Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 21/08/2024, 13:02 (GMT+7)

Liên tiếp phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, chế tài quy định sao?

Bên cạnh những ưu điểm của việc mua sắm trực tuyến mang lại cho người tiêu dùng trên thương mại điện tử thì nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở và bất cập để trà trộn mua bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.

Xử lý hàng loạt trang thương mại điện tử vi phạm

Hoạt động thương mại điện tử qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo… ngày càng có chiều hướng phát triển, thu hút đông đảo lượng khách hàng tham gia thực hiện mua sắm các sản phẩm theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh những ưu điểm của việc mua sắm trực tuyến mang lại cho người tiêu dùng thì nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở và bất cập để trà trộn mua bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về nhãn hàng hóa… ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp doanh nghiệp vi phạm về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Cụ thể, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc kiểm tra, xử lý các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp cùng Công an tỉnh Hòa Bình xác minh trạng thái cũng như doanh nghiệp sở hữu, quản lý, khai thác và vận hành 5 website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó có 4 website cung cấp hàng hóa và 1 website cung cấp dịch vụ du lịch, vận tải…, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương).

Kết quả thu thập, xác minh và kiểm tra được 3 tổ chức, cá nhân sở hữu website có hành vi vi phạm: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là gần 74,4 triệu đồng.

Còn lại 1 website có địa chỉ trụ sở chính ở ngoại tỉnh, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã chuyển thông tin về Cục QLTT TP Hà Nội tiếp nhận theo quy định của pháp luật; 1 website không xác định được đối tượng chủ sở hữu do doanh nghiệp đăng ký và khai thác tên miền đã giải thể.

tmdt1
Hình ảnh thông tin hàng hóa trên website: vicodoquangbinh.com của Công ty TNHH Dịch vụ V.C.D. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Cũng mắc lỗi vi phạm tương tự là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, ngày 14/8, Công ty TNHH Dịch vụ V.C.D (địa chỉ tại thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bị Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Quảng Bình) xử phạt số tiền là 30 triệu đồng.

Trước đó, ngày 6/8, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh Quảng Bình) tiến hành kiểm tra, phát hiện website: https://vicodoquangbinh.com của Công ty TNHH Dịch vụ V.C.D đang hoạt động và bán thực phẩm các loại, trên website này có chức năng đặt hàng trực tuyến, có đầy đủ thông tin về giá cả, phương thức thanh toán của hàng hóa.

Làm việc với đoàn kiểm tra, bà N.T.N - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ V.C.D thừa nhận website trên thuộc sở hữu của đơn vị, được thiết lập để phục vụ hoạt động bán hàng trực tuyến cho công ty. Cơ quan chức năng cũng cho biết, qua tra cứu tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương cho thấy, không có dữ liệu về việc công ty đã thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

tmdt2
Website: vicodoquangbinh.com của Công ty TNHH Dịch vụ V.C.D có chức năng đặt hàng trực tuyến. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tương tự, tại Quảng Ninh, Đội QLTT số 1 và số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, phát hiện 2 vụ vi phạm trong thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt gần 60 triệu đồng.

Theo đó, ngày 13/8, thông qua tài khoản Facebook “Mạnh Cường”, Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Mạnh Cường (địa chỉ tại tổ 10, khu 4 , phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), phát hiện 48 sản phẩm quần, áo nam giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton và Gucci có trị giá 39,3 triệu đồng. Đội QLTT số 1 đang phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh xử phạt hộ kinh doanh theo quy định.

Cùng ngày, tại TP Móng Cái, qua rà soát, xác minh các website thương mại điện tử trên địa bàn, Đội QLTT số 4 kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Bảo Group (địa chỉ tại xã Hải Đông, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ông N.V.D, Giám đốc Công ty thừa nhận là chủ sở hữu của website thương mại điện tử https://www.xedienmongcai.vn, có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công thương theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty số tiền là 30 triệu đồng về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng.

Trong khi đó, từ ngày 5/8 - 8/8/2024, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) cũng phát hiện, xử lý 3 vụ việc kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu qua mạng xã hội. Đó là, hộ kinh doanh H.T.H.H (địa chỉ tại đường Hoàng Liên, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai) bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam gồm: 28 đôi giầy thể thao NIKE; 37 đôi giầy thể thao ADIDAS; 13 đôi dép lê nam đế cứng HERMES. Toàn bộ hàng hoá không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo với tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết hơn 30,5 triệu đồng.

Hộ kinh doanh N.T.L (đường Dìn Thàng, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm 186 đôi giày thể thao, với tổng trị giá của hàng hoá theo giá niêm yết là hơn 52 triệu đồng.

Hay, tại khu vực đường Tuệ Tĩnh, tổ 10, phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đoàn kiểm tra phát hiện tang vật vi phạm hành chính gồm 960 hộp kẹo mút, loại 700g/hộp, do ông Trần Đức Vượng là chủ sở hữu hàng hóa. Toàn bộ lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng vi phạm là 62,4 triệu đồng...

Pháp luật quy định như thế nào về việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử?

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 33, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động. Cụ thể, hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Mức phạt này đồng thời áp dụng đối với các hành vi gồm: Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng; giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng.

Cùng đó, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký;

Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; sử dụng biểu tượng đã đăng ký để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký...

Lưu ý, mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).

Cùng chuyên mục