Thứ năm, 19/12/2024, 06:27 (GMT+7)

Mùa lạnh, cần làm ngay 4 việc này sau khi thức dậy để ngăn ngừa đau tim, đột quỵ

Làm 4 hành động này ngay sau khi thức dậy có thể giúp bạn tránh được những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe như đột quỵ, đau tim.

Vào mùa đông, thời tiết có xu hướng rét sâu hơn về đêm và sáng sớm. Đây là mối nguy cơ lớn cho sức khỏe, nhất là với người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi hoặc trẻ em, người có sẵn bệnh nền như tiểu đường, đau tim, cao huyết áp.

Việc xây dựng và duy trì những thói quen nhỏ vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy cũng có thể khiến bạn cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh mùa lạnh hiệu quả. Dưới đây là 4 hành động bạn cần làm trước khi rời khỏi giường để tránh gặp rủi ro cho sức khỏe

Làm gì để phòng ngừa đột quỵ vào sáng sớm?

Thức dậy từ từ

Có không ít trường hợp bị đột tử vào sáng sớm do sốc nhiệt khiến mạch máu đột ngột co lại, huyết áp tăng nhanh và tim chịu gánh nặng lớn để điều hòa thân nhiệt, gây ra thiếu máu nuôi dưỡng não trong thời gian ngắn. Vì vậy, việc thức dậy đúng cách trong mùa lạnh là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt với những người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền như cao huyết áp, xơ vữa động mạch cần phải càng chú ý hơn.

dot-quy1
Vận động nhẹ nhàng, làm ấm cơ thể rồi mới ra khỏi giường (Ảnh minh họa)

Theo đó, cách tốt nhất là bạn tránh ra khỏi giường ngay lập tức sau khi vừa thức dậy. Thay vào đó, hãy dành khoảng 3-5 phút nằm trong chăn để tính táo rồi mới nhẹ nhàng cử động bằng các động tác giãn cơ, xoay cổ tay, cổ chân để lưu thông máu tốt hơn rồi mới ra khỏi giường. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị sốc nhiệt.

Uống một cốc nước ấm sau khi ngủ dậy

Ngay khi vừa thức dậy, bạn nên uống một cốc nước ấm. Điều này giúp kích thích niêm mạc dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng hơn.

Bên cạnh đó, sau một đêm dài, cơ thể bị thiếu nước, vì vậy uống nước ấm góp phần bù đắp đi lượng nước đã mất trong khi ngủ, duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Điều này cũng giúp hoạt động bài tiết chất cặn bã và độc tố qua hệ tiết niệu thuận lợi hơn, từ đó tăng hiệu quả làm sạch ruột.

nuoc-am
Uống một cốc nước ấm sau khi ngủ dậy (Ảnh: minh họa)

Ngoài ra, một cốc nước ấm có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, giảm căng thẳng và chuẩn bị tinh thần cũng như năng lượng cho ngày mới. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, nước ấm giúp cơ thể làm ấm nhanh, giảm cảm giác lạnh giá, giúp tĩnh mạch và động mạch mở rộng, từ đó lưu thông máu hiệu quả hơn.

Giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng

Ngoài việc vận động nhẹ nhàng, để cơ thể thích nghi tốt với nhiệt độ bên ngoài, bạn nên mặc quần áo ấm, đeo tất chân, găng tay, đội mũ nếu cần để mặc trước khi bước ra khỏi phòng ngủ. Đặc biệt nếu gia đình bạn sử dụng máy sưởi ấm thì nhiệt độ trong phòng và bên ngoài càng có sự chênh lệch.

Nếu bạn mặc không đủ ấm, cơ thể tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh rất dễ làm các mạch máu co lại, tuần hoàn máu kém dẫn đến hạ thân nhiệt, tăng huyết áp, chóng mặt, hoa mắt, nặng hơn là đau tim, đột quỵ. Bạn cần giữ ấm các vùng cơ thể như: vùng vai váy và đầu; vùng cổ và mũi; vùng bụng; tay và chân.

giu-am-co-the
Giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng (Ảnh: minh họa)

Ăn bữa sáng giàu dinh dưỡng

Vào mùa lạnh, bên cạnh việc giữ ấm cơ thể bạn cần bổ sung dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất. Việc này góp phần nâng cao hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa cũng như hoạt động trao đổi chất của cơ thể, giúp bạn có một sức khỏe tốt để 'chống chọi' lại được với thời tiết lạnh giá của mùa đông.

Theo đó, hãy ưu tiên chọn các thực phẩm có tác dụng sinh nhiệt mạnh mẽ như: thịt, ngũ cốc, phở, súp, các món hầm, trái cây, rau củ, các loại hạt và một số gia vị giúp giữ ấm cơ thể như thì là, hạt tiêu, gừng, quế và mật ong.

Bên cạnh đó, các thực phẩm giàu probiotics cũng là lựa chọn tuyệt vời giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột, qua đó thúc đẩy hệ miễn dịch khỏe mạnh.​

Cùng chuyên mục