Người trẻ đứng ngoài cuộc hay 'cuốn' vào cơn lốc công nghệ 4.0
Chuyển đổi số đã và đang là cụm từ không còn quá xa lạ, nhất là đối với các bạn trẻ. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 mang đến rất nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng cần sự thay đổi và thích ứng linh hoạt.
Cách mạng công nghệ 4.0 có thật sự làm thay đổi thế giới?
Cách mạng công nghệ 4.0 được biết đến là sự ra đời của hàng loạt các công nghệ mới, từ đó tạo nên sự đột phá trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số ứng dụng công nghệ nổi trội có thể kể đến như trí tuệ nhân tạo, Big Data, Internet of Things – IoT (vạn vật kết nối), công nghệ AR, điện toán đám mây,…
Công nghệ 4.0 đã tạo ra một sự thay đổi hoàn toàn đối với các hoạt động sản xuất truyền thống nói riêng và cả thế giới nói chung. Từ những ứng dụng của công nghệ thông tin hiện đại, kỷ nguyên làm chủ và cải thiện chất lượng cuộc sống đã hiện diện và đang trở thành hiện thực.
Dưới sự tác động của cách mạng công nghệ 4.0, mọi thứ trên toàn thế giới đều được tích hợp và kết nối với nhau một cách mạnh mẽ. Phạm vi kết nối không chỉ ở mỗi quốc gia mà còn là toàn cầu để từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và biến đổi.
Người trẻ trong “cơn lốc” công nghệ 4.0
Trong những năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi số trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội,… tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ đó nâng cao năng suất, sử dụng và phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực.
Đối tượng có vai trò đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số chắc chắn không thể không nhắc tới những người trẻ tuổi. Với sự nhạy bén, sáng tạo và trình độ hiểu biết cao, người trẻ sẽ là nguồn nhân lực để sử dụng, chi phối và vận hành chính những công nghệ hiện đại.
Anh Minh Quân (30 tuổi) hiện đang hoạt động trong ngành Công nghệ thông tin, chia sẻ: “Công nghệ 4.0 mang đến rất nhiều giá trị đối với cuộc sống. Ước mơ của mình chính là tận dụng công nghệ để đưa ra các giải pháp giúp nâng cao và bảo vệ cuộc sống của mỗi người”.
Giữa sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, việc liên tục nghiên cứu và học hỏi để cập nhật nhanh chóng mọi xu hướng công nghệ mới là điều vô cùng quan trọng. Anh Minh Quân cho rằng chỉ khi nào mình hiểu rõ, nắm rõ thì mới có thể khiến công nghệ làm việc và mang lại lợi ích cho mình.
Còn đối với cô bạn Ngọc Linh (25 tuổi), nhân viên content marketing thì công nghệ đang đóng một vị trí không thể nào thay thế được trong cuộc sống. “Công việc của mình hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ, từ việc lên ý tưởng cho đến việc kiểm tra, giám sát và kiểm định chất lượng bài viết đều phải nhờ đến các công cụ. Mình không thể nào tự kiểm tra hàng trăm bài viết mỗi ngày được”, Linh cho biết.
Hãy làm chủ, đừng để bị chi phối
Bên cạnh những lợi ích to lớn, công nghệ 4.0 cũng tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý, giám sát và vận hành. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế một số công việc hiện tại mà con người đảm nhận, từ đó gây ra tình trạng thất nghiệp cho nhiều ngành nghề.
Trước chia sẻ này, anh Minh Quân cho rằng: “Công nghệ sinh ra để phục vụ cuộc sống và hỗ trợ con người trong lao động sản xuất. Vì vậy, công nghệ không phải thay thế người lao động mà chỉ là công cụ để nâng cao năng suất làm việc và tạo nên nhiều giá trị cho xã hội”.
Giữa “cơn lốc” công nghệ 4.0, con người không còn cách nào khác ngoài việc nắm rõ và làm chủ chính những nguồn tài nguyên công nghệ. Xã hội biến đổi đồng nghĩa với việc mỗi người cần phải phát triển, nâng cao năng lực cá nhân để ngày càng hoàn thiện hơn. Đừng để công nghệ chi phối, hãy làm chủ công nghệ và biến công nghệ trở thành một nhân viên cấp dưới của mỗi chúng ta.