Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 20/08/2024, 19:25 (GMT+7)

Hơn 400 sản phẩm sách giáo khoa và đồ dùng học tập được trưng bày nhận diện thật - giả

Phòng trưng bày “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập” trưng bày gần 100 loại hàng hóa với trên 400 sản phẩm là các loại sách và đồ dùng học tập phổ biến trên thị trường hiện nay.

Thêm 1 kênh nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập thật – giả

Nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2024 - 2025, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập” diễn ra từ ngày hôm nay (20/8) đến hết ngày 24/8 tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục thị trường.

Đây là lần thứ 13 Phòng trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mở cửa đón khách tham quan và tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Trong đợt trưng bày này, các loại sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo đã phát hiện có sản phẩm giả trên thị trường sẽ được giới thiệu đến người xem.

IMG20240820140352
Phòng trưng bày “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập” mở cửa miễn phí đón người dân tham quan từ ngày 20 - 24/8/2024.

Phòng trưng bày “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập” chia thành hai khu vực chính, trưng bày gần 100 loại hàng hóa với trên 400 sản phẩm là các loại sách và đồ dùng học tập phổ biến trên thị trường hiện nay. Phần lớn sản phẩm vi phạm được trưng bày do lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ khi thực thi công vụ.

Đối với không gian trưng bày sách, điểm nhấn chính trong kỳ trưng bày lần này là các loại sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo với những dấu hiệu phân biệt thật - giả về màu sắc, hình ảnh, khổ sách, định lượng giấy, nội dung, tem chống giả và mã thẻ cào, giúp khách tham quan, người tiêu dùng, các em học sinh, các bậc phụ huynh trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện đúng sách để đảm bảo quyền lợi của các em học sinh. Bên cạnh đó, Phòng trưng bày còn giúp khách tham quan nhận diện rất nhiều các dòng sách về kỹ năng - tâm lý, sách quản trị kinh doanh, sách tranh nghệ thuật.

IMG20240820140910
Sách giáo khoa thật và giả được sắp xếp cạnh nhau giúp người xem dễ nhận diện.

Tại không gian trưng bày các sản phẩm là đồ dùng học tập, ban tổ chức trưng bày các loại bút, vở viết, giấy thủ công, bảng viết phấn các nhãn hiệu của Thiên Long, Hồng Hà… với đầy đủ các dấu hiệu nhận diện và so sánh để biết sản phẩm thật - giả.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tại Việt Nam hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, các loại truyện tranh, các loại đồ dùng học tập giả mạo về nhãn hiệu, kém chất lượng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

skg
Cán bộ QLTT thông tin về các dấu hiệu nhận biết sách giả - sách thật.

Sách giáo khoa giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, bởi, những sản phẩm này thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh. Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

IMG20240820135952
Các dòng sách về kỹ năng - tâm lý, sách quản trị kinh doanh, sách tranh nghệ thuật cũng bị làm giả.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác. Nổi bật là vụ việc phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang; thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại Đồng Nai; phát hiện, thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa vi phạm tại Tây Ninh.

Theo Lãnh đạo Tổng cục QLTT, nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống sách giả, sách in lậu chính là độc giả - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi khách hàng, người đọc ý thức được việc việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng, xã hội thì nạn sách giả, sách lậu mới không còn “chốn dung thân”.

IMG20240820142555
Ngoài sách giáo khoa, các sản phẩm đồ dùng học tập cũng bị làm giả.

Làm thế nào để phân biệt sách giáo khoa thật - giả?

Thông tin trên báo chí về cách nhận biết sách giáo khoa thật - giả, bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho biết, phía dưới lớp cào ở mỗi cuốn sách sẽ có mã để học sinh truy cập vào dữ liệu điện tử, sử dụng sách điện tử. Nếu như là sách giả thì sẽ không cào ra được dãy mã số.

Nhiều cuốn sách in lậu sẽ không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật. Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang. Do vậy, để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/photo, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến phần chữ bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phong Yên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam cho biết, sách giả, sách in lậu thường có màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều, chỗ đậm chỗ nhạt.

Với sách thật, hình ảnh trong sách đều sắc nét. Nếu đặt cạnh sách thật, dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trong sách giả không đẹp, chất lượng kém và có phần tối hơn do sách giả, sách in lậu thường scan, photo lại từ sách thật nên đối chiếu màu sắc, tính sắc sảo của chữ in, hình ảnh trên trang giấy là cách đơn giản nhất để người tiêu dùng có thể phân biệt. Ngoài ra, với mục đích tiết kiệm chi phí, sách giả, sách in lậu thường sử dụng loại giấy không phù hợp dùng trong in ấn, làm giảm giá trị của thành phẩm.

Cũng theo ông Yên, sách giả, sách in lậu sử dụng sách thật để sao chép hoặc scan lại, một số chỗ được đánh máy lại phần chữ dẫn tới nội dung trong sách bị xô lệch, sai sót. Đặc biệt đối với các hình ảnh đặc thù như bản đồ…, sách giả thường lược bỏ nhiều thông tin hoặc tỷ lệ thể hiện không chính xác dẫn đến việc tiếp thu kiến thức bị sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để người tiêu dùng nên nói không với sách giả, sách kém chất lượng.

Mặt khác, sách giả, sách in lậu còn sản xuất tem giả đi kèm khiến khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi mua hàng. Mã thẻ cào của sách giả thường sao chép từ mã sách thật. Khi kích hoạt sẽ bị báo mã không đúng hoặc đã qua sử dụng. Vì thế, để tránh mua phải sách in lậu, thầy cô, phụ huynh và học sinh nên lựa chọn các đơn vị phát hành sách giáo dục thuộc hệ thống nhà xuất bản, các cửa hàng sách uy tín.

Cùng chuyên mục