Lễ hội đua voi - Nét đẹp độc đáo của đồng bào Tây Nguyên
Lễ hội đua voi Buôn Đôn là một trong những lễ hội đặc sắc của của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Mnông nói riêng, nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ săn bắt, thuần dưỡng voi.
Sự ra đời và ý nghĩa của lễ hội đua voi
Từ lâu đời, người dân tộc M’nông (Bunong) ở Buôn Đôn đã biết săn bắt, thuần dưỡng voi rừng để trở thành vật nuôi của gia đình. Con vật này không chỉ giúp người đồng bào kéo, chở hàng hóa mà còn được xem như một “tài sản lớn” trong gia đình, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần.
Khi voi rừng đã được thuần hóa, chủ voi sẽ tổ chức một nghi lễ nhập buôn. Kể từ đó, voi được coi như một thành viên trong gia đình, trong cộng đồng buôn làng và được làm lễ cúng sức khỏe hàng năm.
Theo tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, ông Y Thu K' Nul (hay còn gọi là Khu Sa Nup, sinh năm 1827, mất năm 1938) là một trong những người M'nông đầu tiên gây dựng nên nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã bắt được gần 500 con voi rừng và thuần dưỡng chúng. Vì thế, Y Thu K' Nul được người dân trong vùng tôn vinh là “Vua săn voi”.
Bắt nguồn từ Y Thu K' Nul, săn và thuần phục voi dần trở thành truyền thống tại Buôn Đôn. Nơi đây dần dần được coi như thủ phủ của loài voi. Lễ hội đua voi Buôn Đôn từ đó cũng ra đời và trở thành một lễ hội nổi tiếng. Cuộc đua voi không chỉ tôn vinh sự mưu trí, sức mạnh, sự khéo léo, tinh thần thượng võ của những nhà thuần dưỡng voi mà còn nói lên nếp sống mạnh mẽ, truyền thống lâu đời của bản làng Tây Nguyên.
Thời gian tổ chức lễ hội đua voi
Hội đua voi ở Tây Nguyên thường được tổ chức hai năm một lần vào tháng 3 âm lịch. Tháng 3 là thời điểm các vụ mùa ở Tây Nguyên đã được thu hoạch xong, người dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ mùa mới sắp tới nên tổ chức lễ hội vào dịp này được coi như một hình thức ăn mừng, cầu bình an để đem đến những may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới. Đây cũng là thời gian rất thích hợp để đi du lịch tại khu vực Tây Nguyên vì thời tiết mát mẻ, không có mưa, nắng không quá gắt rất thuận tiện cho việc di chuyển đi lại, nhất là cho khách du lịch.
Địa điểm tổ chức lễ hội đua voi
Bởi vì cuộc đua voi diễn ra với quy mô rất lớn nên địa điểm tổ chức lễ hội chủ yếu tại một khu đất trống có chiều dài từ 400 đến 500m, bằng phẳng, ít cây, đủ cho 5 đến 10 con voi lớn đứng dàn thành hàng ngang cùng tham gia. Nơi được chọn thường là các địa điểm như ở Vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc huyện Buôn Đôn - nơi được mệnh danh là thủ phủ của loài voi và Ea Súp hoặc một cánh rừng thưa ven sông Sêrêpôk nằm ở phụ lưu sông Mekong.
Lễ hội đua voi có gì đặc sắc?
Trước khi diễn ra lễ hội đua voi
Vài tháng trước khi đến tháng 3 âm lịch, người dân đồng bào M'nông sẽ lựa những chú voi lớn, khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Bởi vì, mỗi mùa lễ hội đua voi Buôn Đôn chỉ có khoảng trên dưới 10 con voi được tham gia thi đấu, những người huấn luyện cần dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho người bạn của mình có đầy đủ tiêu chí bước vào vòng trong.
Sau khi xong xuôi bước chọn lựa và chuẩn bị, người dân sẽ đưa voi của mình vào rừng lớn để kiếm thức ăn, đồng thời “bồi bổ” cho con voi thức ăn như: mía, chuối, đu đủ,... Gần ngày thi đấu, voi sẽ được nghỉ ngơi, tắm rửa và huấn luyện một số bài thuần dưỡng để tham gia các hoạt động trong lễ hội.
Nội dung trong lễ hội đua voi gồm:
-
Lễ cúng Nước
-
Lễ cúng sức khỏe cho Voi
-
Lễ ăn trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu)
-
Lễ hội văn hoá các dân tộc huyện Buôn Đôn
-
Thi Voi đá bóng
-
Thi Voi chạy
-
Thi Voi bơi
-
Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa)
-
Lễ tắm Voi sau khi kết thúc các hoạt động của Voi tại Lễ hội
Ngày diễn ra lễ hội đua voi Buôn Đôn
Vào ngày thi đấu, già làng sẽ thực hiện lễ cúng sức khỏe cho voi trước với 3 chén rượu cần, một con heo và một bầu nước. Voi sẽ được đặt cơm lên đầu, tưới rượu và máu để cầu phúc và cúng sức khỏe. Sau khi thực hiện xong nghi lễ, tất cả mọi người trong lễ hội sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa dưới tiếng nhạc, cồng chiêng rộn ràng rồi chính thức bắt đầu lễ hội đua voi Buôn Đôn.
Bước vào cuộc đua, trên lưng mỗi chú voi là 2 chàng quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc. Họ có nhiệm vụ điều khiển voi làm theo lệnh của nài voi. Voi sẽ được ra lệnh xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát để chuẩn bị thi đấu. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và ngân lên, người điều khiển sẽ thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm. Tiếng voi chạy rầm rập hòa cùng tiếng cổ vũ, reo hò của khán giả tạo nên không khí náo nhiệt, hân hoan cả một vùng.
Không chỉ thể hiện sức bền trên đường thẳng, những chú voi còn phải thể hiện như linh hoạt khi đi trên những con đường dốc ngoằn ngoèo hoặc bơi qua những dòng sông lớn. Người điều khiển voi phải thể hiện được sự huấn luyện thuần thục và tài năng của mình khi hướng dẫn voi chạy đua về vạch đích.
Người quản tượng ngồi trước có vai trò điều khiển cho voi chạy đúng hướng. Ví dụ, nếu muốn voi chạy sang bên phải thì gõ vào tai phải và ngược lại. Người ngồi sau có nhiệm vụ đốc thúc voi tăng tốc bằng cách dùng chiếc búa gỗ quất vào mông voi. Nghe thì tưởng chừng đơn giản nhưng cả hai người điều khiển phải có sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn với nhau để có kết quả tốt nhất. Và muốn voi hiểu được ý của người quản tượng thì đó lại là một quá trình dài và khó khăn hơn.
Phần thưởng cho những chú voi sau khi thi đấu là những bó mía tươi ngon lành ngọt lịm cùng những nải chuối chín vàng ươm tươi ngon. Riêng chú voi khỏe mạnh, dẻo dai nhất dành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản tượng và được thưởng thêm rất nhiều món ăn ngon khoái khẩu khác dành riêng cho voi.
Các hoạt động hấp dẫn khác diễn ra tại lễ hội đua voi
Sau khi kết thúc lễ hội đua voi, du khách có thể tham gia lễ hội đâm trâu. Đây là lễ hội phù hợp với những người gan dạ, thích những điều độc đáo mới lạ. Tuy nhiên cảnh báo trước, lễ hội này không phù hợp với những người yếu tim, không thích máu me. Nếu bạn thích có thể thuê các bộ đồ của người dân tộc, trực tiếp tham gia vào các hoạt động đời sống hằng ngày, cùng làm việc ăn uống để hiểu rõ hơn về lối sống và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Ngày nay, do yêu cầu của du lịch và để bảo tồn, phát triển một bản sắc văn hóa, lễ hội đua voi được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức. Ngoài chạy đua, các chú voi nhà còn tham gia nhiều môn thi như: bơi vượt sông, đá bóng.… Vì vậy, nó thường được giới thiệu trong các chương trình của du lịch Đắk Lắk. Du khách còn được trải nghiệm cưỡi voi, tham quan buôn làng…và rất nhiều điều thú vị khác chỉ có tại Tây Nguyên. Hiện nay, các chú voi đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng vì sự săn bắt của con người. Các chú voi đang được điều dưỡng và không lâu sau sẽ thả vào rừng. Tuy nhiên hoạt động đua voi, cưỡi voi thường gắn với ngược đãi động vật thông qua đánh đập, gây tổn thương về thể chất và tinh thần cho voi.
Cách di chuyển đến lễ hội đua voi
Đắk Lắk cách thành phố Hồ Chí Minh 350km, cách Hà Nội 1.410 km. Chính vì vậy, có hai phương tiện đến Đắk Lắk là đường bộ và máy bay (sân bay Buôn Mê Thuột).
Bạn có thể mua vé xe đi Đắk Lắk ở các bến xe hay mua vé máy bay ở các đại lý. Nên tham khảo giá, thời gian xuất bến/bay, khoảng cách, phương tiện từ sân bay đến khách sạn.
Nếu đi cá nhân, di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đắk Lắk theo Quốc lộ 14, qua Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông. Điểm xuất phát thường được chọn cho cung đường này là hướng cầu Bình Triệu.
Các món ăn nên thử khi tham gia lễ hội đua voi
Sau khi tham gia lễ hội đua voi, du khách có thể dành thời gian tham quan Bản Đôn, thưởng thức các món ăn đặc sản Tây Nguyên thơm ngon lạ miệng nơi đây như: gà nướng, cá lăng, gỏi cá, măng nướng xào vếch bò, rượu cần,... Hay các món ăn nên thưởng thức ngay tại lễ hội như: cơm lam, cá suối, rau rừng, thịt rừng (nuôi), chanh dây, ớt sim, bắp bò khô, nai tẩm, hạt điều sống, hạt điều rang muối, nem chua tiêu ớt tỏi,...
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mua một vài đặc sản nổi tiếng của núi rừng Tây Nguyên về làm quà cho người thân và bạn bè như: mật ong rừng, rượu Amakong, rượu cần Y Miên hoặc cà phê.
Lễ hội đua voi có một vị trí rất quan trọng trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Mnông nói riêng. Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ săn bắt, thuần dưỡng voi, lễ hội còn là dịp để giới thiệu cho du khách những nét đẹp trong phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.