Hội thảo khoa học quốc tế 'Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản'
Đây là dịp để khẳng định thêm về tầm vóc quốc tế của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; làm sáng tỏ những giá trị mới, góp phần giúp Hà Tĩnh, Hưng Yên tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Đại danh y.
Ngày 20/12, tại Hưng Yên, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Tĩnh, các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo khoa học quốc tế “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, do tỉnh Hưng Yên phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn (năm 1724). Ông sinh ra trong gia đình, dòng họ hiếu học, khoa bảng và truyền thống văn hóa đặc sắc của hai vùng quê Hưng Yên và Hà Tĩnh, từ đó góp phần hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, tài năng và nhân cách của Lê Hữu Trác. Ông đã theo nghiệp đèn sách, kinh sử, rồi chuyển sang quân ngũ với hoài bão làm trai thời loạn, đem tài năng, sức vóc phục vụ triều đình.
Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng nhìn ra sự rối ren của xã hội thời Lê - Trịnh. Mẫn thời, đạt thế, ông quyết định về quê mẹ, cách xa kinh thành Thăng Long để lánh đời và chuyển sang nghề thuốc. Với trí tuệ uyên bác về y học, ông đã nhanh chóng nâng tầm về y đức, y lý, y thuật và dược học đương thời lên tầm cao mới, thành học thuật kinh điển với phương châm "Nam dược trị Nam nhân". Ông đã kiến tạo và củng cố thành hệ thống các chuẩn mực về đạo đức của người thầy thuốc. Chín điều trong Y huấn cách ngôn của ông được coi như lời thề đối với những người theo nghiệp đông y.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, tầm vóc danh nhân và giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sức thuyết phục đặc biệt đối với bạn bè quốc tế.
Ngày 21/11/2023, tại Phiên họp lần thứ 42 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử" niên khóa 2024 - 2025, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.
Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế về những đóng góp của ông đối với xã hội, cộng đồng, là sự khẳng định rõ ràng nhất về thành tựu to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên cộng đồng quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu làm rõ thân thế, sự nghiệp và thời đại của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; sự nghiệp y học của ông. Đồng thời khẳng định ý nghĩa sự kiện UNESCO tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và việc phát huy giá trị di sản của ông trong thời đại ngày nay; sự nghiệp y học và tư tưởng chữa bệnh cứu người của ông; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông trong Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam.
- Nhà giáo Thanh Mai & “Sứ mệnh” quảng bá di sản áo dài Việt Nam
- "Về với cội nguồn" - BST tôn vinh di sản văn hóa dân tộc
- Điệu nhảy Garba được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể
- Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trái phép, thẩm mỹ Jongwon dính phạt nặng, đình chỉ hoạt động, chế tài quy định cụ thể ra sao?
- Từ việc Tập đoàn Thắng Phát lĩnh phạt do xâm phạm quyền nhãn hiệu về sơn, chế tài xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu quy định thế nào?
- Thu giữ hơn 200.000 lon bò húc có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu RedBull sắp tuồn ra thị trường Tết 2025, đặc điểm nào để người tiêu dùng nhận biết hàng chính hãng?