Thứ năm, 26/01/2023, 08:39 (GMT+7)

Hội Lim - nét đẹp văn hoá của xứ Kinh Bắc

(Tiepthigiadinh) - Hội Lim (Bắc Ninh) không chỉ đơn thuần là một lễ hội, đó còn là sự tiếp nối lịch sử, đúc kết những tinh hoa của văn hoá Quan họ - di sản phi vật thể của Việt Nam.

1. Hội Lim có từ bao giờ? 

hoi-lim-tiepthivagiadinh
Những làn điệu quan họ trên thuyền của các liền anh, liền chị

Có ý kiến cho rằng, hội Lim gắn liền với tiếng hát của chàng Trương Chi, được xem là khởi nguồn của dân ca quan họ. Người dân tại Bắc Ninh vẫn lưu giữ và truyền kể về truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương và dòng sông Tiêu Tương vẫn còn dấu vết khá rõ ở các làng quê vùng Lim. 

Theo các nguồn tài liệu thư tịch, vào thế kỷ XVIII, hội Lim đã là một lễ hội lớn phát triển quy mô hội hàng tổng. Lim là vùng đất cổ, hội đủ những yếu tố lịch sử lâu đời và trù phú, cư dân cần cù, thành thạo trong lao động sản xuất, giao thương. Đặc biệt là truyền thống khoa cử và những sáng tạo văn hoá nghệ thuật. 

Vào nửa đầu thế kỷ XVIII, trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ được tổ chức vào mùa thu tháng 8, viên Quận công Đỗ Nguyên Thụy đã phát triển và đổi mới hội Lim thành lễ hội hàng tổng bằng việc hiến dâng hàng tổng 40 mẫu ruộng và hàng ngàn quan tiền cổ để xây dựng tập quán chung và tổ chức lễ hội. Trong đó, việc duy trì và phát triển lối hát giao lưu giữa các làng trong vùng vào dịp tế thần trở thành hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn nhất lễ hội. Trung tâm lễ hội là đình làng Đình Cả và đền Cổ Lũng, mà tên làng Đình Cả đã khẳng định vai trò của làng này trong lễ hội hàng tổng. Để duy trì lễ hội, Đỗ Nguyên Thụy đã xây dựng những quy định về lệ tục lễ hội và khắc vào bia đá làm căn cứ cho hàng tổng thực hiện. Theo tài liệu này, lễ hội được tổ chức từ rằm đến 21 tháng tám với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ... Điều đáng lưu ý là tuy lễ hội chính được tổ chức vào mùa thu tháng tám, nhưng Quận công Đỗ Nguyên Thụy cũng đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. 

Như vậy, Quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng giêng.

Vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng tám sang hẳn mùa xuân tháng giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi. Kế đó, bà Mụ Ả, người Nội Duệ Nam, tu ở chùa Hồng Ân (tức chùa Lim) cũng bỏ tiền mua nốt phần còn lại của núi Hồng Vân làm hương hỏa, mở mang chùa Lim và quy định ba năm hàng tổng mở hội một lần tại núi Lim.

Như vậy, vào nửa sau thế kỷ XVIII, hội Lim đã có sự đổi mới rất căn bản: từ lễ hội mùa thu tháng tám sang mùa xuân, diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng.

2. Hội Lim được tổ chức ở đâu? 

Lễ hội được diễn ra ở các khu vực xung quanh núi Lim và hai bờ sông Tiêu Tương, những địa điểm thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 

Tiên Du là một huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thành phố 5km và cách thủ đô Hà Nội 25km về hướng bắc. Đến với Tây Du bạn có thể sử dụng ô tô hoặc tàu thông qua hệ thống đường sắt nối liền với thành phố Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. 

3. Những hoạt động tại hội Lim 

Phần lễ

hoi-lim-tiepthivagiadinh
Lễ tạ tại thôn Đình Cả

Lễ rước là một hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cộng đồng của các làng xã vùng Lim, thể hiện lịch sử lâu đời và phản ánh sự hoà nhập sâu sắc tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, lúa nước với tín ngưỡng thờ thành hoàng và những người có công xây dựng quê hương đất nước. 

Hàng ngàn người quần áo chỉnh tề rước các đồ tế lễ, thần khí đi đứng trang nghiêm theo thứ tự trước sau: cờ, ngựa, cờ ngũ hành, trống chiêng, binh khí, hương án, cờ tứ trấn, bát biểu lịch triều phong tặng, tàn, quạt, long đình, phường bát âm, đèn lồng, cờ tuyết mao, cờ lệnh, kiệu ông, kiệu bà, quan đám, bô lão, dân làng. 

hoi-lim-tiepthivagiadinh
Ngày 13 tháng Giêng bước vào chính hội, đoàn rước kiệu bắt đầu xuất phát từ thôn Đình Cả sang thôn Lộ Bao.

Phần hội 

hoi-lim-tiepthivagiadinh
Các liền anh, liền chị hát đối đáp trao duyên

Sau nghi lễ tế, rước truyền thống là các hoạt động hội hấp dẫn. Ở hội Lim ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian thì sinh hoạt văn hóa Quan họ có tính chất bao trùm và hấp dẫn hơn cả. Tại đây người ta trải chiếu xuống sân đình, Quan họ chủ và Quan họ khách ngồi thành 2 dãy quay mặt vào nhau hát đối đáp.Việc ca hát Quan họ giao duyên bên sân đình hay trong hành lang chùa Lim do các liền anh liền chị đã đứng tuổi (từ 38 – 40 trở lên) duy trì, các liền anh, liền chị tuy là không chuyên nhưng đều vẫn còn giữ được nét duyên dáng, sự nền nã, ân tình trong cách ứng xử, chất phác nhưng không kém phần tế nhị.

Hiện này, về lề lối hát quan họ tại sân đình không chỉ đựơc hát những câu hát chúc, hát mừng như xưa mà còn hát tất cả các giọng vặt, giọng giã. Quan họ hội Lim ngày xưa cũng từng hát trên sông Tiêu Tương. Các liền anh ngồi ở chiếc thuyền nan bên này hát đối đáp với các liền chị ngồi ở chiếc thuyền nan bên kia. 

Hàng trăm làn điệu Quan họ được các liền anh, liền chị thể hiện trong nghệ thuật hát đối đáp đạt tới trình độ cao, sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca, nhạc, họa và cả tình người. Lời hát tuy mộc mạc nhưng vẫn đạt được những chuẩn độ truyền thống “vang, rền, nền, nảy” với đủ các trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với đất trời để vươn tới “Chân - Thiện -Mỹ".

Bên cạnh tục hát Quan họ, hội Lim còn có các trò chơi dân gian truyền thống: thi dệt vải được tổ chức tại Đình làng Đình Cả, thi vật, tổ tôm điếm, đánh đu trên đồi Lim… Đặc biệt là môn cờ người được hàng tổng giao cho các thôn chọn những nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng gọi là kim đồng ngọc nữ để đóng vai các quân cờ…, góp phần làm cho hội Lim thêm sôi động và phong phú hơn.

4. Ý nghĩa của lễ hội Lim 

Từ bao đời nay, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng về tinh thần văn hoá và tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc, hội Lim còn nhắc nhở những thế hệ sau này về việc phải ghi nhớ công lao của những người đi trước và giáo dục họ việc gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. 

5. Kinh nghiệm khi tham gia hội Lim 

5.1. Đường đi đến hội Lim

Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội hoặc ở các tỉnh thành phía Bắc thì việc di chuyển và đi lại tương đối nhẹ nhàng đơn giản. Ngược lại nếu ở Sài Gòn du khách cần đặt vé máy bay đi Hà Nội. Sau đó từ Hà Nội lựa chọn phương tiện xe máy, ô tô để tiếp tục di chuyển đến Bắc Ninh với quãng đường chuyển tiếp chỉ khoảng 30km mà thôi. Lựa chọn các phương tiện di chuyển như như sau:

  • Di chuyển bằng xe khách: Chuyến xe khách Hà Nội - Bắc Ninh dừng ở thị trấn Lim. Giá xe khách trung bình từ 60.000đ - 80.000đ/lượt/người.

  • Di chuyển bằng xe bus: 10A, 10B, 52A, 54,65,61, 212, 204

  • Hướng dẫn di chuyển bằng xe máy: Di chuyển từ trung tâm - Long Biên - Cầu Đuống - Đình Bảng - Từ Sơn - đi thẳng 1km là gặp Hội Lim ngay bên đường. Hoặc các bạn có thể lựa chọn di chuyển theo hướng quốc lộ 1A tới gần Bắc Ninh thì rẽ ngay vào Đình Bảng. Hội Lim được tổ chức trên một quả đồi ở thị trấn Lim thuộc huyện Tiên Sơn chỉ cách trung tâm thành phố Bắc Ninh 5km.

5.2. Trải nghiệm thú vị qua những hoạt động tại hội Lim

Hát hội sẽ là hoạt động không thể thiếu trong suốt buổi lễ hội. Trong đó mọi người sẽ thi nhau hát và mời trầu. Các làn điệu dân ca khúc hát quen thuộc như con sáo sang sông, nhện giăng mùng được thể hiện trong suốt phần thi đấu. Quá trình thi hát sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức như hát trên thuyền, hát quan họ. Các liền anh liền chị hát đối nhau những câu hát thấm nhuần văn hóa địa phương. Mỗi làng sẽ được tổ chức và dựng thành 1 trại tại sân.

hoi-lim-tiepthivagiadinh
Cùng với đu tiên, đập niêu, chọi gà, chơi cờ tướng, đấu vật là trò được đông đảo khán giả tập trung cổ vũ

Dừng chân khi khám phá những hoạt động đặc sắc tại Hội Lim, du khách có cơ hội thưởng thức nét đẹp văn hóa ẩm thực của vùng quê xứ Kinh Bắc. Một trong số các món ăn đặc sản như: phở gan cháy Đáp Cầu, trâu giật Từ Sơn, cháo cá Tích Nghi, bánh phu thê. Một số nhà hàng tại thị trấn hoặc thành phố Bắc Ninh cũng có phục vụ các món đặc sản để du khách có thể chủ động trải nghiệm nét ẩm thực độc đáo tại đây.

Tại Hội Lim Bắc Ninh có kết hợp bày bán nhiều đặc sản ngon để du khách có thể mua về làm quà. Trong đó một số đặc sản làm quà nổi tiếng như: bánh đa kế, bánh phu thê Đình Bảng ngon nổi tiếng, nem bùi Ninh Xá, đặc sản gà Hồ, bánh tẻ làng Chờ, rượu làng Vân gia truyền….

5.3. Một số lưu ý khi đi hội Lim

Du khách tham gia ngày chính hội (ngày 13 tháng Giêng) thông thường sẽ đông hơn các ngày khác. Chính vì vậy, du khách dễ thấy quang cảnh đông đúc và chen lấn. Bạn cần đặc biệt chú ý và di chuyển trong đám đông. Hãy luôn chú ý và bảo vệ túi xách, tài sản cá nhân. Nếu gia đình có mang theo bé nhỏ cần chú ý đảm bảo an toàn cho bé xuyên suốt lễ hội.

Đối với phần thi hát quan họ trên sông, du khách không được tự ý di chuyển gần khu vực bờ sông nếu chưa có sự cho phép của ban tổ chức vì rất dễ nguy hiểm.

Bài viết này thuộc series Tết Nguyên đán 2023

Xem thêm
Cùng chuyên mục