Lượng người dùng sụt giảm, công ty mẹ của ChatGPT có nguy cơ phá sản
Công ty mẹ của ChatGPT - OpenAI đang đứng trước nguy cơ phá sản do số lượng ngày dùng chatbot này ngày càng sụt giảm khiến công ty phải tiếp tục gồng lỗ.
ChatGPT được OpenAI (Mỹ) ra mắt hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Ngay lập tức, chatbot này gây sốt toàn cầu với khả năng có thể soạn thảo e-mail, làm tiểu luận, viết code lập trình hay thậm chí cả viết báo, tiểu thuyết chỉ với vài câu lệnh đơn giản. Thống kê cho thấy chỉ trong vòng 2 tháng xuất hiện, ChatGPT có hơn 100 triệu người dùng.
Các chuyên gia công nghệ gọi ChatGPT là ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với hơn 1,5 tỉ lượt truy cập hằng tháng. Tuy nhiên, lượng truy cập vào website của ChatGPT những tháng gần đây liên tục giảm, cho thấy sức hút của siêu AI có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo SimilarWeb, tính đến cuối tháng 7, cơ sở người dùng của ChatGPT liên tục giảm.
Cụ thể, so với 1,7 tỷ người dùng trong tháng 6, số lượng người dùng tháng 7 đã giảm 12% so với tháng trước, còn 1,5 tỷ người dùng. Thời gian trung bình người dùng hoạt động trên website của ChatGPT trong tháng 5 cũng ở mức dưới 8 phút mỗi phiên, giảm 8,5% so với tháng trước đó.
Nguyên nhân khiến ChatGPT dần mất sức hút được cho là thời gian gần đây, một số người dùng đã phản ánh rằng câu trả lời của ChatGPT ngày càng trở nên kém chất lượng. Một số lý do khác là do hầu hết các công ty đều cấm nhân viên của họ sử dụng ChatGPT cho công việc vì lo ngại việc đưa dữ liệu nhạy cảm của công ty vào chatbot có thể dẫn đến rò rỉ đáng tiếc.
Theo ước tính, OpenAI đến giờ vẫn chưa có lãi. Vào tháng 5, khoản lỗ của công ty này đã tăng gấp đôi lên 540 triệu USD kể từ khi bắt đầu phát triển ChatGPT. Hiện, OpenAI đang tốn khoảng 700.000 USD/ngày để chỉ vận hành một trong các dịch vụ AI của mình là ChatGPT.
Chi phí mà OpenAI vận hành ChatGPT đều do Microsoft và các nhà đầu tư chi trả. Khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI đang giúp công ty tồn tại. OpenAI dự kiến doanh thu hàng năm là 200 triệu USD vào năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024, nhưng kế hoạch này dường như quá tham vọng nếu xét tới các khoản lỗ ngày càng lớn của OpenAI.
Theo trang Analyticsindiamag, nếu OpenAI không thể sớm thu thập được thêm nguồn tài trợ, công ty có thể phải đối mặt với khả năng phá sản vào cuối năm 2024. Trong thời gian chờ đợi, cuộc cạnh tranh vẫn tiếp tục diễn ra, thiệt hại ngày càng gia tăng, số lượng người dùng tiếp tục giảm và các vụ kiện liên quan cũng tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể và kinh tế của dự án này.
Việc OpenAI phá sản và ChatGPT ngưng hoạt động sẽ có tác động lớn đến hàng triệu người trên khắp thế giới đã dựa vào nền tảng này để tạo nội dung, thực hiện tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề. ChatGPT ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, những chuyên gia nghiên cứu và những người khác sử dụng chatbot này để tạo ra nội dung chất lượng, tự động hóa quy trình công việc và thậm chí xây dựng các ứng dụng mới. Ngoài ra, việc OpenAI phá sản cũng sẽ ảnh hưởng đến cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ ChatGPT, số người dùng và truy cập các công cụ chatbot có tính năng tương tự khác như Character-AI và Google's Bard cũng đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trước đó, nhiều người tin rằng các đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong cuộc đua AI với OpenAI sẽ là Google hoặc Meta mà quên đi mất công ty trí tuệ nhân tạo xAI của tỷ phú Elon Musk.
Tuy nhiên, ông Elon Musk rất lạc quan cạnh tranh với OpenAI và xây dựng một chatbot đối thủ, có thể tác động lớn tới sự sống còn của ChatGPT. Trong một tuyên bố mới đây, vị tỷ phú này cho biết, ý tưởng xây dựng TruthGPT sẽ không tập trung nhiều về chính trị như ChatGPT, đã thu hút được nhiều người quan tâm.