Lễ hội Đền Hùng - hành trình trở về cội nguồn dân tộc
Lễ hội Đền Hùng (hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương) là một lễ hội lớn trong năm, trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng.
- Địa điểm diễn ra lễ hội Đền Hùng
- Thời gian tổ chức lễ hội Đền Hùng
- Ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng
- Quy mô tổ chức lễ hội Đền Hùng
- Các nghi thức của lễ hội Đền Hùng
- Các địa điểm du khách có thể tham quan tại lễ hội Đền Hùng
- Phương tiện di chuyển khi đi lễ hội Đền Hùng
- Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội Đền Hùng
Địa điểm diễn ra lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại quần thể đền được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo sử sách ghi lại, trước kia, nơi đây nằm giữa hai dòng sông tạo thành hai hào nước tự nhiên khổng lồ giúp vua Hùng thuận thế đánh giặc, xây dựng bờ cõi.
Thời gian tổ chức lễ hội Đền Hùng
Lễ Giỗ Tổ thường được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 10 tháng 3 là ngày chính hội.
Ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ là Thủy Tổ của người Việt Nam, cha mẹ của các vua Hùng. Chính vì thế, lễ hội Đền Hùng được xem là ngày hội chung vui của toàn dân tộc, là một dịp quan trọng để mọi người ở khắp mọi nơi nhớ về công ơn sâu sắc của các vua Hùng đã có công dựng nước cùng với sự kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ nước của các bậc tiền nhân trong suốt khoảng thời gian qua.
Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu hiện cụ thể nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc. Điều đó đã làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, làm nên sức mạnh khối đoàn kết dân tộc.
Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi nhận năm 2012. Đây là một di sản có giá trị độc đáo và sẽ ăn sâu trong tâm hồn và tình cảm của đồng bào cả nước.
Quy mô tổ chức lễ hội Đền Hùng
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau:
-
“Năm chẵn” là những năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; lễ hội được Bộ Văn hoá - Thông tin và Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
-
“Năm tròn” là những năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự Lễ dâng hương.
-
“Năm lẻ” là những năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành Quốc lễ - ngày lễ lớn, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Các nghi thức của lễ hội Đền Hùng
Phần lễ của lễ hội Đền Hùng
-
Từ mùng 1 đến mùng 5 tháng 3: là lễ dâng hương của các đại diện huyện, thành thị nằm gần đền thờ Vua Hùng.
-
Mùng 6 tháng 3: là ngày diễn ra Lễ Giỗ Đức quốc tổ Lạc Long Quân và Lễ Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ.
-
Mùng 7 tháng 3: diễn ra Lễ Rước Kiệu về Đền Hùng Phú Thọ do các địa phương gần đó thực hiện, gồm có cờ, lọng, hoa, kiệu, trang phục truyền thống đầy màu sắc. Từng đoàn rước kiệu sẽ xuất phát từ dưới chân núi, rồi đi qua các đền để đến Đền Thượng.
-
Mùng 10 tháng 3 là ngày lễ chính, diễn ra 2 sự kiện chính là:
-
Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh tướng, danh nhân trên địa bàn tỉnh và Lễ dâng hương tại bức tượng Phù Điêu.
-
Lễ dâng hương tại Đền Thượng: mỗi người đều thắp lên đền một vài nén hương để cầu nguyện tâm niệm của mình với tổ tiên, bởi mỗi nắm đất và gốc cây nơi đây đều rất linh thiêng.
Phần hội của lễ hội Đền Hùng
Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động đặc sắc được tổ chức như:
-
Các trò chơi dân gian (hát xoan, đánh trống đồng, cồng chiêng, thi gói, nấu bánh chưng, kéo lửa thổi cơm, thi vật, bơi trải, kéo co,...), các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố, các đội văn nghệ quần chúng tích cực tham gia các hoạt động.
-
Tổ chức cuộc thi rước kiệu giữa các làng xung quanh, nhờ đó mà không khí cũng trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn. Cỗ kiệu nào đoạt giải nhất đến kỳ hội sang năm được thay mặt rước lên đền Thượng để triều đình cử hành quốc lễ và đó là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của cả làng. Bởi họ cho rằng mình sẽ được các vua Hùng và thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, an vui.
Các hoạt động văn hóa dân gian được phục dựng nguyên bản làm cho lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng, không gian văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Lễ hội cũng tạo môi trường cho Tín ngưỡng thờ Vua Hùng được gìn giữ và lưu truyền, thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Qua đó khẳng định thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Các địa điểm du khách có thể tham quan tại lễ hội Đền Hùng
Đền Hạ
Đây là ngôi đền được xây dựng từ khoảng thế kỷ 17 - 18 theo lối kiến trúc cổ. Tương truyền, khu vực đền Hạ chính là địa điểm mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Phía sau chính điện của đền Hạ hiện nay vẫn còn lưu giữ giếng Mắt Rồng chính là nơi ấp trứng.
Đền Trung
Nếu đền Hạ được xây dựng theo kiểu chữ nhị, thì đền Trung lại được xây theo kiểu chữ Nhất. Khu vực đền Trung là địa điểm mà vua Hùng Vương thứ 6 truyền ngôi cho con trai Lang Liêu theo truyền thuyết bánh chưng bánh dày. Không chỉ vậy, nơi đây xưa kia cũng là nơi các vua quan thời đó thường đến để đi dạo, bàn việc nước.
Đền Thượng
Đền Thượng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Gọi là đền Thượng không chỉ vì được xây dựng ở một vị trí cao mà đây còn là nơi các vua Hùng thường tế trời, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng no đủ. Khi giặc Ân xâm lược nước ta, chính vua Hùng thứ 6 đã cúng cầu người tài giúp nước tại đây.
Chùa Thiên Quang
Chùa Thiên Quang có vị trí tọa lạc gần đền Hạ. Nơi đây từng là nơi Bác Hồ đã trò chuyện với Đại đoàn quân tiên phong trước khi về Hà Nội tiếp quản. Khi đến tham quan chùa Thiên Quang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng chiếc chuông được đúc từ thời Lê.
Lăng Hùng Vương
Theo lời truyền lại của người dân địa phương, lăng Hùng Vương là lăng của vua Hùng Vương thứ 6, được xây theo hướng đông nam, nằm ở phía đông của đền Thượng. Nếu để ý kỹ, du khách sẽ thấy lăng Hùng Vương được xây theo thế “đầu đội sơn, chân đạp thủy”.
Giếng Ngọc Tỉnh
Giếng Ngọc Tỉnh là nơi tưởng nhớ và thờ 2 nàng công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa đã có công giúp dân trồng lúa và trị thủy. Giếng Ngọc Tỉnh là nơi mà xưa kia hai nàng thường soi gương và chải tóc.
Phương tiện di chuyển khi đi lễ hội Đền Hùng
-
Tàu hỏa: Du khách có thể lựa chọn 2 tuyến tàu có điểm dừng tại ga Việt Trì là SP3 hoặc YB3. Từ ga, bạn tiếp tục bắt taxi, xe ôm hoặc đi tuyến xe bus số 19 để đi đến Đền Hùng.
-
Xe khách: Hiện tại, bến xe Mỹ Đình đang có rất nhiều tuyến xe khai thác lộ trình Hà Nội – Việt Trì. Bạn có thể lựa chọn các xe khác có điểm dừng gần đền với mức giá vé tham khảo từ 120.000đ – 150.000đ.
Khi đến nơi, sẽ có rất nhiều dịch vụ xe điện đưa đón du khách di chuyển từ cổng đến các điểm thăm quan khác nhau với giá thành tương đối hợp lý.
Kinh nghiệm khi tham gia lễ hội Đền Hùng
Thời gian lý tưởng để tham gia lễ hội Đền Hùng
Thời gian lý tưởng nhất để đến đền thờ vua Hùng là khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch (thời gian diễn ra các hoạt động mừng lễ Giỗ Tổ). Bên cạnh đó, bạn còn có thể đến Đền Hùng vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm bởi lúc này thời tiết Phú Thọ khá đẹp, không mưa nên rất phù hợp với hoạt động tham quan, vui chơi ngoài trời.
Gợi ý lịch trình du lịch lễ hội Đền Hùng
Du khách thăm quan, viếng lễ đền có thể tham khảo 03 lộ trình dưới đây:
-
Lộ trình thứ nhất: Bắt đầu thắp hương đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Đền thờ các Vua Hùng (đi từ cổng lên đền) → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng → các điểm tham quan khác → kết thúc hành trình.
-
Lộ trình thứ hai: Bắt đầu thắp hương đền thờ đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ → Đền thờ các Vua Hùng (đi từ cổng lên đền) → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng → các điểm tham quan khác → đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → kết thúc hành trình.
-
Lộ trình tham quan Đền Hùng Phú Thọ thứ ba: Đi từ cổng trung tâm lễ hội → Đền thờ các Vua Hùng (đi từ cổng lên đền) → đền Hạ → chùa Thiên Quang → đền Trung → đền Thượng → xuống giếng Cổ → xuống đền Giếng → đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ → các điểm tham quan khác → đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân → kết thúc hành trình.
Việc tổ chức lễ hội Đền Hùng đã tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.