Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 18/10/2024, 14:24 (GMT+7)

Cơ sở hộ kinh doanh hết thời 'lấn sân' sang lĩnh vực y tế

Vấn đề "lấn sân" của một số cơ sở làm đẹp (do UBND quận, huyện hoặc Sở KH-ĐT tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh) sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép) đang là vấn nạn hiện nay. Sở Y tế TP.HCM đã chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu số, hình thành "cổng tra cứu thông tin hành nghề" nhằm kiểm soát tình trạng hành nghề trái phép.

Vấn đề này cũng được bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ tại họp báo chiều 17/10. Cụ thể, Hộ kinh doanh Oshun beauty tại địa chỉ: 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM bị đình chỉ hoạt động. Cá nhân bà Đặng Thị Thu Hương ở Oshun beauty 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1 đã bị phạt 35 triệu; Cơ sở chân mày phong thủy Viên Viên (địa chỉ: 284 đường 3/2, phường 12, Quận 10) ngày 6/10 Sở Y tế công bố danh sách bị xử phạt và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động và đón khách bình thường. Đó là một trong những bất cập và quản lý chưa chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

IMG_1892
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM chia sẻ tại họp báo chiều 17/10

Theo bà Quỳnh Như, từ ngày 01/01/2024, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2023 về quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh chính thức có hiệu lực, thay thế Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (chỉ thực hiện phun, xăm, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm) chuyển về địa phương quản lý. Sở Y tế chỉ quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thẩm mỹ.

Các cơ sở sau khi bị tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đình chỉ hoạt động cơ sở. Giao phòng y tế quận, huyện theo dõi giám sát việc chấp hành xử phạt của cơ sở. Các cơ sở tại một địa điểm có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, về phía y tế chỉ đình chỉ hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Các ngành nghề khác tuỳ theo hoạt động UBND hoặc sở ngành khác theo dõi quản lý, công tác hậu kiểm sau khi ra Quyết định xử phạt. Sau khi xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Y tế sẽ gửi Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính về Ủy ban nhân dân quận/huyện, thành phố Thủ Đức và Phòng Y tế quận/huyện, thành phố Thủ Đức để giám sát việc hoạt động hoặc đình chỉ của cơ sở.

hinh-ctc_161020246
Cổng tra cứu thông tin hành nghề Y, Dược giúp người dân, cán bộ, công chức dễ dàng tra cứu mọi thông tin liên quan đến các cơ sở khám, chữa bệnh

Theo Sở Y tế TP.HCM, thực trạng hiện nay, nhiều vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý hành nghề trên địa bàn TPHCM, bao gồm: Số cơ sở hành nghề y, dược ngày càng tăng cao, hiện Thành phố đã có hơn 20.000 cơ sở hành nghề y, dược (hơn 9.000 cơ sở y và gần 11.000 cơ sở dược), trong đó có hơn 99% là cơ sở tư nhân.

Vấn đề “lấn sân” của một số cơ sở làm đẹp (do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh) sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép”; Vấn đề người hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép được ghi trong Chứng chỉ hành nghề (nay là Giấy phép hành nghề); Vấn đề cơ sở hành nghề cung ứng kỹ thuật các dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật được cấp phép, không đăng ký người hành nghề; Vấn đề quảng cáo trái phép, sai sự thật; Vấn đề cơ sở vi phạm, bị xử phạt hành chính thay đổi liên tục tên cơ sở, địa chỉ cơ sở; Vấn đề sự cố y khoa từ các cơ sở thẩm mỹ, theo Cổng thông tin Sở Y tế TP.HCM.

hinh-ctc-3_161020246
Trang chính Cổng tra cứu thông tin hành nghề Y, Dược của Sở Y tế TP.HCM

Từ thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu số, hình thành "cổng tra cứu thông tin hành nghề".

Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, dược của Sở Y tế TP.HCM được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu không chỉ giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin tìm nơi khám, chữa bệnh phù hợp (chuyên khoa, loại hình cơ sở, chất lượng cơ sở…). Giúp cán bộ, công chức Sở Y tế chủ động tra cứu thông tin có liên quan thuộc các phòng chức năng khác nhau thay vì "phiếu chuyển" để xin thông tin lẫn nhau, gây mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

hinh-ctc-2_161020246
Xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu của các phòng chức năng phục vụ Cổng tra cứu thông tin hành nghề Y, Dược của Sở Y tế TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng việc chuyển đổi số sẽ giúp Sở chuyển từ thế bị động sang chủ động trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề y, dược. Giúp Sở đổi mới phương thức làm việc của các phòng chức năng theo hướng chủ động, tích cực, ra quyết định nhanh, chính xác trong xử lý các sai phạm trong hành nghề.

Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp Sở Y tế TP.HCM công khai, minh bạch, tăng cường truyền thông đến người dân giúp người dân có đủ thông tin để chọn lựa cơ sở khám chữa bệnh tốt nhất.

Theo Sở Y tế, 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 310 cơ sở, trong đó kiểm tra đột xuất 182 cơ sở (57%). Thanh tra cũng đã ban hành 246 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 10,7 tỉ đồng.

Trong kiểm tra đột xuất, hành vi bị phạt cao nhất là quảng cáo trái phép, chiếm tỷ lệ 41% (75 cơ sở). Trong đó còn có các nội dung quảng cáo sai sự thật về phẫu thuật thẩm mỹ; thẩm mỹ ít xâm lấn…

Tiếp đến là vi phạm khám chữa bệnh không phép với 45 cơ sở (25%). Thanh tra cũng đã đình chỉ có thời hạn 44 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh 27 cơ sở; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 44 cá nhân. Sở Y tế TP.HCM theo dõi, lập danh mục các địa chỉ "đen", các công ty có hành vi vi phạm lặp lại, coi thường pháp luật nhằm đấu tranh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cùng chuyên mục