Thứ sáu, 22/11/2024, 11:00 (GMT+7)

Người tiêu dùng không nên bỏ lỡ: Cơ hội khám và tư vấn miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền

Tại Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền và các sản phẩm dược liệu toàn quốc, hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng.

Có gì ở Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền toàn quốc 2024?

Hội chợ Dược liệu, Y Dược Cổ truyền và các Sản phẩm Dược liệu toàn quốc lần thứ hai - VIETRAMED EXPO 2024 - đã chính thức diễn ra từ ngày 21-23/11 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Sự kiện quy mô này quy tụ 425 gian hàng và hơn 300 đơn vị, bao gồm các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...

VIETRAMED EXPO 2024 không chỉ trưng bày các sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền, thiết bị chăm sóc sức khỏe, mà còn giới thiệu các công nghệ y tế thông minh. Các doanh nghiệp tham gia đến từ nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ sở nuôi trồng dược liệu, bệnh viện y học cổ truyền và Hội Đông y trong nước và quốc tế.

t
Người tiêu dùng được khám chữa bệnh miễn phí tại hội chợ. Ảnh: Cẩm Viên.

Ngoài ra, hội chợ còn tổ chức các hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền, thu hút đông đảo khách tham quan. Đây là cơ hội để người dân trải nghiệm và hiểu thêm về giá trị của y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe.

Bà Thanh Thúy (50 tuổi, quận 7, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi tham gia hội chợ để tìm hiểu và mua các sản phẩm thuốc nam từ thiên nhiên nhằm hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ kinh niên. Tại đây, tôi còn được các bác sĩ y học cổ truyền thăm khám và tư vấn miễn phí về chế độ ăn uống cũng như cách điều trị phù hợp cho người lớn tuổi bị mất ngủ.

Tôi rất ấn tượng khi biết đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền và các sản phẩm dược liệu quy mô như thế này. Hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều sự kiện tương tự để người tiêu dùng an tâm chọn lựa các sản phẩm uy tín, chất lượng mà không phải lo lắng về hàng giả hay kém chất lượng".

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tầm quan trọng của hội chợ trong việc thúc đẩy ngành dược liệu. Ông nhấn mạnh: "VIETRAMED EXPO 2024 là hoạt động quan trọng giúp hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ giữa nông dân nuôi trồng dược liệu, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và người tiêu dùng.

Sự kiện không chỉ là nơi quảng bá các loại dược liệu đặc thù của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, mà còn góp phần nâng cao vị thế ngành dược liệu trong nước. Đồng thời, hội chợ là bước đệm quan trọng để phát triển một thị trường dược liệu chất lượng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng".

z6054579562115-ea177e6ea0
Nhiều sản phẩm sản xuất từ dược liệu được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Cẩm Viên.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, nhận định rằng hội chợ là cầu nối hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và hợp tác đầu tư. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự kiện này mở ra nhiều cơ hội giao thương, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và công nghệ từ các nước có nền y học cổ truyền phát triển.

VIETRAMED EXPO 2024 không chỉ là sân chơi thương mại mà còn là nền tảng để kết nối, hợp tác và phát triển ngành dược liệu và y học cổ truyền Việt Nam. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, nuôi trồng và chế biến dược liệu.

Ngành dược liệu Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Ngành dược liệu Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn nhưng vẫn đối mặt với không ít thách thức trên hành trình phát triển bền vững. Đây là chia sẻ tâm huyết của Dược sĩ Phan Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân, tại Hội chợ Dược liệu, Y Dược cổ truyền và các sản phẩm dược liệu toàn quốc lần thứ hai - VIETRAMED EXPO 2024.

Theo ông Hiển ngành dược liệu Việt Nam sở hữu một kho tàng phong phú, với 5.117 loài cây dược liệu được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã khai thác thương mại. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy ngành dược liệu trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Theo Dược sĩ Phan Văn Hiển, Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc - quốc gia có ngành dược liệu phát triển mạnh với quy mô và công nghệ vượt trội. Điều này tạo áp lực lớn lên ngành dược liệu trong nước, khiến Việt Nam khó cạnh tranh, dù sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú.

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ tự chủ được 25% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc, còn lại 75% vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhiều loại dược liệu trong nước chưa đạt chuẩn chất lượng để sản xuất thuốc, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

IMG_6572
Doanh nghiệp ngành dược liệu nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ phát triển mạnh.

Ngoài ra, nguồn dược liệu tại Việt Nam chủ yếu phân bố ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện nuôi trồng và khai thác còn manh mún. Việc thiếu quy hoạch tập trung và sản xuất theo hướng công nghiệp khiến nguồn cung dược liệu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.

Đặc biệt, phần lớn dược liệu từ Việt Nam chỉ xuất thô sang Trung Quốc, mà chưa qua chế biến hoặc nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, công nghệ chiết xuất và chế biến dược liệu trong nước vẫn chưa sánh được với các nước trong khu vực.

Trước những khó khăn trong sản xuất thuốc từ dược liệu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thực phẩm chức năng, nước giải khát, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Những sản phẩm này không yêu cầu khắt khe về hàm lượng hoạt chất và quy trình kiểm định, vừa đáp ứng xu hướng tiêu dùng, vừa tạo cơ hội mở rộng thị trường.

Dược sĩ Phan Văn Hiển cho rằng, để phát triển ngành dược liệu, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp tự chủ nguồn nguyên liệu chất lượng cao: Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ nuôi trồng, khai thác đến sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Tổ chức sản xuất dược liệu theo mô hình tập trung và công nghiệp hóa sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ chiết xuất, chế biến hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm và việc giới thiệu các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam đến thị trường toàn cầu, xây dựng thương hiệu uy tín cho ngành dược liệu trong nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính đạt 230 tỷ USD và có thể tăng lên 430 tỷ USD vào năm 2028. Đây là cơ hội lớn để ngành dược liệu Việt Nam vươn ra thế giới, nếu biết tận dụng và khắc phục được những điểm yếu hiện tại.

Ngành dược liệu Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng sở hữu tiềm năng phát triển lớn. Việc chủ động nguồn nguyên liệu chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi giá trị bền vững sẽ là chìa khóa giúp ngành dược liệu trong nước bứt phá, nâng cao giá trị và vị thế trên thị trường quốc tế.

Nếu Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị khép kín, ứng dụng công nghệ cao và chuyên nghiệp hóa sản xuất sẽ là chìa khóa giúp ngành dược liệu Việt Nam phát triển bền vững, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Với những nỗ lực từ các bên liên quan, ngành dược liệu trong nước hứa hẹn sẽ tạo nên những bước đột phá, đóng góp tích cực vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế bền vững.

Cùng chuyên mục