Thứ ba, 31/01/2023, 07:16 (GMT+7)

Lễ hội chùa Hương Tích Hà Tĩnh - nơi mang đậm dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng linh thiêng của con người Hà Tĩnh

(Tiếp thị và gia đình) - Lễ hội chùa Hương Tích không chỉ là lễ hội du Xuân thông thường, mà còn mang ý nghĩa và dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng linh thiêng gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành hóa Phật.

Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng mang nét đẹp văn hoá tín ngưỡng đạo Phật của người Việt. Nơi đây cũng tập hợp nhiều đền chùa hang động, gắn liền với núi rừng, trở thành quần thể danh thắng rộng lớn với kiến trúc nhân tạo hài hoà với thiên nhiên.

Có một số nhầm lẫn liên quan đến chùa Hương tại Hà Nội và chùa Hương ở Hà Tĩnh. Trên thực tế đây là hai ngôi chùa hoàn toàn khác nhau. Chùa Hương Hà Tĩnh (Hương Tích) thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh có ba khu chính là am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương và Thượng Điện. Còn chùa Hương Hà Nội nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, có vị trí ở ven bờ phải sông Đáy. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về lễ hội chùa Hương Tích. 

le-hoi-chua-huong-tich-tiepthivagiadinh-1
Toàn cảnh chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh

Giới thiệu tổng quan về chùa Hương Tích 

Vị trí địa lý của chùa Hương Tích 

Nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, chùa Hương Tích Hà Tĩnh nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích – một trong những ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhất của dãy Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự. Dân gian còn gọi đây là chùa Thơm. Chùa Hương Tích theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, thờ Quan Âm Bồ Tát.

Sự tích chùa Hương Tích Hà Tĩnh 

Theo sử sách ghi lại, cũng như qua nghiên cứu khai quật khảo cổ học và ý kiến một số học giả, thì chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh là chùa gốc, xây dựng từ đời nhà Trần, thế kỷ XIII và chùa Hương ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) là một “phiên bản” đầy ý nghĩa.

Phỏng theo sách Hương Sơn Thiên Trù Thiền Phả, một vị hòa thượng được lệnh của Chúa Trịnh xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704).

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp từng nhắc đến lịch sử hình thành của chùa qua 2 câu thơ “Hương Tích Trần Triều - Hồng Sơn đệ nhất phong” (Hương Tích ngôi chùa đời Trần - Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hồng). 

Ngôi chùa cũng gắn liền với sự tích công chúa Diệu Thiện - con gái vua Trang Vương nước Sở tu hành hoá Phật. Truyền thuyết kể lại, khi biết vua cha có ý ép gả cho viên quan võ độc ác, Diệu Thiện đã tìm đến quy y cửa phật. Nàng được Phật che chở, cứu thoát trong trận hỏa hoạn, dừng chân ở động Hương Tích lập am tu hành tại đây. Sau này, khi nghe cha bị bệnh, nàng đã hiến dâng cả tròng mắt và bàn tay để cứu cha. Đức Phật cảm động đã hoá phép cho mắt Diệu Thiện sáng lại và tay lành lại. Nàng được đắc đạo hóa thành Phật Quan âm ngàn mắt ngàn tay. Cũng có truyền thuyết cho rằng, công chúa Diệu Thiện được Thần Hổ linh thiêng che chở đến núi Hồng Lĩnh lập am, tu hành và hoá Phật. 

Trong quá trình hình thành, chùa từng trải qua trận hỏa hoạn lớn vào năm Ất Dậu 1885 thiêu rụi phần lớn ngôi chùa. Đến năm 1901, Tổng đốc An - Tĩnh tiến hành quyên góp, trùng tu và xây dựng lại. Chùa được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích văn hoá - thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1990. 

Công trình kiến trúc độc đáo

le-hoi-chua-huong-tich-tiepthivagiadinh-2
Người dân tới chiêm bái, vãn cảnh chùa Hương Tích đầu năm

Quần thể di tích văn hóa tôn giáo chùa Hương Tích Hà Tĩnh bao gồm nhiều công trình, hạng mục. Ngoài thờ Phật, nơi đây còn lập ra nhiều đền thờ Thần mang đậm tín ngưỡng văn hóa của người Việt.

Cung Tam Bảo trong chùa Hương Tích hiện đặt 54 pho tượng Phật cổ được làm bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng nghìn năm. Các bậc đá, nền đá của chùa có dấu tích rêu phong hầu như còn nguyên sơ theo kết cấu cũ.

Lễ hội chùa Hương Tích 

le-hoi-chua-huong-tich-tiepthivagiadinh-4
Vẻ yên bình của Chùa Hương Tích.

Lễ hội chùa Hương Tích năm nay diễn ra vào ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng); phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo huyện, Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cùng xã Thiên Lộc tổ chức lễ Khánh đản Quán thế âm bồ tát vào ngày 9/3/2023 (tức ngày 18/2 âm lịch).

Không gian lễ hội kéo dài từ cầu Hạ Vàng (quốc lộ 1) qua xã Thiên Lộc đến chùa Thượng, trong đó, các điểm chú trọng gồm: Hạ Vàng, khu vực xã Thiên Lộc, khu vực Ban quản lý (BQL) Khu du lịch chùa Hương Tích, bến thuyền, ga cáp treo, miếu Cô, miếu Cậu, khu vực chùa chính, chùa Thượng.

Ngoài ra, ngày khai hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc ca ngợi về quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng xuân và về chùa Hương Tích; các giải thể thao, trò chơi dân gian như: bóng chuyền nam, chạy, leo núi, giải vật cổ truyền, đua thuyền, đẩy gậy, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, hội thi mâm ngũ quả...

Lễ hội chùa Hương Tích gồm các phần lễ, tế lễ, dâng hương chiêm bái cúng Phật và nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: vật cổ truyền, cờ người, kéo co, chọi gà, bịt mắt bắt vịt... thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là dịp quảng bá hình ảnh con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Tĩnh.

Một số kinh nghiệm du xuân tại chùa Hương Tích 

Cách di chuyển 

Khởi hành từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, du khách chạy dọc theo Quốc lộ 1A khoảng 20km để đến thị trấn Nghèn thuộc huyện Can Lộc. Tiếp tục chạy xe khoảng 7km nữa, bạn sẽ đến dãy núi Hồng Lĩnh. Tuyến đường di chuyển đến chân núi bạn có thể di chuyển bằng xe máy, taxi hoặc ô tô riêng. 

Từ chân núi Hồng Lĩnh vào thăm quan Hương Tích du khách có thể chọn 3 cách:

Cách 1 - Đi bộ theo triền núi đến miếu Linh Sơn

Từ chân núi Hồng Lĩnh, du khách đi bộ theo triền núi để đến miếu Linh Sơn, sau đó tiếp tục đi bộ để lên đến chùa chính. Đường lên chùa Hương Tích Hà Tĩnh dài khoảng 3km, vừa đi bạn có thể vừa vãn cảnh. Tuy nhiên, bạn cần có nền tảng thể lực tốt nếu chọn cách di chuyển này.

Cách 2 - Đi bằng cáp treo lên thẳng đền Thượng

le-hoi-chua-huong-tich-tiepthivagiadinh-3
Cáp treo chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh được nhiều du khách lựa chọn

Bạn vẫn di chuyển đến miếu Cô, sau đó mua vé cáp từ Ga miếu Cô lên thẳng đền Thượng. Ưu điểm của cách di chuyển này là nhanh chóng (mất khoảng 4 phút di chuyển), tiết kiệm sức lực cho chặng đường khám phá phía trước. Tuy nhiên, bạn phải trả thêm một khoản chi phí từ 120 nghìn (1 chiều) đến 160 nghìn đồng (2 chiều) cho giá vé cáp treo.

Cách 3 - Đi bằng thuyền

Nhiều người lựa chọn đi thuyền để thưởng thức phong cảnh non nước hữu tình. Từ miếu Linh Sơn, du khách đi dọc theo hồ Nhà Đường với chặng đường khoảng 1,5km để đến miếu Cô làm lễ. Từ miếu Cô, du khách sẽ phải lựa chọn theo 2 con đường di chuyển đã được liệt kê trên. Ưu điểm của cách di chuyển này có thêm trải nghiệm cùng non nước. Tuy nhiên, du khách phải đổi cách di chuyển nhiều lần có thể khiến cơ thể mệt mỏi.

Thời gian hoạt động 

le-hoi-chua-huong-tich-tiepthivagiadinh-5
Khách thập phương chiêm bái lễ Phật tại chùa Hương Tích.

Chùa Hương Tích mở cửa cho du khách tham quan quanh năm và hoạt động cả ngày. Vào mùa lễ hội, lượng khách đổ về chùa rất đông nên bạn có thể cân nhắc thời gian đến vãn cảnh, cầu bình an trong một khoảng thời gian hợp lý.

Về trang phục 

Do phải leo bộ một quãng đường khá dài, bạn nên chuẩn bị nước uống, đồ ăn để bổ sung năng lượng dọc đường. Ngoài ra, bạn cần thêm một số vật tư khác như áo gió, balo, lễ và tiền mặt. 

Công tác đảm bảo an toàn 

Để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tổ công tác liên ngành sẽ thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách. 

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, các chốt, tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự trực 24/24 để tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường...Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm bởi các tổ an ninh trật tự, thường trực tại các điểm trọng yếu.

Chùa Hương Tích vốn đã hấp dẫn du khách bởi phong cảnh tự nhiên hiếm có, nay càng hấp dẫn hơn bởi ban quản lý đã triển khai xây dựng nhiều điểm check in đẹp tại khu vực bán vé xe điện, bến thuyền, cáp treo, các điểm dừng chân và trên cung đường xe điện, đường bộ. Nhờ đó, địa chỉ văn hoá này ngày càng hấp dẫn giới trẻ.

Cũng theo Ban quản lý di tích chùa Hương Tích, chỉ trong 2 ngày đầu tiên của năm mới, trung bình mỗi ngày chùa Hương Tích đón khoảng 3.000 lượt khách tới dâng hương, bái Phật, du xuân… Đó là tín hiệu vui khởi đầu cho năm du lịch tại địa chỉ văn hóa tâm linh và cũng là bước chuyển đáng mừng trong việc thực hiện mục tiêu: đánh thức tiềm năng, lợi thế để chùa Hương Tích trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong các tour, tuyến du lịch.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm
Cùng chuyên mục