Thứ năm, 22/06/2023, 19:00 (GMT+7)

Muôn kiểu “khều” tiền của thợ sửa điều hòa ở Hà Nội mùa nóng

Hoàng Ngân (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Vào mùa nắng nóng, điều hòa chính là “bảo bối” của mọi nhà, thế nhưng rất nhiều thợ sửa điều hòa lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để kiếm chác.

Hè đến, thợ sửa điều hòa lại có dịp hành nghề. Tuy nhiên, len lỏi giữa những người thợ kính nghiệp, vẫn có đầy rẫy người lợi dụng kiến thức ít ỏi hoặc sự cả tin của khách hàng để “ăn gian”, “móc túi” bằng các chiêu trò như: báo giá cao, thông tin ga yếu phải thay ngay, ống đồng kém chất lượng,...

Chiêu trò "khều" tiền của thợ sửa điều hòa

Anh Lê Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc khi suýt mất tiền oan vì thợ sửa điều hòa báo hỏng IC, chập nguồn phải sửa hết 2,5 triệu đồng. Nhưng may mắn được bạn bè giới thiệu thợ khác để thử so sánh giá, anh thợ uy tín đã tìm ra lỗi cầu chì và công tắc điện, thay chỉ hết 350 nghìn đồng.

Thợ sửa điều hòa phủi bỏ trách nhiệm

Không may mắn như anh Thắng, chị Giang Nguyễn thể hiện cảm xúc bất bình trong bài viết bóc phốt người thợ sửa điều hòa. Lý do là 10 chiếc điều hòa được lắp đặt cùng lúc bị hỏng đồng loạt (5 chiếc hết ga, 5 chiếc chạy yếu). Theo chia sẻ, vào tháng 3/2022, chủ nhà đã thuê thợ sửa của cửa hàng Điện Lạnh Xuân Hường lắp đặt 10 chiếc điều hòa cho phòng trọ tại Hà Nội. Nhưng tới T5/2023, 5 máy điều hòa đều hỏng, không có dấu hiệu hoạt động, 5 chiếc còn lại thì yếu, không mát. Trao đổi với bên thợ sửa, chị Giang nhận được câu trả lời rằng đã hết hạn bảo hành (12 tháng) và điều hòa hỏng do hết ga nên không được hỗ trợ sửa chữa, kiểm tra.

Bài viết của chị Giang Nguyễn trong group Facebook
Bài viết của chị Giang Nguyễn trong group Facebook

Bài viết đăng tải trong group nhận được gần 1000 lượt bình luận, tương tác. Đa phần các thợ sửa điều hòa đều nhận định rằng, rất khó để cả 10 chiếc điều hòa cùng lỗi một lúc, bởi lẽ mỗi phòng trọ sẽ sử dụng thiết bị với thời gian và công suất khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho rằng, việc “dự đoán từ xa” máy lỗi do hết ga, rò rỉ ga của thợ sửa điều hòa, khẳng định không bảo hành và chỉ sửa chữa nếu khách hàng thuê là một cách “moi” tiền và không có trách nhiệm.

Để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, làm việc thiếu uy tín như các trường hợp kể trên, người dùng cần phải cập nhật kiến thức về bảo dưỡng điều hòa, như:

  • Vệ sinh máy điều hòa và cục nóng lạnh định kỳ

  • Trước khi thuê thợ, hãy tự mình kiểm tra: Dòng điện thiết bị có vấn đề gì hay không? Công tắc điện hoạt động tốt không? Điều khiển điều hòa có trục trặc gì không?

  • Khi thuê thợ sửa điều hòa, nên thuê người làm uy tín và hỏi giá để so sánh

Muôn kiểu lừa đảo "mùa mất điện"

Ngoài câu chuyện ăn gian của thợ sửa điều hòa thì thời điểm gần đây cũng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo “mùa nắng nóng” khó tin. Lấy lý do thiếu điện, nhiều tài khoản Facebook mạo danh Tổng công ty Điện lực Việt Nam dụ dỗ người dùng thực hiện các nhiệm vụ để nhận 150.000 đồng trợ cấp tiền điện. Nếu đồng ý làm việc, tài khoản giả mạo sẽ gửi đường link lạ, đề nghị các CTV truy cập làm nhiệm vụ.

Chiêu trò lừa đảo bằng cách tuyển CTV làm việc online
Chiêu trò lừa đảo bằng cách tuyển CTV làm việc online

Thực chất, đây là chiêu trò lừa đảo xuất hiện rầm rộ trong thời gian qua. Bằng việc lợi dụng sự cả tin, đánh vào nhận thức việc dễ làm, kiếm tiền nhanh của nhiều người mà rất nhiều hội nhóm đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản cả tỷ đồng.

21687347685.png
Cảnh báo các trường hợp mạo danh thợ điện để lừa đảo người dân cả tin

Trước đó, nhiều người cũng phản ánh rằng đã nhận được cuộc gọi từ nhân viên điện lực, thông báo hộ gia đình bị cắt điện trong vòng 2 giờ, hoặc vi phạm hợp đồng điện lực nào đó. Người nghe sau đó bị yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân để điều tra. Đây đều là chiêu trò lừa đảo tinh vi của kẻ xấu, ăn cắp thông tin người dùng để bán dữ liệu hoặc lừa tiền. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác để không trở thành nạn nhân.

Cùng chuyên mục