Nước mía Việt Nam “đắt giá” ở nước ngoài
Nước mía là một thức uống dân dã, có thể tìm mua được dễ dàng với mức giá rẻ ở Việt Nam. Độ tươi ngon của nước mía Việt Nam còn chinh phục được cả thị trường quốc tế.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội không ngừng xôn bàn luận về video quay xe nước mía của cô gái Việt bán tại Hàn Quốc. Trong video, xe nước mía thu hút một lượng khách đông nghịt xếp hàng chờ mua, khiến người bán không cả kịp dọn bã. Chủ đoạn video cũng tiết lộ: Chỉ 2 ngày mà cô gái này bán hết 900 cân mía. Như vậy tính sơ qua, một ngày có thể bán được khoảng 3.000 cốc.
Chủ nhân của xe nước mía trong video là chị Huỳnh Chơn Phương (sinh năm 1991, quê ở Cà Mau) hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Choengju, tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. Một cốc nước mía được chị bán với mức giá 5.000 won (tương đương khoảng 90.000 đồng/cốc). Mức giá này cao gấp 8-10 lần so với giá khoảng trên dưới 10.000 đồng/cốc tại Việt Nam.
Một số người lý giải mức giá bán đắt đỏ của nước mía là do mức chi phí sinh hoạt ở Hàn Quốc cao hơn rất nhiều ở Việt Nam nên giá cả cao hơn. Ngoài ra, giống như hoa quả nhập khẩu được bán giá cao ở Việt Nam, cây mía không phải là cây trồng ở xứ lạnh như Hàn Quốc mà phải nhập từ nướcc khác về.
Chắc hẳn nhiều người không nhớ việc nước mía Việt Nam đã từng gây sốt tại thị trường quốc tế cách đây vài năm. 3 năm trước, cộng đồng mạng quốc tế từng chia sẻ thông tin về những cây mía ngon nhất từ Tây Ninh đã được vận chuyển và cấp đông trực tiếp từ Việt Nam sang Pháp để phục vụ uống tại chỗ. Nhiều quán ăn ở Paris (Pháp) có phục vụ nước mía Việt Nam.
Được biết, ông Christophe Luijer - Tổng giám đốc công ty So'kanaa là người đã mang mía ngon nhất từ vùng Tây Ninh về Pháp. Ông còn mang theo cả máy ép mía của Việt Nam để tạo ra đồ uống được nhiều người châu Âu yêu thích.
Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo Pháp, ông Christophe Luijer tiết lộ từng là một công nhân xây dựng trước khi chuyển sang kinh doanh máy ép nước mía. Sau chuyến đi đến Việt Nam, ông gặp gỡ những người thợ thủ công chiết xuất nước mía tươi bằng máy nên đã nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc máy mới và tiến hành thử nghiệm tại một nhà máy địa phương. Sau đó, ông đến văn phòng giám định tại Đức để kiểm định chất lượng sản phẩm.
Ông Luijer đánh giá cao chất lượng mía Việt Nam: "Quan trọng nhất là chất lượng mía, thân mía phải không quá to. Mía châu Phi quá to. Mía Costa Rica cũng quá to. Còn mía Ai cập lại quá bé. Kích thước phù hợp mà lại cho nhiều nước đúng màu vàng nhạt thì chỉ có mía ở Tây Ninh, Việt Nam."
Sau những thành công tại Pháp, ông Luijer phân phối máy móc và mía từ Việt nam và từ Pháp bán sang Bỉ, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và một số nước Trung Mỹ. Tuy nhiên, việc nhập mía tươi từ Việt Nam ban đầu khá vất vả vì chi phí lên đến 2.000 USD mỗi tấn và mía thường bị lên men chỉ sau 1 tuần. Vì thê, ông Luijer nghĩ ra cách cạo rửa sạch ngay tại Việt Nam rồi cắt thành các đoạn mía dài khoảng 50 cm rồi cấp đông 15 kg/túi và chuyển đi châu Âu.
Ngoài Hàn Quốc và châu Âu, nước mía Việt Nam còn được bán ở nhiều đất nước khác như Mỹ hay Nhật Bản… Giá một cốc nước mía Long An ép nguyên chất tại các cửa hàng của người Việt ở Mỹ là 5 USD (tương đương khoảng 115.000 đồng). Một số du học sinh người Việt tại Nhật Bản cũng bán nước mía ép với giá 269 JPY/cốc (tương đương khoảng 60.000 đồng).