Thứ ba, 23/05/2023, 14:35 (GMT+7)

Mạo danh bác sĩ để lừa đảo bán thực phẩm chức năng có thể bị phạt tù

B.T (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Mạo danh bác sĩ bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh, bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được báo chí, truyền thông, và các các bệnh viện cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tái diễn tình trạng mạo danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng

Sau thời gian im ắng thì gần đây trên mạng xã hội lại xuất hiện tràn lan các video quảng cáo mạo danh hình ảnh, lời nói của bác sĩ, sĩ để bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng.

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế tích cực vào cuộc, phát hiện và yêu cầu gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên không gian mạng. Song chỉ ít lâu sau, tình trạng này lại tái diễn với hình thức lừa đảo tinh vi và bài bản hơn.

Cách đây chưa lâu, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tế học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP. HCM), thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia đã trở bị các đối tượng xấu mạo danh để quảng cáo bán thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Được biết, BS. Khanh là người khá gần gũi, thường xuyên tương tác trên mạng xã hội và tư vấn bệnh lý cho mọi người. Trên trang Facebook cá nhân của vị bác sĩ này có tới hơn 664 ngàn lượt theo dõi. Mỗi clip hay những lần livestream chia sẻ về bệnh lý của ông đều thu hút lượng người xem lớn.

truong-huu-khanh

BS. Trương Hữu Khanh đã phải thông báo với mọi người trên trang cá nhân là không bán TPCN

Thế nhưng, mạng xã hội cũng chính là yếu tố để các đối tượng xấu lợi dụng, mang hình ảnh BS. Khanh cắt ghép, chỉnh sửa, biến ông thành chuyên gia của đơn vị quảng cáo bán thuốc.

Đã có lần BS. Khanh phải đăng tải hình ảnh của mình đang quảng cáo thuốc tiểu đường lên trang các nhân kèm dòng cảnh báo bản thân ông không bán và quảng cáo về tiểu đường.

Việc các đối tượng xấu tự ý dùng hình ảnh của mình để quảng cáo bán thuốc mà không xin phép khiến BS. Khanh vô cùng bức xúc. Ông cũng cho hay, cứ thỉnh thoảng ông lại thấy mình lên video quảng cáo bán thuốc, bức xúc lắm nhưng không biết tìm những người kia ở đâu để đối chất, yêu cầu gỡ bỏ.

Mới đây nhất, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương đã thông báo trên trang Facebook, TikTok có nhiều tài khoản giả mạo, tự nhận là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo bệnh viện này để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Các trang giả mạo đã thực hiện tư vấn, khám trực tuyến, bán thuốc điều trị tiểu đường, tuyến giáp… và nhiều bệnh nội tiết khác để trục lợi. Các đối tượng này lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thậm chí chúng còn tìm đến tận bệnh viện, đóng giả làm người bệnh, người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán thuốc. Rất nhiều người bệnh đã bị lừa mua tam thất, nhân sâm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hạn sử dụng với giá 1 liệu trình điều trị từ 3-5 triệu đồng.

giả maọ

Các facebook giả mạo bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Hiện nay, những trang Facebook có tài khoản Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng và TikTok Nguyễn Huy Cường hay bất cứ các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu, tư vấn là nhân viên, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đều hoàn toàn sai sự thật. Bệnh viện khẳng định, trang Facebook lấy hình ảnh và tên của Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - TS Phan Hướng Dương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh cũng không phải là thật. Bệnh viện Nội tiết Trung ương yêu cầu các trang mạng xã hội kể trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết mạo danh bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện.

Mạo danh bác sĩ để lừa đảo có thể bị phạt tù

Về vấn đề mạo danh bác sĩ, chuyên gia y tế, Luật Quảng cáo cũng quy định rõ: Cấm các hành vi mạo danh người khác, cấm sử dụng hình ảnh y bác sĩ để quảng cáo cho thuốc và các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Điều 52 Nghị định số 38 đã chỉ rõ việc quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế đã là vi phạm pháp luật.

Nguyễn Văn Tuấn

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Ngoài ra tại Khoản 8, Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 có nêu rõ việc sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được đồng ý cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo.

Người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 07/10/2020.

Điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý sẽ bị xử phạt từ 20 – 40 triệu đồng.

Còn theo quy định tại Khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng hình ảnh trái phép xâm hại đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo quy định pháp luật, các đối tượng mạo danh bác sĩ để bán thuốc và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào mạo danh bác sĩ để bán thuốc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Đặc biệt, đối với trường hợp mạo danh bác sĩ và lấy danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, thì cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người tham gia mạng xã hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, khi phát hiện vi phạm cần báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật... Đó chính là phương án “tự vệ” là liều thuốc hữu hiệu để bảo vệ bản thân, cộng đồng, tránh tình trạng tiền mất tật mang hoặc mất bò mới lo làm chuồng khi mua phải thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, không được cấp phép lưu hành.

Cùng chuyên mục