Lễ hội cầu an Bản Mường - Nét đẹp văn hóa vùng Tây Bắc
Lễ hội cầu an Bản Mường là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Thái ở Mai Châu (Mộc Châu, Sơn La). Sự kiện này mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc.
Lễ hội cầu an Bản Mường là gì?
Lễ hội cầu an Bản Mường là một trong những nghi lễ truyền thống của người dân tộc Thái tại vùng núi Tây Bắc. Lễ hội này gắn liền với tục lệ giết trâu, hiền cầu và cảm tạ các vị thần, biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng,…
Lễ hội cầu an Bản Mường được tổ chức rất long trọng với sự tham gia của đông đảo đồng bào ở địa phương và du khách thập phương. Lễ hội không chỉ liên quan đến đời sống vật chất, văn hóa tâm linh, mà nó còn liên quan đến sức khỏe, mùa màng, công việc làm ăn trong năm của người dân.
Thời gian diễn ra lễ hội cầu an Bản Mường
Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hàng năm. Cầu an Bản Mường thường kéo dài trong 3 ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm) với nhiều nghi thức tâm linh và hoạt động đời sống hàng ngày.
Địa điểm diễn ra lễ hội cầu an Bản Mường
Lễ hội này thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước trong lành, nhiều khi là nguồn nước thiêng hoặc ở bìa rừng nơi có nhiều cây cối xanh tươi. Có nơi, người ta tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp tết Nguyên đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong.
Ý nghĩa của lễ hội cầu an Bản Mường
Một điều không thể chối cãi rằng, dường như bất kể lễ hội nào diễn ra ở Việt Nam đều mang những ý nghĩa sâu sắc. Lễ hội cầu an Bản Mường cũng không ngoại lệ. Lễ hội này diễn ra với ý nghĩa bộc lộ khát vọng cầu an cho cuộc sống của người dân.
Nó thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa thần và người, đồng thời biểu hiện khát vọng sinh sôi qua lời cầu khẩn của con người về mùa màng bội thu, gia súc và gia cầm sinh sôi, phát triển tốt.
Ngoài ra, hội cầu an Bản Mường còn thể hiện lòng biết ơn của con người với thần linh, tạ ơn các Ngài đã phù hộ cho dân làng có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu đem đến sự no ấm cho tất cả mọi người.
Nghi lễ tổ chức lễ hội cầu an Bản Mường
Phần lễ của lễ hội cầu an Bản Mường
Lễ hiến tế là một nghi thức bắt buộc và quan trọng nhất của lễ hội cầu an bản Mường.
Nghi lễ cúng
Nghi lễ cúng thần linh cơ bản là hiến sinh trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng – đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Nhưng đa số người Thái hiến tế cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên, trong đó, con trâu trắng chính là vật thiêng để lễ tế thần.
Tại đây, người dân thực hiện nghi lễ cơ bản là hiến trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng – đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Ở Mộc Châu, trong lễ xên bản, xên mường, người ta hiến tế cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng thiêng để thành lễ vật tế thần (ở đây là thủy quái thuồng luồng, con ma to nhất dưới nước mà bà con thường gọi là phi ngược). Nghi thức hiến sinh trâu mộng phổ biến hơn. Nghi lễ hiến sinh hai trâu mới ở bản.
Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an Bản Mường là a nha, tuy nhiên người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng hay còn được gọi là mo Mường.
Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Quá trình chuẩn bị nghi lễ
Trước ngày hội chính thức, tức là khoảng từ 2 đến 3 giờ chiều ngày hôm trước, người ta đã làm lễ giết trâu. Trước khi thịt trâu, ông mo Mường và ông mò phăn (tức ông thầy chém, được dân mường chọn ra) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dữ (mang tính nghi lễ) vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những câu như thần chú (thực ra, nhiều người cho rằng các ông chỉ nói lời kính báo với thần linh, tổ tiên: trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị, xin các vị về mà nhận lấy). Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho các thanh niên khỏe mạnh vào chém trâu, thịt trâu...
Mâm cỗ cúng
Bắt đầu ngày hội, người ta làm nhiều mâm cỗ cúng (mỗi mâm cỗ tượng trưng cho một bản lớn, ngày xưa có tạo bản đứng đầu, các bản nhỏ không được tượng trưng bằng mâm cỗ) đặt cạnh nguồn nước thiêng của mường. Đặc biệt, mâm cỗ của ông a nha, đặt ở giữa, dùng cúng tổ tiên (mâm cúng chính thức) phải đầy đủ các bộ phận của con trâu hiến tế (đầu, đùi, thân, móng, đuôi,...) cùng tất cả các bộ phận của một con lợn.
Những mâm còn lại của các bản, ngoài thịt trâu, cơm rượu,... còn phải có gà vịt, đặt ở hai bên mâm cúng chính, dành để cúng các vị thần khác. Khi buổi lễ bắt đầu, mo mường quỳ trước các mâm cỗ, phía sau là a nha, tạo bản, dân mường quỳ lễ. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, ông mo trang trọng, xuất thần đọc bài cúng đã thông thuộc, mời tổ tiên, thần đất, chủ nguồn nước, thổ công thổ địa,... về nhận lễ vật, dùng cỗ vui vẻ với cộng đồng dân cư Bản Mường. Đồng thời, cầu mong tổ tiên, thần linh ban phúc, phù trợ cho Bản Mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc, gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và các vị chức sắc cùng dân bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Trong lúc đó, mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một trắng) và một nắm cơm nhỏ xuống nguồn nước.
Ăn uống cộng cảm
Sau nghi lễ hiến tế, tất cả những người dân trong bản sẽ cùng nhau ăn uống vui vẻ. Tuy nhiên, việc ăn uống này cũng cần thực hiện theo đúng thủ tục và phong tục. Từ khi bắt đầu ăn cỗ, các ông thầy cúng và a nha sẽ làm phép ở mâm cỗ chính, sau đó đi lần lượt từng mâm một. Đi đến mỗi mâm, mo Mường và a nhà đều ăn một miếng thịt và uống một hớp rượu. Sau khi mo Mường và a nha làm phép, tất cả mọi người phải ăn hết cỗ ở trên bàn mà không được bỏ thừa dù chỉ một miếng, và đặc biệt không được phép gói mang về nhà.
Phần hội của lễ hội cầu an Bản Mường
Nhắc đến các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số ở vùng núi Tây Bắc thì không thể không nhắc đến những trò chơi dân gian cổ truyền. Ở lễ hội cầu an bản Mường, tất cả dân bản không kể già, trẻ, gái, trai đều sẽ tham gia vào các trò chơi truyền thống như: múa sạp, đánh đu, hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao… rất vui vẻ với tiếng chiêng, trống vô cùng náo nhiệt.
Một hoạt động không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội nào của những người dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc đó là múa sạp. Ở lễ hội cầu an bản Mường, sẽ có những đôi nam nữ thường là vợ chồng cùng nhau múa sạp, thi bắn nỏ bắn súng hoa mai.
Để chuẩn bị cho việc diễn ra những trò bách hý trong hội lễ, ngay từ sáng tinh mơ của ngày đầu tiên, bên cạnh vị trí cúng lễ, người dân bản đã sửa sang, dọn dẹp mặt bằng, rộng cách nơi hành lễ khoảng trên dưới 100m. Mọi hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao... đều được diễn ra nơi đây.
Những trò chơi bách hí đã được diễn ra khi trời đã về chiều, sau khi mọi người đã ăn cỗ no nê. Trong tiếng trống dồn vang, tiếng chiêng dìu dặt, các bản cùng nhau xe vòng, xe đôi, xe đơn rất nhộn nhịp và náo nhiệt. Đặc biệt, những nam thanh nữ tú hát hay, múa giỏi nhanh nhẹn trong ứng xử sẽ vừa ăn vừa uống rượu vừa chọc ghẹo và hát đối đáp giao duyên với nhau. Họ hát giới thiệu, khen ngợi nhau, bày tỏ chí hướng, tỏ lòng với nhau.
Nhiều nơi còn có tục đi săn tập thể vào ngày kết thúc lễ hội. Dưới sự chỉ huy của một thợ săn giỏi nhất mường, được dân bản bầu lên, mọi người lao mình vào cuộc săn một cách hào hứng. Thú rừng săn được sẻ chia đều cho mọi người cũng như lũ chó tham gia cuộc săn... Cứ như thế cuộc vui kéo dài trong hai, ba ngày. Sau đó, bản nào về bản ấy. Bản nào giàu có, nhiều khả năng vật chất thì mời mo mường, a nha về bản mình, tiếp tục mổ lợn, giết gà tiệc tùng vui vẻ, hoặc tổ chức cầu an cho bản (xên bản).
Có thể thấy, lễ hội cầu an Bản Mường là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái, thể hiện niềm tin vào tâm linh, sức mạnh của con người; cầu phúc cho một cuộc đời hạnh phúc, bình an. Không chỉ riêng người dân tộc Thái mà toàn bộ người dân Bản Mường đều tham gia lễ hội này. Tất cả những mong muốn, tham vọng của từng cá nhân đều sẽ được bộc lộ tại lễ hội. Từ đó, mối liên kết giữa con người với con người ngày càng khăng khít hơn.