10 mẹo trị ho dân gian tại nhà hiệu quả nhanh chóng
Ho thường là dấu hiệu của các bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu 10 mẹo trị ho đơn giản, hiệu quả tại nhà với những nguyên liệu tự nhiên, dễ tìm giúp bạn cải thiện tình trạng này nhanh chóng.
Ho là gì?
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Vì vậy, phản xạ ho cũng là cách để cơ thể tự bảo vệ và chữa lành. Nếu để tình trạng ho kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Nguyên nhân bị ho
-
Ho cấp tính
Nguyên nhân phổ biến nhất của ho cấp tính ở người lớn là nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus cấp tính, còn được gọi là cảm lạnh thông thường và viêm phế quản cấp tính. Viêm phế quản cấp tính thường do virus nhưng nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra bệnh. Các nguyên nhân gây ho cấp tính phổ biến khác bao gồm: viêm mũi xoang cấp tính, ho gà, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, suy tim sung huyết, viêm phổi và thuyên tắc phổi.
-
Ho bán cấp
Ho bán cấp thường gặp nhất sau nhiễm trùng thứ phát do viêm phế quản hoặc viêm mũi xoang hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus chưa hồi phục.
-
Ho mãn tính
Ho mãn tính rất khó chẩn đoán, cần thăm khám chuyên khoa để đánh giá nguyên nhân. Các nguyên nhân có thể bao gồm: bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan không do hen, viêm phế quản mạn tính, ho do nhiễm trùng, không dung nạp thuốc ức chế men chuyển, bệnh ác tính, bệnh phổi kẽ, viêm xoang mạn tính. Tình trạng chảy nước mũi sau một thời gian dài gây kích ứng đường hô hấp trên và gây ho. Có nhiều loại bệnh bao gồm viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi xoang xuất tiết, viêm mũi xoang nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus.
10 mẹo trị ho dân gian tại nhà hiệu quả
Mẹo trị ho bằng mật ong gừng
Theo bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ, một trong những mẹo trị ho được lưu truyền bao đời nay mà vẫn giữ được hiệu quả bất ngờ là mật ong gừng. Đây là mẹo được nhiều người sử dụng bởi công dụng và cách thực hiện dễ dàng.
Trong mật ong chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, đặc biệt khả năng kháng viêm, long đờm cực tốt. Ngoài ra, gừng giúp xoa dịu, làm ấm phổi, giúp phục hồi sức đề kháng cực tốt, vừa giúp giảm ho suyễn, vừa cải thiện hệ miễn dịch.
Bạn chỉ cần giã gừng rồi cho vào ly nước ấm, sau đó cho thêm 1 thìa mật ong vào và khuấy đều. Bạn có thể pha nước trà gừng dùng vào buổi sáng để làm dịu họng, giảm ho.
Mẹo trị ho bằng chanh chưng đường phèn
Chanh là loại quả chứa lượng vitamin C, khoáng chất dồi dào, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch, giúp chống chọi các căn bệnh tật. Đồng thời, trong vỏ quả chanh chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn cực tốt. Do đó, chanh được dùng nhiều trong các bài thuốc dân gian, trong đó có trị ho bằng chanh chưng đường phèn.
Bạn nên chọn những quả chanh tươi, thái lát, bỏ hạt, sau đó chưng với đường phèn. Bài thuốc này vừa giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hỗ trợ giảm triệu chứng ho, sốt và cảm cúm hiệu quả.
Mẹo trị ho bằng quýt ngâm đường phèn
Tương tự với chanh thì quýt cũng là loại quả chứa nhiều vitamin C không kém, vỏ ngoài của quýt khi được sao chế tạo nên một vị thuốc quý là trần bì. Quýt ngâm đường phèn không chỉ là cách để trị ho mà nó còn giúp cơ thể chống chọi với nhiều căn bệnh khác, thanh lọc cơ thể.
Quýt lột vỏ, phần vỏ bạn có thể giữ lại hoặc đem phơi khô pha trà vẫn được. Bạn đem nấu múi quýt với nước đường phèn trong 5 phút rồi tắt bếp để nguội, cho vào lọ dùng dần. Hương vị thoang thoảng thơm của quýt cùng vị ngọt thanh của đường phèn sẽ giúp bạn giảm ho nhanh chóng.
Mẹo trị ho bằng rau diếp cá
Rau diếp cá thường được dùng để trị bệnh trĩ nhưng nó còn có khả năng trị ho hiệu quả. Theo Đông Y, rau diếp cá có vị chua, tanh như cá, tính mát, bổ gan, bổ phổi. Còn y học hiện đại thì trong rau diếp cá chứa nhiều hoạt chất sát trùng mạnh, thích hợp để trị ho, trị viêm họng.
Bạn có thể dùng rau diếp cá xay lấy nước cốt thêm ít mật ong để uống 2 lần/ngày đến khi hết bệnh hoặc sắc 20g rau diếp cá khô và 20g cam thảo đất lấy nước uống mỗi ngày cho đến khi hết bệnh.
Mẹo trị ho bằng chuối và mật ong
Chuối là loại trái cây giàu dinh dưỡng, có lợi cho sự phục hồi của cơ thể khi dùng với mật ong. Đây là một nguyên liệu đồng thời vị thuốc Đông Y từ bao đời, thường dùng trong các bài thuốc về long đờm, chống viêm, giải độc.
Cách thực hiện cũng dễ dàng, bạn chỉ cần nghiền nát chuối thêm vào 1 lượng nước nóng vừa đủ, ngâm đến khi nguội thì cho 1 lượng mật ong vừa đủ, trộn đều lên và sử dụng đều đặn 4 ngày/lần đến khi khỏi.
Mẹo trị ho bằng lá bạc hà
Theo Đông y, bạc hà có vị cay, nóng, và mùi thơm nhẹ the mát, có chứa chất chống oxy hóa và hàm lượng khoáng chất cao. Đặc biệt, hoạt chất menthol trong bạc hà có tác dụng làm dịu các cơn ho, ngứa họng và tiêu tan đờm.
Để chữa trị tình trạng ho khó chịu, bạn chuẩn bị lá bạc hà tươi rửa sạch, vò lá bạc hà rồi cho vào chén hãm với nước nóng (có thể cho một ít gừng vào hãm chung). Sau khoảng 10 phút là bạn đã có thể dùng được. Bạn có thể dùng uống thay trà mỗi ngày, chắc chắn cơn ho dai dẳng và đau rát họng sẽ dần dần biến mất.
Mẹo trị ho bằng tỏi
Người lớn khi bị ho đeo bám có thể ăn kèm tỏi sống trong bữa ăn hằng ngày để trấn áp cơn ho. Cách này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần lột sạch vỏ tỏi tươi rồi cho vào miệng nhai từ từ. Khi các chất trong tỏi tiết ra, hãy nuốt chúng xuống cổ họng để ngấm dần. Hiệu quả trị ho bằng tỏi chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.
Mẹo trị ho bằng siro hành tím
Hành tím có tính ấm, vị cay cùng với mùi hăng nồng đặc trưng. Trong Đông y, hành tím được biết đến với công dụng chống viêm và tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại. Do đó, nguyên liệu này được áp dụng nhiều trong các công thức giúp người bệnh giảm tình trạng viêm, sưng, ngứa họng và giúp cắt ngang cơn ho.
Bạn hãy chuẩn bị 10 củ hành tím lột sạch vỏ, rửa sạch rồi thái lát vừa. Sau đó đem hấp cách thủy trong khoảng 7 - 10 phút, đến khi hành chín và tiết ra nước. Dùng rây để lọc lấy nước cốt hành tím rồi pha với mật ong theo khẩu vị là có thể dùng được.
Mẹo trị ho bằng cam nướng
Đây là một phương pháp đã được Đông y chứng thực, bởi quả cam có đặc tính sinh tân giải khát, khai vị, chữa ho và giải rượu. Ngoài ra, trong vỏ cam có chứa lượng tinh dầu và hàm lượng vitamin C dồi dào nên hỗ trợ điều trị các chứng liên quan đến phế quản như giảm ho, tiêu đờm.
Các hoạt chất của cam sẽ được kích hoạt ở nhiệt độ cao. Bạn chọn quả cam tươi, đem nướng trên bếp lửa. Lật liên tục để tránh cam bị cháy. Sau khi cam chín vàng thì lột bỏ vỏ và ăn trực tiếp. Ăn khoảng 3 - 4 múi, sau vài phút sẽ có tác dụng làm dứt các cơn ho.
Mẹo trị ho bằng cây đinh lăng
Đinh lăng là một vị thuốc quen thuộc và hiệu quả trong việc chữa trị nhiều bệnh lý, trong đó có cả ho. Cây đinh lăng từ thân, rễ đến lá đều được dùng làm thuốc, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể cũng như các hoạt chất mà cơ thể cần để chống lại bệnh tật.
Bạn có thể dùng lá đinh lăng khô hoặc tươi để pha nước uống hàng ngày hoặc dùng rễ cây đinh lăng với đậu săn, bách bộ, nghệ vàng, tang bạch bì, tần dày với lượng bằng nhau là 8g kết hợp 4g gừng khô sắc thành nước để uống 2 ngày/lần thì bệnh sẽ thuyên giảm hẳn.
Trên đây, Tiếp thị và Gia đình đã mách bạn 10 mẹo trị ho tại nhà đơn giản mà cực kỳ hiệu quả. Chỉ với những nguyên liệu quen thuộc, ở xung quanh nhà, bạn đã có thể thực hiện ngay một bài thuốc dân gian trị ho nhanh chóng rồi!