Khám phá lối kiến trúc Hoàng gia của Lầu Ông Hoàng
Lầu Ông Hoàng là một quần thể gồm đồi núi, biển, sông, chùa tháp, tất cả tạo thành một khu thắng cảnh nổi tiếng của Phan Thiết, Bình Thuận. Chạm tay vào những bức tường cổ của lầu này, bạn mới cảm nhận được phần nào sự cổ kính, rêu phong qua thời gian và lối kiến trúc Hoàng gia từ thuở xưa.
Đồi chè Long Cốc - chốn tiên cảnh của vùng đất Phú Thọ
Giới thiệu chung về Lầu Ông Hoàng
Lầu Ông Hoàng là một di tích tham quan trong quần thể tháp Poshanu, trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất ở Bà Nài phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Lầu Ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp, tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển. Đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc.

Tên gọi Lầu Ông Hoàng có từ đâu?
Người ta vẫn đồn thổi, Lầu Ông Hoàng được gọi như vậy bởi đây từng là dinh thự của ông hoàng Bảo Đại. Nhưng cái tên Lầu Ông Hoàng thật ra lại được bắt nguồn bởi một câu chuyện khác.
Tên gọi Lầu Ông Hoàng là cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp sống tại đây vào những thập kỷ trước. Đây là một biệt thự do Ferdinand d'Orléans - Công tước De Montpensier và là cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp quyết định xây dựng. Ông hoàng người Pháp đã qua Việt Nam để du lịch, sau những lần trải nghiệm ở đây, ông thực sự có cảm tình có với phong cảnh thiên nhiên hữu tình trên những ngọn đồi ở Phan Thiết. Vì vậy, ông đã muốn có một nơi nghỉ ngơi trong những lần du lịch của mình tại Việt Nam và ông quyết định mua đất xây dựng biệt thự như những gì mình mong muốn.

Vào năm 1911, sau những lần tham khảo và thương lượng, công tước De Montpensier đã mua được ngọn đồi Bà Nài từ công sứ Garnier – người cầm quyền đất Bình Thuận lúc bấy giờ. Có đất, Công tước liền cho khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1911 và sau gần 1 năm, công trình được hoàn thành. Khi ấy, người ta không khỏi trầm trồ trước dinh thự của vị công tước này và nơi đây được xem là công trình hiện đại nhất tại Phan Thiết lúc bấy giờ.
Vào tháng 7/1917, Lầu Ông Hoàng được Công tước De Montpensier bán lại cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại đã mua lại và khiến nơi này trở thành địa điểm tàn khốc khi phải chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh ác liệt của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Kể từ đó trở đi, di tích Lầu Ông Hoàng không còn được chăm chút, tân trang; dần trở nên xuống cấp. Có lẽ vì vậy mà nhiều người vẫn nhầm tưởng dinh thự này được gọi theo ông hoàng Bảo Đại.

Cách di chuyển đến Lầu Ông Hoàng
Để có thể đến được Lầu Ông Hoàng, du khách có thể lựa chọn xe máy hoặc ô tô cá nhân để di chuyển theo cách sau: trung tâm thành phố Phan Thiết → đường Nguyễn Thông → dốc Lầu Ông Hoàng → Di tích Tháp Poshanu (nơi này cũng chính là Lầu Ông Hoàng).

Nên đến Lầu Ông Hoàng vào thời điểm nào trong ngày?
Du khách có thể đến khám phá Lầu Ông Hoàng bất cứ lúc nào trong ngày bởi vào thời điểm nào, nơi đây cũng mang vẻ đẹp riêng. Nếu buổi sáng, bạn đứng từ độ cao 105m so với mực nước biển của Lầu Ông Hoàng, bạn có thể nhìn rõ Mũi Né và Phan Thiết. Còn nếu bạn ngắm cảnh nơi đây vào ban đêm sẽ tận hưởng được không gian lãng mạn với ánh trăng mờ ảo. Còn nếu đến nơi đây vào buổi chiều, bạn sẽ có thể ngắm cảnh hoàng hôn Phan Thiết rất thơ mộng.

Lầu Ông Hoàng có gì đặc biệt?
Lầu Ông Hoàng - Nơi ghi dấu chuyện tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm
Địa danh Lầu Ông Hoàng còn được gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết. Đặt biệt, câu chuyện tình giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm rất đẹp nhưng có nhiều trắc trở ít ai biết. Lầu Ông Hoàng từng là nơi ghi dấu hẹn hò và ngắm trăng của ông và Mộng Cầm. Theo lời bà Mộng Cầm sau này kể lại, một ngày mùa hè, Hàn Mặc Tử vào Phan Thiết thăm bà và Mộng Cầm đã đưa ông tới Lầu Ông Hoàng. Nhưng đáng tiếc thay đây lại là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai người. Hàn Mặc Tử quay lại Huế, rồi vào Quy Nhơn và điều trị bệnh phong ở Tuy Hòa cho đến khi mất.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài thơ nói về nơi này, nổi tiếng là bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết. Và đã có nhiều nhạc sĩ lấy cảm hứng từ cuộc tình của hai người để viết nên những bài hát sâu lắng. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đã có một ca khúc rất hay kể về Lầu Ông Hoàng cũng như câu chuyện tình của thi nhân Hàn Mặc Tử.

Kiến trúc “Hoàng gia” của Lầu Ông Hoàng
Ngôi biệt thự này rộng 536 mét vuông được chia thành 13 phòng, cực kỳ rộng và nguy nga. Khu biệt thự nằm nằm gần di tích tháp Chăm Pôshanư, cách xa khoảng 100m về phía Nam. Hư hỏng duy nhất tại biệt thự này là cửa chính, do quá trình vận chuyển vật liệu quá cồng kềnh, người Pháp đã vô ý làm nứt vỡ.
Căn biệt thự này được ví như một đất nước thu nhỏ và có đủ tiện nghi. Dinh thự gồm 13 phòng, có máy phát điện, ban đêm đèn chiếu sáng choang và có hầm chứa nước mưa hiện đại. Móng nền được đúc bằng đá hộc xanh, nền cao tới hai thước, lót gạch bông sáng bóng. Phía trên nóc biệt thự là những phiến đá màu xanh, khiến bên trong luôn mát lạnh dù thời tiết bên ngoài có nóng đến cỡ nào. Nhân dân quanh đây thường gọi ngôi biệt thự là Lầu Ông Hoàng để bày tỏ sự ngưỡng mộ với công trình biệt thự nguy nga nhất Bình Thuận trong những năm thực dân Pháp còn đóng chiếm.

Lầu Ông Hoàng - Nơi lý tưởng để ngắm bình minh và hoàng hôn
Ngày nay, Lầu Ông Hoàng không còn giữ được vẻ vẹn nguyên, tráng lệ như xưa mà thay vào đó là những vết nứt đổ, sự bào mòn theo năm tháng. Thế nhưng, người ta vẫn yêu thích mà đến đây như địa điểm chẳng thể bỏ qua khi du lịch Phan Thiết.
Lầu Ông Hoàng còn được biết đến là điểm hiếm hoi để có thể ngắm bình minh ửng hồng lên từ mặt biển. Đứng trên đỉnh Bà Nài lộng gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ôm cả thành phố Phan Thiết vào lòng. Dường như chỉ ở vị trí này, trên phế tích Lầu Ông Hoàng nổi tiếng một thời, bạn mới thấy một vẻ đẹp đầy mơ mộng của thành phố Phan Thiết đang bình yên nằm gọn trong một thung lũng lớn.

Mặt trước là biển xanh rì rào, từng con sóng biếc đang nhấp nhô lan mãi tới tận chân trời xa. Ngoảnh mặt nhìn lại phía sau, bỗng thấy trập trùng những dãy núi uốn lượn tài tình, để rồi ẩn hiện phía sau đó là hình ảnh cao nguyên Lâm Đồng đang oằn mình trong làn sương mờ ảo.
Bình minh trên Lầu Ông Hoàng mới khiến bao người xao xuyến. Mặt trời ửng hồng nhô dần lên từ biển lớn, cả một không gian đang chìm trong đêm đen huyễn hoặc, bỗng chốc tỏ dần trong ánh sáng màu nhiệm của buổi sớm mai. Từ trên cao, nhìn cảnh và người dần thức giấc, nhẹ nhàng, bình yên quá đỗi.

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi lý tưởng để ngắm phong cảnh non nước lãng mạn lúc hoàng hôn. Nhiều du khách khi đến đây cố chờ để tận mắt ngắm nhìn hoàng hôn, mặt trời đỏ rực, cố chiếu những tia nắng yếu ớt cuối ngày lên vạn vật rồi chìm dần về phía những dãy núi xa, trả lại cho Phan Thiết một màu huyền bí.

Lầu Ông Hoàng còn thu hút với các du khách vào những đêm trăng. Ánh trăng mười sáu vằng vặc làm mọi vật trở nên huyền ảo, bức tranh thiên nhiên đẹp đến mê hoặc. Ánh sáng bàng bạc lan dần trên từng nhành cây ngọn cỏ, khiến mọi thứ trở nên ma mị đến khôn cùng.

Những địa điểm du lịch gần Lầu Ông Hoàng
Tháp Poshanư
Tháp Poshanư (còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài) là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hải, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc. Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Champa.

Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Po Sah Inư là một trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn. Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính. Thế kỷ 15, xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sha Inư. Công chúa Po Sha Inư (con vua Parachanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.

Biển Phú Hài
Bãi biển Phú Hài chỉ dài hơn 4 cây số, bao bọc một phần chân đồi Bà Nài, nước biển trong xanh, sóng vỗ nhẹ vào bãi cát trắng mịn. Các dự án du lịch đan xen trong làng chài cư dân hiền lành, chất phát. Bãi tắm nơi đây chạy dài, sáng sớm người dân làng chài và du khách tắm biển rất đông, nhưng không nhộn nhịp, hối hả như ở biển Hàm Tiến hay Mũi Né.
Những ngôi nhà của người dân làng chài Phú Hài không sang trọng, cầu kỳ dựa lưng vào đồi cao, hướng mặt ra biển cả mênh mông lộng gió. Con đường trải nhựa uốn lượn dưới chân đồi Bà Nài có chỗ chia đôi xóm chài nên giao thông nơi đây trở nên thuận lợi.

Có thể nói, bãi biển Phú Hài là nơi giao thoa giữa hiện đại, sang trọng và lối kiến trúc đa dạng của từng resort với cuộc sống bình dị của cư dân làng chài; vừa hiện đại, vừa giữ được nét nguyên sơ của làng chài xưa. Chính sự giao thoa ấy đã làm tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên để lữ khách chọn làm điểm đến tận hưởng những dịch vụ cao cấp, đồng thời trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân vùng biển.

Du khách có thể ghé thăm Lầu Ông Hoàng trong chuyến du lịch Bình Thuận của mình để cảm nhận được một di tích đã từng rất hùng vĩ tại đây. Tuy chỉ còn nền móng nhưng Lầu Ông Hoàng vẫn toát lên vẻ hoành tráng, là một điểm du lịch đáng để ghé qua một lần trong đời.