP Thủ Đức phát đi cảnh báo tình trạng “giả danh shipper” để gọi điện thoại, thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Theo đó, một số người lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách hàng từ các nguồn không chính thống.

Khi có được thông tin, đối tượng giả danh shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại, thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Nếu nạn nhân ở nhà và nói để ra nhận hàng, shipper giả mạo hẹn 5-10 phút sẽ đến. Sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại.

Nếu nạn nhân không có ở nhà, kẻ giả danh shipper nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người quen, hàng xóm và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ gian thông báo rằng đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper nên hàng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi.

lua dao
Cơ quan công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giả danh shipper

Để lấy lại số tiền nạn nhân đã chuyển mua hàng trước đó, kẻ xấu yêu cầu nạn nhân nhập vào đường link do người đó cung cấp.

Khi nạn nhân click vào đường link sẽ có người khác hướng dẫn nạn nhân cách thao tác đăng nhập qua app ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Chị Ng.Th.T. chia sẻ, tôi hay đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử, tháng 8/2024, tôi nhận được cuộc điện thoại từ số 0375606291 thông báo có đơn hàng quần áo 219.000 đồng. Đối tượng gọi điện thoại nói “chị có ở nhà không, em giao đơn hàng quần áo 219.000 đồng. Tôi nói có, em đem tới nhé. Đối tượng liền nói khoảng 10 phút nữa chị nhé. Tuy nhiên, sau đó đối tượng lặn mất tiêu”, chị T. chia sẻ.

Khoảng một tháng sau, cũng số điện thoại này tiếp tục điện thoại cho chị, biết được đây là bọn giả danh shipper chị đổi chiến thuật. Đối tượng tiếp tục điện thoại “chị T. có ở nhà không chị, chị có đơn hàng 219.000 đồng, chị xuống nhận hay em gửi bảo vệ”. "Tôi liền nói em gửi bảo vệ giúp chị nhé, em nhắn số tài khoản chị chuyển tiền nhé. Đối tượng liền nhanh nhẹn nói em đã gửi rồi chị nhé. Sau đó đối tượng nhắn số tài khoản qua tôi kèm số tiền. Khoảng 10 phút sau đối tượng tiếp tục điện thoại nói “em đã gửi hàng rồi, chị chuyển khoản nhanh giúp em chị nhé”. Đối tượng này tưởng con mồi đã cắn câu mà không biết rằng, chị không nói là gửi hàng cho mã căn nào và địa chỉ ở đâu thì gửi bảo vệ thế nào.

Như trường hợp chị T. luôn tỉnh táo và nâng cao cảnh giác với bọn lừa đảo nên không bị sập bẫy của bọn chúng. Tuy nhiên, hiện cũng đã có nhiều trường hợp đến báo với cơ quan chức năng vừa bị các đối tượng giả danh shipper lừa mất số tiền lớn.

Untitled

Anh N.H.T. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), cho biết vào ngày 26/7, anh nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là shipper đang giao đơn hàng có giá trị hơn 100 ngàn đồng cho anh này.

Do anh T. không ở nhà nên đã hẹn lại với nhân viên này vào thời điểm khác mới nhận hàng. Tuy nhiên, người này đã thúc giục anh T. nhận hàng nếu không nhân viên này sẽ không đạt chỉ tiêu theo quy định.

Do trước đó từng đặt đơn hàng giá trị tương tự qua mạng, anh T. không nghi ngờ mà chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu của nhân viên nói trên. Sau khi chuyển tiền, anh T. nhận được tin nhắn từ người giao hàng trên báo là đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên “Giao hàng tiết kiệm”. Nếu anh T. đã chuyển tiền vào tài khoản này thì “Trung tâm giao hàng” sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng sẽ tự động trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của anh T. Trong trường hợp tài khoản không có tiền sẽ chuyển thành nợ xấu.

Để giải quyết vấn đề này, người này gửi cho anh T. một đường link, giới thiệu là trang Facebook của “Trung tâm vận chuyển” để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Chưa dừng lại đó, đối tượng này còn liên tục gọi điện thúc giục anh T. truy cập vào đường link mà người này cung cấp để nhắn tin hủy đăng ký. Lo sợ bị trừ tiền nên anh T. đã truy cập đường link và nhắn tin theo hướng dẫn, đăng nhập app ngân hàng, nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự), giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.

Nghi ngờ đây là chiêu thức lừa đảo nên anh T. đã kiểm tra trang Facebook mà đối tượng cung cấp và liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại thì phát hiện mình bị lừa.

Trước tình trạng trên, Công an TP.Thủ Đức khuyến cáo các biện pháp phòng tránh bị giả danh shipper lừa đảo.

 Người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua.

Không chuyển khoản hoặc thanh toán đơn hàng không có ảnh chụp mã vận đơn, thông tin người nhận. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần dừng giao dịch và báo cho công an gần nhất để kịp thời giải quyết.

Cùng chuyên mục