Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 09/10/2024, 16:29 (GMT+7)

Cục An toàn thông tin cảnh báo: Chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội khiến nhiều người mất tiền tỷ

Trong thời gian gần đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã liên tục phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội, đặc biệt là các trang giả mạo cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an.

Các trang này đã xuất hiện trên Facebook, đăng tải nhiều nội dung cảnh báo về chiêu thức lừa đảo, nhưng lại lồng ghép quảng cáo dịch vụ "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa". Điểm đáng chú ý là các trang này được xác thực tích xanh, tạo sự tin tưởng giả mạo, nhằm đánh lừa những người dân đang mong muốn lấy lại số tiền đã bị lừa đảo, theo công thông tin Cục An toàn thông tin. 

Những đối tượng này cam kết hỗ trợ thu hồi tiền một cách nhanh chóng, không yêu cầu phí trước, khiến nhiều người lầm tưởng đây là giải pháp cho vấn đề của họ. Tuy nhiên, thực tế, các nạn nhân khi liên hệ đã bị yêu cầu chuyển tiền để "được hỗ trợ". Kết quả là, không chỉ không lấy lại được số tiền đã mất, họ còn mất thêm khoản tiền chuyển cho những kẻ lừa đảo.

a
Mạng xã hội xuất hiện trang giả mạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Một hình thức lừa đảo khác đang nở rộ là giả danh nhân viên của các công ty lớn, điển hình là Viettel. Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa khởi tố 5 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 5/2024, những đối tượng này đã sử dụng số điện thoại "rác" để gọi ngẫu nhiên và thông báo trúng thưởng những phần quà giá trị như xe máy SH hay tiền mặt từ chương trình tri ân khách hàng của Viettel. Những người nhẹ dạ đã bị yêu cầu mua thẻ cào điện thoại để "đóng phí" nhận thưởng, nhưng sau khi cung cấp mã thẻ, số tiền đó lập tức bị chiếm đoạt.

Thủ đoạn lừa đảo này thường bắt đầu bằng tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi thông báo trúng thưởng dù nạn nhân không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Các đối tượng lợi dụng tên tuổi của những công ty, tổ chức lớn như các hãng điện thoại, xe hơi, hoặc thương hiệu nổi tiếng để tạo lòng tin.

Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng, hoặc thậm chí yêu cầu chuyển tiền "phí vận chuyển" hoặc "thuế" để nhận giải thưởng. Các đối tượng thường tạo áp lực về thời gian, yêu cầu nạn nhân hành động ngay để không bị "mất phần thưởng".

image(2)
Tạo lập trang web giả mạo bình chọn cuộc thi vẽ tranh 2024 để lừa đảo.

Ngoài ra, một thủ đoạn khác liên quan đến cuộc thi vẽ tranh cũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Từ tháng 2/2024, một đối tượng đã tạo lập trang web giả mạo, mạo danh là cuộc thi vẽ tranh và gửi đường link giả qua Messenger với tên miền "weebly.com".

Khi người dùng nhấp vào liên kết và nhập thông tin tài khoản Facebook, đối tượng sẽ chiếm quyền truy cập tài khoản, sau đó giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay tiền hoặc nhờ chuyển khoản.

Hay mới đây nhất, công an TP Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo sau khi tiếp nhận vụ việc chị T. (Hà Nội) bị lừa đảo thông qua trang Facebook "KIDS RUN - Marathon", một giải chạy dành cho trẻ từ 4 đến 15 tuổi và gia đình. Nhìn thấy sự kiện này như một sân chơi bổ ích cho con, chị T. đã liên hệ với "ban tổ chức" để đăng ký tham gia. Tuy nhiên, để được xét duyệt vào nhóm giao lưu, trao đổi, chị phải tham gia một cuộc khảo sát dành cho phụ huynh.

Sau khi vào nhóm, chị T. được một người tự nhận là "phụ huynh" nhờ giúp đỡ các nhà tài trợ sự kiện chạy bộ bằng cách chuyển tiền để tăng doanh số. Ban đầu, chị T. chuyển khoản 850 nghìn đồng và sau đó là 3 triệu đồng, và đã nhận lại đủ số tiền. Tuy nhiên, khi số tiền yêu cầu tiếp tục tăng, chị không còn nhận lại được số tiền như trước. Những người trong nhóm, tự nhận là "phụ huynh", cho biết họ cũng gặp khó khăn trong việc rút tiền và khuyên chị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để nhận lại toàn bộ số tiền trước đó.

Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị T. đã yêu cầu các "phụ huynh" cung cấp ảnh căn cước. Dù thấy các ảnh này có vẻ hợp lệ, chị vẫn tiếp tục chuyển tiền thêm 7 lần, với tổng số gần 1 tỷ đồng. Khi không thể rút được tiền, chị nhận ra mình đã bị lừa và đến cơ quan công an để trình báo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên tin vào các trang mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo". Tuyệt đối không truy cập vào các đường liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tải về các ứng dụng lạ. Người dân cần cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, mã OTP, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu tài khoản dưới bất kỳ hình thức nào.

Hãy thận trọng trước những lời mời chào bình chọn hay trúng thưởng không rõ ràng. Những chiêu trò này không chỉ đánh vào lòng tham, mà còn lợi dụng tâm lý của những người đã bị lừa, khiến họ rơi vào vòng xoáy mất tiền liên tục.

Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: Người dân cần tỉnh táo và không chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội khi chưa xác minh rõ ràng nguồn gốc và mục đích của đối tượng giao tiếp.”

Cùng chuyên mục