Phòng tránh cảm lạnh, viêm phổi cho trẻ thế nào trong mùa đông?
Vào mùa đông, do sức đề kháng còn non yếu, trẻ em là đối tượng dễ mắc những bệnh đường hô hấp. Làm sao để phòng tránh bệnh cho trẻ?
Những sai lầm cha mẹ thường mắc khi chăm sóc trẻ mùa đông
Giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển lạnh là điều kiện tốt để virus sinh sôi nảy nở, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp. Khi cơ thể trẻ nhiễm lạnh, đường hô hấp trên là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang... Trong các trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi... Trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu khiến cho các loại virus, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ thường mắc một số sai lầm khiến tình trạng đường hô hấp của trẻ tổn thương nhiều hơn. Đó là:
Mặc nhiều quần áo để giữ ấm cho trẻ nhưng không cởi bỏ bớt khi trẻ ngủ hoặc đùa nghịch bị ra mồ hôi. Lúc này, mồ hôi ngấm ngược vào quần áo khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn tới cách bệnh đường hô hấp.
Khi trẻ bị sụt sịt, ho… nhiều cha mẹ lại kiêng tắm, không vệ sinh cho con trong nhiều ngày vì sợ rằng tắm khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Theo bác sĩ, điều này không hợp lý bởi cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển, trẻ chơi đùa ra mồ hôi nên nếu không được vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến vi khuẩn lây lan và gây bệnh…
Chăm sóc trẻ đúng cách để phòng cảm lạnh
Bác sĩ khuyến cáo rằng, khi trẻ mắc các bệnh hô hấp nhẹ như: viêm mũi, họng, ho khan, sốt… cha mẹ vẫn nên lau người, lau mặt, rửa tay chân, thay quần áo sạch sẽ hằng ngày cho con. Những trẻ khỏe mạnh cần được tắm nhanh trong phòng ấm, kín gió. Sau khi tắm xong cần lai người khô, mặc quần áo ấm, đi tất, đeo khăn… cho trẻ.
Vệ sinh mũi, họng là việc làm cần thiết trong mùa đông cho trẻ. Cha mẹ nhỏ nước muối sinh lý, súc miệng bằng nước muối cho trẻ hằng ngày.
Khi cho trẻ ra ngoài, cha mẹ cho trẻ mặc quần áo ấm phù hợp thời tiết, đeo khẩu trang cho trẻ phòng nhiễm lạnh ở mũi, miệng, phổi; quàng khăn ấm, đeo tất tay, tất chân, đội mũ cho trẻ.
Chú ý cởi áo cho trẻ hoặc mặc thêm áo khi thay đổi môi trường và nhiệt độ. Thường xuyên kiểm tra xem trẻ có toát mồ hôi không, tránh nhiễm lạnh ngược khi mồ hôi thấm vào người trẻ.
Thường xuyên vệ sinh môi trường nhà ở, nơi trẻ thường xuyên sinh hoạt, đồ dùng đồ chơi để tránh bụi bẩn làm trẻ mắc bệnh hô hấp.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ, đảm bảo đủ nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng…), rau củ quả, tinh bột, sữa… Trẻ trên 6 tháng cần được cho uống đủ nước ấm để tăng sức đề kháng. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng cần được bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Lời khuyên của bác sĩ về việc xử trí khi trẻ bị ho
- Khuyến cáo của bác sĩ khi trẻ mắc bệnh hô hấp liên tục gia tăng