Nghệ sĩ và trách nhiệm cộng đồng khi lên sóng quảng cáo
Mỗi văn nghệ sĩ, người nổi tiếng có cách nhìn nhận riêng về trách nhiệm của mình trong quảng cáo đối với người hâm mộ cũng như toàn thể cộng đồng.
Bài học “xương máu”
Việc nghệ sĩ hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp, thương hiệu để quảng bá sản phẩm, dịch vụ không phải là chuyện xa lạ. Mối quan hệ “win - win” này được hiểu đơn giản là doanh nghiệp tận dụng sức ảnh hưởng và sự yêu mến của công chúng dành cho nghệ sĩ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng.
Rapper Đen Vâu là một trong những nhân vật được nhiều nhãn hàng “chọn mặt gửi vàng”. Chia sẻ với Tiếp thị & Gia đình, anh cho rằng, việc hợp tác giữa nhãn hàng và nghệ sĩ là điều thật sự cần thiết đối với nền nghệ thuật nói chung và ngành công nghiệp giải trí nói riêng.
“Nghệ sĩ sẽ nhận được nguồn lực lớn mạnh để có thể thỏa thích sáng tạo và biến những ý tưởng thành hiện thực. Các thương hiệu, doanh nghiệp được lan tỏa hình ảnh, sản phẩm hoặc thông điệp đến với khách hàng” - Đen Vâu nói.
Nhìn nhận về việc văn nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ, Hoa hậu H’hen Nie cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, việc mời nghệ sĩ/KOL quảng bá thương hiệu, sản phẩm là một điều hết sức bình thường.
“Đây là một phương thức để truyền tải thông điệp, hình ảnh của thương hiệu và sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, thông qua sức ảnh hưởng, mức độ nhận diện của người nghệ sĩ/KOL đó. Đồng thời, bản thân người nghệ sĩ/KOL cũng thông qua các thương hiệu, doanh nghiệp để đồng hành trong các dự án, chiến dịch phù hợp với định hướng phát triển của bản thân” - H’Hen Nie chia sẻ.
Không thể phủ nhận việc hợp tác giữa nghệ sĩ và thương hiệu mang đến nhiều lợi ích cho đôi bên cũng như góp phần giới thiệu những sản phẩm tốt đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo chưa đúng, chưa phù hợp ngay lập tức sẽ phản tác dụng, đơn cử như sản phẩm bị tẩy chay, nghệ sĩ bị “ném đá”, người tiêu dùng mất niềm tin…
Xuất phát từ câu chuyện quảng cáo sản phẩm chưa phù hợp cách đây gần 2 năm, MC/diễn viên Cát Tường hiểu rằng, đây là bài học “xương máu” cho bản thân chiêm nghiệm và cố gắng hơn để không bao giờ tiếp diễn lại.
Sau sự việc, Cát Tường tự nhận thấy lỗi sai của mình và nhanh chóng gửi lời xin lỗi đến công chúng. Bài học được cô rút ra là luôn cẩn thận và kỹ càng hơn nữa. Với hợp đồng quảng cáo, cô cẩn thận hơn khi kiểm tra các giấy tờ liên quan đến công ty/thương hiệu và sản phẩm, như: giấy phép hoạt động, giấy công bố sản phẩm, kiểm định sản phẩm… Sau đó, việc dùng thử sản phẩm cũng được cô đặt lên hàng đầu.
Nữ MC/diễn viên chia sẻ: “Vấn đề mà Cát Tường cũng như một số nghệ sĩ khác mắc phải là không nắm rõ được luật quảng cáo, chưa biết sử dụng ngôn từ sao cho phù hợp và không đủ điều kiện để tự kiểm định chất lượng sản phẩm theo hướng khoa học nhất.
Làm sao để người quảng bá sản phẩm phải nắm rõ chất lượng và truyền tải đúng điều đó. Với mình, đây là điều quan trọng hàng đầu mà nghệ sĩ nên xem xét kỹ và cân nhắc trong lựa chọn sản phẩm, thương hiệu để hợp tác quảng cáo.
Cát Tường tin chắc rằng không riêng gì bản thân mình mà các anh chị em đồng nghiệp cũng sẽ không bao giờ nhận quảng cáo sản phẩm nếu biết rằng sản phẩm đó không tốt. Ít nhất đây là đạo đức nghề nghiệp: Không ai dại gì mua danh ba vạn, bán danh ba đồng!”.
Ở trường hợp của nữ diễn viên Dương Cẩm Lynh, cô nàng cũng từng không may vướng phải “lùm xùm” trong quảng cáo sản phẩm.
“Theo Lynh, bản thân người nghệ sĩ khó có thể chuyên nghiệp trong việc tìm hiểu và rà soát các quy định về quảng cáo. Từ đó, chỉ vì một lần bất cẩn mà họ có thể vướng phải sai phạm không đáng có” - nữ diễn viên chia sẻ.
Dương Cẩm Lynh cho rằng, sự việc đã qua chính là bài học đắt giá mà bản thân cô cũng như những người nghệ sĩ, người nổi tiếng luôn cần lưu tâm. Sau này, mỗi khi nhận một hợp đồng quảng cáo bất kỳ, cô luôn thực hiện quy trình kiểm tra chặt chẽ.
“Lynh yêu cầu đội ngũ trợ lý của mình phải kiểm tra kỹ giấy tờ pháp lý, giấy phép quảng cáo cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Khi nhận kịch bản hoặc nội dung quảng cáo, đích thân Lynh một lần nữa rà soát lại, loại bỏ hoặc điều chỉnh các câu từ có thể gây hiểu lầm, nói quá về công dụng của sản phẩm. Hơn hết, Lynh muốn hướng nhãn hàng đến cách quảng cáo gần gũi, tự nhiên và chân thật nhất!” - Dương Cẩm Lynh nhấn mạnh.
Trách nhiệm cộng đồng của người nghệ sĩ
Công nghệ ngày càng phát triển và ngành quảng cáo cũng có nhiều thay đổi, bứt phá hơn. Nghệ sĩ, người nổi tiếng và các KOL/KOC dễ dàng được nhiều doanh nghiệp, thương hiệu tiếp cận. Mỗi người nghệ sĩ khi nhận bất kỳ hợp đồng truyền thông, quảng cáo không chỉ cần có trách nhiệm với nhãn hàng mà trước hết là trách nhiệm với công chúng, với cộng đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, rapper Đen Vâu khẳng định: “Ngành quảng cáo đang phát triển lớn mạnh với vô vàn hình thức, sản phẩm quảng cáo mới. Do vậy, Đen càng nhận thấy trách nhiệm lớn lao của nghệ sĩ đối với cộng đồng.
Đối với bản thân Đen, khi hợp tác với một thương hiệu, cần phải luôn chắc chắn rằng sản phẩm được cung cấp bởi những thương hiệu uy tín; được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền; quá trình thực hiện, công bố, phát hành đúng với pháp luật, đúng với thuần phong mỹ tục, đúng với những giá trị đạo đức Việt Nam.
Khi thực hiện một dự án quảng cáo, không thể phủ nhận rằng đối tượng mà nhãn hàng muốn hướng đến đầu tiên là cộng đồng người hâm mộ của nghệ sĩ. Từ đó, khán giả ủng hộ bằng tình yêu thương thì mình nhất quyết không được quảng bá những điều gây ảnh hưởng không tốt đến khán giả”.
Nàng hậu H’hen Nie chia sẻ: “Khi có lời mời từ thương hiệu, H’hen và ekip sẽ tìm hiểu kỹ về thương hiệu đó. Điều này có thể bao gồm sự uy tín cũng như phản hồi của khán giả về chất lượng, dịch vụ và quan trọng nhất là chính H’hen cũng phải sử dụng/từng dùng qua sản phẩm, dịch vụ đó để có những đánh giá khách quan nhất. H’hen nghĩ rằng, nghệ sĩ - người có sức ảnh hưởng đến công chúng thì càng phải có trách nhiệm khi đại diện hình ảnh cho một thương hiệu, doanh nghiệp nào đó”.
Diễn viên Dương Cẩm Lynh bày tỏ quan điểm, khi một nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm cho thương hiệu, cả hai bên đều phải cân nhắc sự phù hợp dựa trên thế mạnh của nhau và cho nhau thời gian để trải nghiệm thực tế sản phẩm.
“Phong cách, lối sống của người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng, nhất là một bộ phận fan hâm mộ. Nhận thức được tầm ảnh hưởng của mình với công chúng, Dương Cẩm Lynh cũng như các nghệ sĩ nói chung cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm bản thân khi lên sóng quảng cáo. Cần đặt lợi ích của công chúng - người tiêu dùng lên trên lợi ích kinh tế của bản thân” - nữ diễn viên “Ải mỹ nhân” chia sẻ.
Riêng MC/diễn viên Cát Tường cũng có cách nhìn nhận về trách nhiệm của người nghệ sĩ trong quảng cáo đối với người hâm mộ nói riêng và toàn thể cộng đồng nói chung.
“Là người của công chúng, mình phải luôn có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực mà mình sẽ lên sóng. Bên cạnh đó, mỗi hình ảnh, mỗi lời nói mà người nghệ sĩ chia sẻ đều có thể mang đến sức ảnh hưởng mạnh mẽ nên mình cần sáng suốt, chọn lọc. Bởi một từ ngữ thôi cũng dễ gây ra hiểu nhầm cho công chúng, khiến câu chuyện đi xa và khó kiểm soát.
Cát Tường hiểu rằng, là người của công chúng, nghệ sĩ luôn cần tôi luyện để hướng đến việc mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho những người yêu quý mình nói riêng và rộng hơn là toàn thể công chúng” - Cát Tường cho hay.
Có thể thấy rằng, việc hợp tác truyền thông giữa doanh nghiệp, thương hiệu và nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ ngày càng phổ biến hơn. Câu hỏi “làm thế nào để nghệ sĩ có thể truyền tải đúng thông điệp mà không vướng mắc bởi pháp chế, văn hóa?” vẫn là vấn đề cần được giải quyết bởi nhiều bên khác nhau.
Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ về pháp lý, sau đó là cam kết chuẩn mực của mỗi doanh nghiệp, nhãn hàng. Hơn hết, mỗi người nghệ sĩ cần phải nâng cao trách nhiệm của bản thân hơn nữa để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Góp ý về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo liên quan đến việc quảng cáo sai lệch của người nổi tiếng, các KOL, KOC, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các đối tượng này không có đủ năng lực và điều kiện để tự kiểm định độ chính xác từ thông tin được cung cấp. Từ đó, nhiều trường hợp KOL, KOC quảng cáo nội dung sai lệch, không đúng về tính năng, công dụng của sản phẩm và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
“Việc quy định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân này là cần thiết nhưng cần phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo. Việc cung cấp thông tin phải được gắn với nội dung quảng cáo. Quy định như vậy sẽ đảm bảo các KOL, KOC có trách nhiệm với phát ngôn và nội dung quảng cáo của mình, hạn chế tình trạng sai phạm. Thậm chí, họ sẽ tự cân nhắc lưu lại một số tư liệu để chứng minh cho phát ngôn của mình (trong trường hợp cơ quan quản lý hoặc tòa án có yêu cầu)” - VCCI kiến nghị.
- Sẽ hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo
- Những nghệ sĩ nhận giải nói gì về "Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam 2023"?
- Nghệ sĩ vi phạm phát ngôn, quảng cáo sai lệch sẽ rơi vào ‘danh sách đen’
- Sẽ hạn chế biểu diễn đối với nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo
- Nghệ sĩ Hà Miên muốn đưa tiếng đàn cello đến gần với đại chúng
- Nghệ sĩ vi phạm phát ngôn, quảng cáo sai lệch sẽ rơi vào ‘danh sách đen’
- Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi): Đề xuất nghệ sĩ, KOL quảng cáo sản phẩm phải có bằng chứng trực tiếp sử dụng
- 'Hãy tin vào thịt gà' - thông điệp 'độc lạ' mới trong chiến dịch quảng cáo của KFC
- Quảng cáo cá độ bóng đá tràn lan trên mạng mùa Euro 2024, xử lý thế nào?