Chủ nhật, 11/06/2023, 10:20 (GMT+7)

11 mẹo trị nấc cụt đơn giản

YN.(Theo Tiếp thị & Gia đình)

Nấc cụt là tình trạng phổ biến mà bất kì ai cũng từng trải qua. Nhưng nếu lặp lại thường xuyên cũng có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe. Hãy cùng Tiếp thị và gia đình tìm hiểu một số mẹo trị nấc cụt dưới đây nha.

Bài viết này thuộc series Làm đẹp

Những cách làm đẹp từ dân gian hoặc khoa học đã chứng minh.

Xem thêm

 

Nấc cụt là gì?

Nấc cụt là tình trạng phổ biến và thường thoáng qua, hầu như bất kì ai cũng một lần trải qua. Một cơn nấc cụt thường diễn ra trong vài phút nhưng cũng có thể kéo dài vài giờ thậm chí vài ngày.

Nấc cụt xảy ra do sự co thắt không tự chủ, không liên tục của cơ hoành và cơ liên sườn. Nếu có bất kì tác nhân nào đó kích thích cơ hoành gây co thắt, khiến không khí đi vào cổ họng và đập vào thanh quản. Lúc đó dây thanh quản dừng lại đột ngột và tạo ra hiện tượng nấc cụt.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Nấc cụt (Nguồn: ST)

Nguyên nhân gây nấc cụt

1. Giãn căng dạ dày

Những cơn nấc ngắn, kéo dài dưới 48 giờ, thường xuất hiện khi dạ dày bắt đầu căng giãn ra sau khi ăn no hoặc uống nhiều nước. Đồ uống có cồn hoặc có gas như coca hay pessi có khả năng làm giãn dạ dày và gây ra chứng nấc cụt.

2. Thay đổi nhiệt độ

Thay đổi nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn như bước ra ngoài vào một ngày rất lạnh hoặc ăn/ uống đồ rất nóng/ lạnh cũng có thể là nguyên nhân gây ra nấc cụt.

3. Căng thẳng gây nấc cụt

Sự phấn khích, lo lắng và căng thẳng có thể gây ra những cơn nấc ngắn. Tương tự như yếu tố thay đổi nhiệt độ, trạng thái căng thẳng có thể gây ra kiểu thở bất thường, có liên kết tới chức năng của cơ hoành.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Ảnh minh họa (Nguồn: ST)

4. Thần kinh kích thích

Hai dây thần kinh quan trọng là dây thần kinh vagus và thần kinh phrenic có chức năng điều chỉnh sự co lại của cơ hoành. Sự kích thích của những dây thần kinh này có thể gây ra chứng nấc kéo dài hơn 48 giờ.

5. Phẫu thuật

Nấc cũng có thể xuất hiện sau phẫu thuật dạ dày – tá tràng, mổ gan mật,…Thường là do sau khi phẫu thuật bụng, dạ dày bị giãn ra, gây ra nấc cụt.

6. Các bệnh lý khác gây nấc cụt

Một loạt các bệnh lý về rối loạn trao đổi chất như bệnh tiểu đường, suy thận và mất cân bằng điện giải có thể gây ra những lần nấc kéo dài. Thuốc được sử dụng để điều trị những rối loạn như barbiturates, steroid và thuốc an thần cũng có thể gây nấc.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Ảnh minh họa (Nguồn: ST)

Triệu chứng nấc cụt như thế nào thì nguy hiểm?

Tình trạng nấc cụt thường sẽ tự hết, nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn 48 giờ, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để tìm nguyên nhân và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh bị nấc cụt đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa: đau bụng, sốt cao, khó thở, buồn nôn, nôn ói, ho ra máu hoặc tắc nghẽn đường thở thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. 

Ngoài ra, nếu tình trạng nấc cụt kèm theo các dấu hiệu cảnh báo liên quan thần kinh như: nhức đầu, suy nhược, tê và mất thăng bằng,… người bệnh cũng cần đi khám ngay để có thể được điều trị sớm.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Ảnh minh họa (Nguồn: ST)

Biến chứng của nấc cụt

Nấc cụt nhiều lần trong ngày, kéo dài có thể gây khó chịu thậm chí có hại cho sức khỏe của người bệnh; có thể gây ra một số biến chứng bao gồm:

  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thức giấc giữa đêm, nếu kéo dài có thể dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ
  • Kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí trầm cảm
  • Chán ăn, khó ăn, khó nuốt, suy dinh dưỡng
  • Giảm cân, mất nước và mất cân bằng điện giải

11 mẹo trị nấc cụt đơn giản và hiệu quả 

1. Nuốt một thìa đường

Đây là mẹo trị nấc cụt rất đơn giản, vị ngọt của đường sẽ gây kích ứng nhẹ thực quản. Điều này khiến các dây thần kinh cơ thể tự thiết lập lại, các cơ co thắt không còn và cơn nấc cụt sẽ qua đi.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Đường sẽ làm cơn nấc cụt biến mất (Nguồn: ST)

2. Mẹo trị nấc cụt: Hít thở sâu 

Khi bạn bị nấc cụt bạn hãy hít một hơi thật sâu và giữ được hơi thở càng lâu càng tốt. Khi bạn thở sâu sẽ làm căng cơ hoành và ngăn không cho nó co lại, tình trạng nấc cụt sẽ ngưng.

3. Uống nước mật ong

Nếu nhà bạn có mật ong thì có thể sử dụng làm mẹo trị nấc cụt. Một muỗng cà phê mật ong pha cùng một ly nước ấm, sau đó uống từ từ. Mật ong sẽ giúp kích thích các dây thần kinh phế vị.

4. Uống nước từng ngụm

Mẹo trị nấc cụt này là uống từng ngụm nước nhỏ lần lượt, điều này sẽ làm giãn các dây thần kinh và giải quyết cơn nấc cụt một cách hiệu quả.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Uống từng ngụm nước nhỏ (Nguồn: ST)

5. Lè lưỡi hết cỡ

Đây là một mẹo trị nấc cụt hiệu quả nhưng bạn không nên thực hiện chỗ đông người. Hãy lè lưỡi hết khả năng trong 5 giây rồi lặp lại 5 – 6 lần đến khi hết nấc cụt. 

6. Bịt hai tai lại

Bạn dùng hai ngón tay trỏ bịt chặt hai tai với 1 lực vừa phải trong khoảng 3 phút. Cách bịt tai này sẽ kích thích dây thần kinh phế vị giúp cơn nấc cụt biến mất. 

7. Bấm huyệt

Bấm vào huyệt trung khôi (giữa lằn chỉ thứ hai khớp ngón tay giữa). Trong các sách bấm huyệt Trung Quốc, huyệt này còn được gọi là huyệt nấc cụt. Bạn cứ bấm mạnh huyệt này cho đến lúc thấy nhức, căng, tê, không nấc cụt nữa mới thôi. Đây là một mẹo trị nấc cụt hiệu quả.

8. Dùng túi giấy chữa nấc cụt

Bạn dùng 1 túi giấy sạch, túm đầu túi ở miệng, hít vào chậm và sâu. Mẹo trị nấc cụt này làm tăng lượng khí CO2 trong máu, tác động lên cơ hoành khiến cơ này phải co bóp dài và mạnh hơn để lấy oxy cho phổi. Từ đó giúp cắt đứt cơn nấc. 

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Ảnh minh họa (Nguồn: ST)

9. Làm mình sợ hãi

Đây là mẹo trị nấc cụt được rất nhiều người sử dụng và hiệu quả. Nếu bạn thấy người thân hoặc bạn bè của mình bị nấc cụt bạn có thể nhẹ nhàng đi  phía sau và dọa cho người đó giật mình. Điều này sẽ làm cho cơn nấc cụt biến mất.

10. Ngậm viên đá trong miệng

Khi đang bị nấc cụt, bạn có thể dùng một viên đá trong tủ lạnh cho vào miệng hoặc không thì chà viên đá lên má. Tính lạnh của đá sẽ làm dịu dây thần kinh đang bị kích thích và giúp bạn hết nấc nhanh chóng.

11. Dùng gừng hoặc tiêu cay để kích thích làm giảm cơn nấc.

Ngửi một ít hạt tiêu cay để kích thích hắt xì hoặc ngậm khoảng 3 lát gừng sẽ giúp bạn chấm dứt cơn nấc cụt.

nấc cụt - tiếp thị và gia đình
Sử dụng gừng để điều trị cơn nấc cụt (Nguồn: ST)

Ngoài ra đối với những người thường xuyên bị nấc cụt có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống:

  • Tránh sử dụng đồ uống có gas
  • Không ăn thức ăn chứa nhiều gia vị
  • Ăn chậm và ăn từng miếng nhỏ
  • Giữ tinh thần thoải mái tránh stress
Từ khóa:
Cùng chuyên mục