Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 06/06/2024, 10:55 (GMT+7)

Không nghe lời bác sĩ, cô gái nhập viện tâm thần chỉ vì làm điều mà hầu hết giới trẻ yêu thích

Đi khám do mất ngủ, cô gái trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, tuy nhiên cô không uống thuốc điều trị mà lại xem bói bài Tarot, hậu quả phải nhập viện tâm thần.

Một trong những xu hướng thịnh hành ở giới trẻ hiện nay là bói bài Tarot. Mỗi khi đối mặt với khó khăn, bế tắc, băn khoăn trong học tập cũng như cuộc sống, không ít người lựa chọn giải pháp xem bói bài Tarot như một cách giãi bày tâm sự và định hướng cho lựa chọn của mình.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn “nghiện” Tarot đến mức mỗi khi có chuyện buồn, bị điểm kém, thất tình, ốm đau.... cũng đi xem.

Thói quen khiến cô gái phải nhập viện tâm thần

Gia đình Việt Nam đưa tin, ThS.BS Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ 25 tuổi mắc rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, cô gái này có thói quen làm việc gì cũng phải đi bói bài Tarot, ngay cả đi khám bệnh, cô gái trẻ cũng phải đi bói bài để đưa ra quyết định.

Bệnh nhân tới khám do mất ngủ, được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực và được bác sĩ kê thuốc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, bệnh nhân không uống thuốc mà tiếp tục đi bói bài để xem tương lai ra sao.

Sau khi bói bài, biết được thông tin thời gian tới sẽ gặp nhiều vấn đề kém may mắn, bệnh nhân không dám uống thuốc, căng thẳng, lo lắng, mất ngủ do nghĩ tới tương lai không tốt đã được dự đoán từ buổi đi bói bài đó.

tarot-3
Bệnh nhân có thói quen xem bói bài tarot (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Chung, đợt thời tiết nắng nóng vừa rồi cô gái đã phải nhập viện điều trị rối loạn lưỡng cực trong tình trạng khá nặng.

"Bản thân bói bài không gây ra rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, với trường hợp của bạn trẻ này đã có sẵn bệnh lý rối loạn lưỡng cực nhưng không điều trị vì tin theo bói bài. Đợt nắng nóng gần đây, tình trạng rối loạn cảm xúc của bệnh nhân bùng phát. Do đó, bệnh nhân phải nhập viện điều trị", bác sĩ Chung nói.

Bệnh nhân này bị mất ngủ - đây là dấu hiệu sớm của rối loạn lưỡng cực. Cùng với việc tâm lý lo âu, căng thẳng do thường xuyên đi bói bài tarot khiến cho việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn. Theo ông Chung, nếu bệnh nhân này tuân thủ điều trị từ lúc được chẩn đoán bệnh thì bệnh lý sẽ dễ dàng điều trị hơn.

Biểu hiện nghi ngờ rối loạn lưỡng cực

Theo Gia đình & Xã hội, rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra những biến đổi về mặt cảm xúc. Người bệnh có thể chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm).

Bệnh rối loạn lưỡng cực có tính chất chu kỳ, người bệnh biểu hiện tâm trạng từ lạc quan, bay bổng xem giữa bi quan, chán ghét cuộc sống. Người bị chứng bệnh này sẽ khó duy trì quan hệ xã giao và đôi khi bị mọi người xa lánh.

Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực

Giai đoạn hưng cảm: Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như năng lượng tăng cao, hoạt động quá mức; cảm giác vui vẻ, hưng phấn, hoặc dễ bị kích động; giảm nhu cầu ngủ; nói nhiều, suy nghĩ nhanh; dễ mất tập trung; hành vi bốc đồng, liều lĩnh.

20211018_141633_129470_ro

Giai đoạn trầm cảm: Bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn bã, chán nản; mất hứng thú với các hoạt động thường ngày; thay đổi khẩu vị và giấc ngủ; mệt mỏi, thiếu năng lượng; khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực; có ý tưởng tự sát.

Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn lưỡng cực khi có các triệu chứng của hưng cảm, trầm cảm. Các triệu chứng này làm ảnh hưởng tới các chức năng làm việc, học tập hoặc các mối quan hệ.

Rối loạn lưỡng cực có điều trị được không?

Theo bác sĩ Chung, để điều trị rối loạn lưỡng cực, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kéo dài trong nhiều năm mới ổn định.

Theo Gia đình & Xã hội, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân mắc chứng bệnh này thường không được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể dùng các loại thuốc hướng tâm thần và liệu pháp tâm thần để giảm triệu chứng.

Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm, đúng phác đồ của bác sĩ thì người bệnh sẽ thuyên giảm triệu chứng. Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tiếp xúc với các liệu pháp tâm lý để điều trị rối loạn hành vi và cách kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Nên ngủ đúng giờ, đủ giấc, kiêng các chất kích thích, sinh hoạt điều độ, lành mạnh.

Qua trường hợp của bệnh nhân 25 tuổi nêu trên, bác sĩ Chung cũng khuyến cáo, khi có vấn đề giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, mọi người cần đi khám chuyên khoa sức khỏe tinh thần sớm để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.

Cùng chuyên mục