Khám phá cảnh sắc thiên nhiên tại Quy Nhơn
Quy Nhơn có nhiều điểm đến tham quan và vui chơi, du khách có thể lựa chọn hành trình của mình theo ngày đi tại các khu vực biển, rừng hay di tích.
Thời điểm thích hợp để du lịch Quy Nhơn
Quy Nhơn là vùng biển, nên phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt là mùa khô từ tháng 3 - 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24,5º C nên thực tế hầu như lúc nào cũng có thể du lịch Quy Nhơn. Tuy vậy, các bạn nên tránh mùa mưa bão ở Quy Nhơn thường kéo dài vào khoảng cuối năm, tần suất có thể có bão cao nhất vào tháng 9-11.
Nếu có kế hoạch tới đây vào khoảng thời gian này, bạn nên theo dõi thời tiết thật kỹ để tránh ảnh hưởng tới chuyến đi. Do đó, khoảng thời gian đẹp nhất để tới Quy Nhơn là từ tháng 4 đến tháng 9, thời gian này sẽ có nắng đẹp, khí hậu ôn hòa và không có mưa bão.
Một số địa điểm nên ghé thăm tại Quy Nhơn
Kỳ Co - Eo Gió Quy Nhơn
Bãi Kỳ Co thuộc địa phận xã Nhơn Lý, tỉnh Bình Định - cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25 km về phía đông bắc. Vì một mặt giáp biển, ba mặt còn lại là đồi núi, cảnh quan ở đây "sơn thủy hữu tình".
Nước biển Kỳ Co có hai màu, nước trong cạn gần bờ có màu xanh lam, còn phần biển ở ngoài xa có màu sẫm. Từ khoảng tháng 4 đến tháng 9, trời đẹp, lòng biển kín gió là lúc thích hợp nhất để đến đây.
Để tới bãi Kỳ Co, đi cano là thuận tiện nhất. Những người dân chài nơi đây có dịch vụ cano hoặc ghe từ Eo Gió ra Kỳ Co. Du khách sẽ trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sóng nước, ngắm cảnh núi non Nhơn Lý hùng vĩ.
Một phương án nhiều thử thách hơn chạy xe máy theo con đường vòng quanh núi để tới bãi biển. Bạn bắt đầu từ cầu Suối Cả, đi dọc sườn núi Phương Mai về hướng nam. Tuy nhiên, con đường này chỉ thích hợp với người có tay lái cứng. Bạn nên đi theo nhóm để hỗ trợ nhau khi cần.
Trên đường trở lại TP Quy Nhơn, bạn nên chạy xe chậm để thưởng ngoạn cảnh đẹp của toàn cảnh vùng biển Nhơn Lý, bán đảo Phương Mai.
Nếu đi về trong ngày, bạn có thể đặt dịch vụ trọn gói của chủ thuyền. Họ chuẩn bị đồ ăn là hải sản tươi, chế biến sẵn mang theo ra bãi để giúp du khách thưởng thức bữa trưa trong phong cảnh hữu tình.
Chuyến đi ra Kỳ Co mất khoảng 250.000 - 400.000 đồng một người trọn gói các dịch vụ cano khứ hồi, bữa ăn. Giá vé vào khu du lịch biển Kỳ Co là 100.000 đồng một lượt với người lớn, 50.000 đồng một lượt với trẻ em.
Bãi biển Hoàng Hậu, Quy Nhơn
Bãi tắm Hoàng Hậu còn gọi là bãi Đá Trứng, nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng - Tiên Sa, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 2 km về hướng đông nam, thuận tiện di chuyển bằng ô tô hay xe máy. Điểm đến không thu phí tham quan, khách chỉ trả tiền gửi xe hoặc dịch vụ ăn uống trong khuôn viên khu du lịch. Nơi này khá thu hút khách đoàn hay nhóm bạn trẻ thích khám phá.
Trong khu du lịch có nhiều biển chỉ dẫn, tại lối xuống bãi biển Hoàng Hậu có tảng đá lớn, ghi lại sự tích nơi này. "Tương truyền rằng trong những lần theo chân vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, Nam Phương Hoàng Hậu đã chọn nơi này làm bãi tắm riêng cho mình, và 'bãi tắm Hoàng Hậu' cũng có tên bắt nguồn từ đây. Bãi tắm với vô số hòn đá tròn nhẵn như trứng chim khổng lồ nên còn được gọi là Bãi Trứng".
Hòn Khô
Hòn Khô thuộc xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố gần 20 km. Đây là một trong những đảo gần bờ của Bình Định. Hòn Khô tháng 6 xinh đẹp, bình yên với biển xanh, cát trắng. Du khách từ trung tâm thành phố đến với hòn Khô có thể đi xe máy, taxi hoặc xe buýt công cộng. Hòn Khô nổi lên là điểm ngắm san hô của Quy Nhơn vài năm trở lại đây. Với vẻ hoang sơ, nơi đây thu hút nhiều du khách đến vui chơi. Nhìn từ trên cao, rong biển cùng san hô tạo một màu sắc tuyệt đẹp. Những năm trở lại đây, hòn Khô nổi lên như một điểm đến của du khách khi đến Quy Nhơn. Trong ảnh du khách bơi, lặn bên một nhà bè của ngư dân dùng làm dịch vụ du lịch tại chỗ với giá 10.000 đồng một người.
Duỗi cát trắng nhô ra giữa Hòn Khô là nơi thu hút nhiều du khách tắm, lặn ngắm san hô và thưởng thức ẩm thực trên bè cá. Du khách từ đất liền ra hòn Khô chừng 5 phút với thuyền ngư dân hoặc ca nô với giá dao động từ 80.000 đến 200.000 đồng mỗi người.
Ghềnh Ráng Tiên Sa
Bãi Tiên Sa là bãi biển có vẻ đẹp vừa hùng vĩ, lại vừa thơ mộng. Một bên là vách núi cheo leo với những mỏm đá trườn ra biển, một bên là biển xanh bao la, nằm giữa là bãi cát trắng mịn. Sau khi dạo bước trên bãi Tiên Sa, bạn có thể leo lên những bậc thang dẫn lên triền đồi để ngắm nhìn Quy Nhơn và Ghềnh Ráng từ trên cao.
Tháp Bánh Ít - Tháp Đôi
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc được xây dựng cuối thế kỷ XI, hiện nằm tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Cụm tháp cổ bao gồm 4 toà tháp. Tháp chính cao khoảng 20m, riêng phần cổng đi vào nhô ra bên ngoài thêm 2 m, được trang trí khá công phu. Dù nằm trong cùng một quần thể những mỗi tòa tháp lại được xây dựng với kích thước và phong cách khác nhau. Bên cạnh tháp chính là tháp nhỏ hình yên ngựa cao khoảng 20 m. Tháp nhỏ nhất trong quần thể nằm cách tháp chính khoảng 30m, được xây ở địa thể thấp hơn và chỉ cao khoảng 10 m. Tháp được trang trí khá đơn giản, vòm cổng có hình tựa như mũi lao đang hướng thẳng lên trời.
Tháp Đôi
Tháp Đôi hay còn có tên gọi khác là tháp Hưng Thạnh tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Công trình là một trong 8 cụm Tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định ngày nay. Quần thể gồm hai tòa tháp, tháp lớn cao khoảng 20m, tháp nhỏ cao 18 m nằm liền kề nhau. Cả hai tháp đều được cấu trúc thành ba phần chính: Chân tháp là khối đá hoặc gạch xếp chồng vững chãi; thân tháp khối vuông và đỉnh tháp là mặt cong được tạo thành bởi gạch nung xếp khít chặt.
Phong cách kiến trúc của hai tòa Tháp Đôi pha lẫn thêm dáng vẻ của những đền thờ Khmer thời Angkor Wat, thể hiện thông qua những hình chim thần Garuda bằng đá với hai tay đưa cao, trang trí các góc tháp.
Cụm tháp chăm cổ Dương Long
Dương Long là một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, dóng thẳng hàng theo trục Bắc - Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Tháp giữa cao 42m, hai tháp bên cao 38m.
Tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, thuộc huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn 50 km. Cụm tháp ở đây đều có chung một nét thiết kế được chia thành ba phần rõ rệt là: đế, thân và mái tháp. Phần đế được xây khá cao, vững trãi, xung quanh thân tháp được trang trí rất nhiều những hoa văn đặc trưng của người Chăm.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long mang nhiều đặc trưng kiến trúc Chăm Pa nhưng đã chịu ảnh hưởng đậm nét nghệ thuật Kh’mer. Tháp được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980. Hiện nay tháp nằm trên địa phận hai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định.
Trung tâm khám phá khoa học (ExploraScience)
Cách thành phố 5 km về phía nam, trung tâm nằm ở số 10, Đại lộ Khoa học, phường Ghềnh Ráng. Mở cửa các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 từ 8h -11h, chiều từ 14h - 17h. ExporaScience Quy Nhơn là tổ hợp không gian khoa học dành cho các đối tượng học sinh, sinh viên. Trung tâm có nhiều hoạt động và các phòng khám phá, vui chơi chủ đề vũ trụ, vật lý, hóa học... Hiện nơi đây đang mở cửa miễn phí cho khách tham quan nhưng cần liên hệ trước và tổ chức đi theo đoàn.
Di chuyển đến Quy Nhơn
Để đến Quy Nhơn, du khách có thể lựa chọn phương tiện máy bay, xe khách hoặc tàu hỏa. Tuy nhiên đa số du khách thường lựa chọn di chuyển bằng máy bay để tiết kiệm thời gian. Hiện nay các hãng bay tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều khai thác tuyến Hà Nội và TP.HCM đến Quy Nhơn, giá vé khứ hồi từ khoảng 1,5 triệu đến 4 triệu đồng/người, tùy thời điểm. Sân bay Phù Cát là sân bay gần nhất, cách TP. Quy Nhơn khoảng 30km. Từ sân bay Phù Cát về trung tâm TP Quy Nhơn có xe buýt với giá 50.000 đồng/người, phù hợp khách đi lẻ, hoặc taxi giá 200.000 - 250.000 đồng/chuyến.
Với phương tiện là tàu hỏa, du khách cần lưu ý ga Diêu Trì là ga tàu hỏa đón khách gần nhất tại Quy Nhơn. Chuyến tàu Bắc - Nam sẽ chạy qua địa phận Bình Định và dừng tại đây.
Bên cạnh đó, du khách có thể lựa chọn xe khách từ Sài Gòn đi Quy Nhơn với các chuyến xe có mỗi ngày, tại đây bạn có thể di chuyển bằng xe giường nằm. Thời gian di chuyển từ Sài Gòn - Quy Nhơn tầm khoảng 11 - 12 giờ cho mỗi chuyến đi.