Những loại thuốc dự phòng mà tủ thuốc gia đình cần có dịp Tết để bảo vệ sức khoẻ
Việc chuẩn bị sẵn các loại thuốc dự phòng thiết yếu trong tủ thuốc gia đình là biện pháp phòng ngừa cần thiết sẽ giúp chủ động xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và tận hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Tết.
Theo bác sĩ Lê Văn Đoàn, Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy (Thái Bình), sự thay đổi về thói quen ăn uống, sinh hoạt, thời tiết,... cùng với lịch trình di chuyển dày đặc trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe.
Do vậy, ngoài thực phẩm, đồ dùng, việc chuẩn bị đầy đủ tủ thuốc gia đình, giúp xử lý kịp thời các vấn đề sức khỏe nhẹ hoặc những tai nạn nhỏ có thể xảy ra trong suốt kỳ nghỉ là cần thiết. Trong tủ thuốc gia đình luôn cần có các loại thuốc dưới đây để khi có vấn đề sức khỏe mà chưa kịp đi khám bệnh ngay, có thể sử dụng.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Trong những ngày Tết, các bữa tiệc, rượu bia và những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể làm cơ thể mệt mỏi, thậm chí gây sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ. Do đó, việc có sẵn thuốc giảm đau, hạ sốt là rất quan trọng.
Các loại thuốc thông dụng như paracetamol (acetaminophen), ibuprofen hoặc aspirin có thể giúp giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với trẻ em dưới 12 tuổi, aspirin không được khuyến cáo do nguy cơ gây hội chứng Reye - một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.
Theo chuyên gia, việc chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau, hạ sốt là cần thiết, đặc biệt là trong dịp Tết khi cơ thể dễ gặp phải các triệu chứng như đau đầu, cảm cúm hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, người dân cần chú ý khi sử dụng thuốc, tránh tự ý sử dụng quá liều hoặc dùng sai thuốc.
Thuốc tiêu hóa
Tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, ăn không tiêu là những triệu chứng thường gặp do sự thay đổi về thói quen ăn uống trong ngày Tết. Một số thuốc có thể điều trị các triệu chứng đường tiêu hóa thường gặp bao gồm:
Thuốc trị tiêu chảy: Diosmectite (Smecta), loperamide (Imodium), attapulgite (Actapulgite), berberine (Berberine, Berberal). Các thuốc này chống tiêu chảy với nhiều cơ chế khác nhau như bám dính và hấp phụ các tác nhân gây hại, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc tiêu hóa, kháng khuẩn hoặc giảm nhu động ruột. Có thể uống thuốc khi có triệu chứng, liều dùng tùy thuộc vào từng loại chế phẩm khác nhau.
Các thuốc này thường được bào chế ở dạng bột, khi sử dụng pha với nước thành hỗn dịch trước khi uống. Ngoài ra, các gia đình cần lưu ý dự phòng oresol để đề phòng trong nhà có người bị tiêu chảy cần được bù lượng nước đã mất. Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc.
Thuốc điều trị táo bón: Những món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét thường giàu tinh bột, chất béo và thiếu chất xơ, có thể gây táo bón. Để hạn chế tình trạng này, có thể uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn để kích thích nhu động ruột, tăng khối lượng của phân giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Nếu triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, có thể dùng một số thuốc như sorbitol, lactulose (Duphalac, Laevolac). Các chế phẩm này thường ở dạng bột hoặc hỗn dịch, khi sử dụng pha trong nước và uống khi đói.
Mặt khác, việc thay đổi thói quen ăn uống ngày Tết như thay đổi thời gian, ăn quá nhiều chất đạm và dầu mỡ và sử dụng rượu bia có thể gây nên tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Men tiêu hóa như pancreatin, alpha amylase, papain và thuốc làm giảm bọt khí ở đường tiêu hóa như simeticone ở dạng đơn thành phần hoặc phối hợp có công dụng kích thích tiêu hóa, điều trị các triệu chứng ăn không ngon, khó tiêu, tức bụng và đầy hơi. Một số chế phẩm thường gặp gồm có Grazyme, Enterpass…
Thuốc chống dị ứng
Thuốc được dùng trong trường hợp bị dị ứng như nổi mề đay, ngứa, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng do nhiều nguyên nhân. Các thuốc nên dự phòng như: Thuốc kháng histamine như loratadine, cetirizine hoặc fexofenadine có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng như nổi mẩn đỏ, ngứa da, hắt hơi, hoặc ngạt mũi.
Thuốc chống viêm mũi dị ứng: Các loại xịt mũi chứa corticoid, thuốc xịt kháng cholinergic sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên sử dụng thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý lạm dụng vì có thể gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Thuốc trị đau dạ dày
Một số thuốc kháng acid phổ biến trên thị trường có thể sử dụng gồm có Kremil-S, Siloxogene, Gastropulgite, Konimag, Trimafort, Gaviscon... Thuốc có công dụng trung hòa acid dịch vị dư thừa để làm giảm độ acid trong dạ dày, giảm các triệu chứng loét dạ dày – tá tràng, ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày – thực quản.
Thuốc nên được uống sau bữa ăn. Đối với dạng hỗn dịch, có thể uống trực tiếp hoặc pha loãng vào nước trước khi uống. Đối với dạng viên nén, nhai kỹ viên trước khi uống.
Thuốc ho
Dự phòng một số loại thuốc ho trong tủ thuốc gia đình dịp Tết rất quan trọng, đặc biệt vì thời tiết thay đổi thất thường, việc tiếp xúc với nhiều người, và thay đổi sinh hoạt có thể dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp. Một số thuốc nên cân nhắc dự phòng như:
Thuốc ho thảo dược: Các loại thuốc ho chứa thành phần thảo dược như cây thường xuân, lá Húng Chanh, Mật Ong, tỳ bà diệp, Bạc Hà, cam thảo…thường an toàn, ít tác dụng phụ, thích hợp dùng cho cả trẻ em và người lớn. Những thuốc này có thể dùng cho cả trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ từ 1 tuổi.
Thuốc giảm ho: Trong trường hợp ho khan dai dẳng, gây khó chịu thì có thể dùng thuốc chứa thành phần Dextromethorphan, tuy nhiên không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi và liêu dùng không được quá tối đa 120 mg/24 giờ, bệnh nhân nên được hướng dẫn bởi dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng.
Thuốc long đờm: Dùng khi ho có đờm, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng, các thuốc có chứa thành phần như Acetylcysteine, Bromhexine hoặc Ambroxol. Liều dùng thông thường ở người lớn từ 1-2 viên chia làm 3 lần/ ngày, ở trẻ nhỏ sẽ tính theo cân nặng và nên có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn cũng lưu ý, ngoài các loại thuốc nên có trong ngày Tết nêu trên thì trong tủ thuốc gia đình cũng nên trữ sẵn một số vật dụng y tế để phòng khi cần dùng đến như cồn y tế 70 độ, băng gạc vô khuẩn, bông y tế, cồn betadin, miếng dán vết thương, nước muối sinh lý 0.9 %,...
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc nên có trong ngày Tết thì nên để thuốc tránh xa tầm với của trẻ nhỏ, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và bảo quản thuốc nơi khô ráo. Mỗi loại thuốc cần được cất riêng trong từng túi, bên ngoài có dán nhãn nhóm thuốc cụ thể.
- Cận Tết, nhiều trẻ bị ngộ độc do uống nhầm thuốc diệt chuột, dầu thắp đèn, cha mẹ cần chú ý đề phòng, xử trí đúng cách
- Người đàn ông mắc ung thư đại trực tràng, bác sĩ cảnh báo 'thủ phạm' là những món ăn quen thuộc này
- 4 hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, quy định cụ thể thế nào?
- Phớt lờ cảnh báo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Tâm Đường vẫn tái diễn vi phạm quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội
- Sản phẩm Cao Vị Hen quảng cáo “đánh tiệt nọc hen suyễn, viêm phế quản”, dấu hiệu thổi phồng công dụng, doanh nghiệp công bố sản phẩm nói gì?
- 'Mê hồn trận' quảng cáo sữa hạt Mộc Nhất 'nổ' công dụng như thuốc đặc trị bệnh tiểu đường, cơ quan chức năng cần làm rõ